Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), khắp nơi ở TPHCM đều ngập tràn trong không khí vui tươi, phấn khởi! Trên đại công trường dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, công tác thi công vẫn được đội ngũ kỹ sư, công nhân xây dựng và ban quản lý công trình duy trì. Dù phải làm việc xuyên lễ, nhưng với họ, được đóng góp sức cho dự án trọng điểm này chính là niềm vui và sự tự hào. Thành phố đẹp và hiện đại trong tương lai nhờ những bàn tay ấy!
Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương
TPHCM những ngày đầu hè, trời đổ nắng như trút lửa! Hơi nóng gay gắt hắt lên từ mặt sông Vàm Thuật (đoạn chảy qua P.An Phú Đông, Q12)... nóng ran. Từ bờ tả con sông, càng tiến về gần khu vực thi công thuộc dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, không khí ngột ngạt càng tăng lên gấp bội. Mùi hôi, tanh bốc lên làm người lạ lần đầu tới... khó quen.
Thấy có PV ghi nhận không khí làm việc khẩn trương trên công trường... ai nấy cũng đều thể hiện sự phấn khởi. "Chú nhà báo ơi! nắng như thế này có chịu được không?" - ông Tám, một công nhân xây dựng hỏi lớn. Để chống chịu với cái nắng hè gay gắt, phần lớn công nhân ở đây đều phải trùm kín khuôn mặt. Mọi giao tiếp đều được thể hiện qua những đôi mắt. Bật mí với tôi, một công nhân đang làm việc cho biết, trưa nay, công ty đã chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ để anh, chị em công nhân cùng ăn lễ. Hành động dù nhỏ nhưng được xem là món quà khích lệ tinh thần dành tặng đến đội ngũ công nhân, kỹ sư đang căng mình chạy đua với thời gian.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thăm công trường nhân dịp Tết Nguyên đán 2024
Khu vực công trình mà phóng viên (PV) Chuyên đề Công an TPHCM (CATP) có dịp đến thăm trong những ngày kỷ niệm "Đất nước trọn niềm vui" thuộc gói thầu xây lắp số 10 (đoạn từ cầu Trường Đai đến sông Sài Gòn) có tổng chiều dài hơn 8,3km, khởi công từ đầu năm nay. Để đảm bảo đúng tiến độ mà thành phố đã ấn định, đội ngũ kỹ sư, công nhân xây dựng đã làm việc xuyên lễ, Tết để đẩy nhanh tiến độ.
Cùng với anh Nguyễn Duy Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH TMDV Thi công xây dựng cầu đường Hồng An (một trong các liên danh thầu thuộc gói thầu xây lắp số 10), PV có dịp đặt chân lên chiếc sà lan cỡ lớn là nơi làm việc của hàng chục nhân công đang neo đậu ở giữa dòng. Theo giới thiệu của anh Quang, sà lan nơi tôi có mặt đang chở theo rất nhiều loại máy móc hiện đại để phục vụ cho công tác thi công đóng cọc bê tông ly tâm dưới nước, cọc khoan nhồi các vị trí mố cầu giao thông.
Kỹ sư Đỗ Ngọc Quang, cán bộ giám sát kỹ thuật Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng giao thông thủy lợi Hà Nội cùng các công nhân trên công trường
Trong giai đoạn 1 của gói thầu xây lắp số 10, Công ty Hồng An có nhiệm vụ đóng cừ ván dự ứng lực bảo vệ bờ, đóng cọc tròn ly tâm bờ tiêu chống tràn. Anh khẳng định, đây được xem là giai đoạn "khó nhằn" khi triển khai thi công các hạng mục của gói thầu xây lắp số 10. "Chất lượng của tuyến đường Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn xử lý nền đường. Toàn bộ quy trình này được chúng tôi thực hiện kỹ lưỡng nhưng vẫn phải đúng tiến độ, đúng thời gian" - anh Quang cho biết thêm.
Gắn bó với công trình từ những ngày đầu, anh Lê Phước Chính, kỹ thuật viên đang làm việc tại Công ty Hồng An bộc bạch, ngay khi biết tin có cơ hội làm việc tại một trong những dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng của thành phố, anh không khỏi bất ngờ. Dù đã kinh qua rất nhiều công trình bắc cầu, mở đường trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhưng với dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, đây vẫn là dịp hết sức đặc biệt để chàng kỹ sư thử sức, trau dồi thêm kinh nghiệm làm nghề. "Dù phải ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm việc xuyên lễ, Tết nhưng mọi người trên công trường đều rất vui. Được đóng góp một phần sức lực vào sự phát triển của thành phố là niềm vui và vinh dự của chúng tôi" - chàng kỹ sư trẻ tâm sự.
Ban Giám đốc Công ty Hồng An kiểm tra công tác thi công
Về đích đúng hẹn
Địa điểm tiếp theo trong cuộc hành trình ghi nhận không khí lao động hăng say mà PV tìm đến trong dịp này thuộc khu vực thi công của gói thầu xây lắp số 1, do Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng giao thông thủy lợi Hà Nội đảm trách (từ rạch Nước Lên đến cầu Đường C, Q.Bình Tân). Trong giai đoạn 1 của gói thầu này, phía đơn vị thi công có nhiệm vụ đóng cừ ván cho tuyến kè và dựng các cống cấp 2. Trao đổi với PV, ông Ngô Quý Mừng, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Chúng tôi đang chạy đua với thời gian, quyết giữ đúng tiến độ đã cam kết với Ban quản lý dự án, về đích đúng hẹn vào cuối tháng 6 năm nay".
Để hiện thực hóa lời cam kết này, ngay từ những ngày đầu triển khai, đơn vị cố gắng đẩy nhanh tiến độ, duy trì chế độ làm việc "3 ca - 4 kíp" đúng như tinh thần Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo. Ghi nhận trong những ngày đầu của kỳ nghỉ Lễ kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, phía đơn vị thi công đã huy động hàng chục cán bộ kỹ sư, công nhân làm việc để bảo đảm kế hoạch đã đề ra.
Kỹ sư Đỗ Ngọc Quang, cán bộ giám sát kỹ thuật cho biết, quá trình thực hiện xử lý phần việc mà đơn vị đảm trách, với vai trò cán bộ kỹ thuật, ông Quang cùng đội ngũ công nhân thi công luôn nỗ lực nâng cao chất lượng công trình trong từng khâu, từng công đoạn. Việc dành toàn bộ tâm huyết, trách nhiệm vào công trình thi công của Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng giao thông thủy lợi Hà Nội đã được Ban quản lý dự án đánh giá cao. Hiện các hạng mục công trình khác mà đơn vị này phụ trách thi công thuộc gói thầu xây lắp số 9 (bờ hữu sông Vàm Thuật) đã hoàn thành khối lượng công việc trên 85%.
Phải làm việc liên tục dưới nắng nóng cao kỷ lục cũng như đối diện với khối lượng công việc khổng lồ, nhưng tinh thần lao động của đội ngũ công nhân và kỹ sư thi công vẫn không giảm. Các công nhân trên công trường chẳng ai bảo ai, cứ thế hì hục làm theo kế hoạch đã được các kỹ sư đặt ra cho từng hạng mục. Từng mũi khoan vừa được kéo ra khỏi lòng sông chẳng mấy chốc đã được lấp lại bằng những cột, trụ bê tông kiên cố. Mồ hôi chảy thành hàng trên gò má của những người đàn ông lực lưỡng. Ở phía dưới, dòng nước đen kịt như ngừng trôi, quấn lấy chiếc sà lan chở đầy thiết bị thi công và cấu kiện bê-tông đúc sẵn đang neo giữa dòng.
Toàn cảnh gói thầu xây lắp số 10 nhìn từ trên cao
Chỉ vài năm nữa thôi, một con đường bằng phẳng với những điểm nhấn đặc biệt sẽ xuất hiện, uốn lượn theo chiều dài con sông Vàm Thuật. Khi ấy, diện mạo của thành phố sẽ có sự thay đổi ngoạn mục. Sự thay đổi đã bắt đầu ngay từ ngày hôm nay...
Vượt thử thách hướng tương lai
Trong dịp thăm, kiểm tra và đôn thúc tiến độ xây dựng tại 2 dự án chống ngập và văn hóa trọng điểm của thành phố ngay đầu năm 2024, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã ấn định thời gian phải hoàn thành công trình này cho Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM phải hoàn thành công trình xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên trước ngày 30/4/2025 nhằm chào mừng Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Ghi nhận tiến độ dự án cũng như nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu trong thời gian qua, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị công tác phối hợp các gói thầu phải nhịp nhàng, không rút ngắn tiến độ rồi làm dối, làm ẩu. Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đi vào sử dụng sẽ kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn. Công trình đã được khởi công vào ngày 23/02/2023. Tính tới thời điểm hiện tại, đã triển khai thi công trên công trường của 10/10 gói thầu.
Tính đến đầu tháng 4/2024, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư của dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương Bến Cát - rạch Nước Lên) cho biết, đã thực hiện được khoảng hơn 33% khối lượng dự án. Công trình trọng điểm của thành phố được triển khai sẽ giúp thành phố chống ngập có hiệu quả, giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông trục Bắc - Nam của thành phố. "Đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong tương lai" - đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM chia sẻ.
Dự án có chiều dài tuyến 31,464 km, xuyên qua lòng đô thị (kết nối 8 quận, huyện của thành phố). Cũng vì lý do ấy mà dự án gặp rất nhiều khó khăn từ khi triển khai đến nay. Đại diện chủ đầu tư cho biết, khó khăn lớn nhất của chúng tôi gặp phải chính là công tác giải tỏa mặt bằng và đền bù. Để giải quyết vấn đề này, ngày 12/3/2024, UBND TPHCM đã ban hành Thông báo số 2516, trong đó có nội dung: "Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hồi mặt bằng của các hộ dân tái lấn chiếm, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công bảo đảm tiến độ đề ra; hoàn thành trong tháng 4 năm 2024".
Bên cạnh đó, nỗi lo nguồn cung ứng vật liệu cát san lấp, cát đổ bê tông và cát xây tô cũng trở thành nỗi trăn trở của chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cho biết, hiện lượng cát tại các mỏ lớn thuộc tỉnh An Giang và Đồng Tháp không được phép khai thác do vướng mắc về mặt pháp lý mỏ, đang có khó khăn trong công tác tìm kiếm nguồn cát phù hợp cho công trường. "Hiện chúng tôi đang chủ động xây dựng thêm các phương án dự phòng cho việc thiếu nguồn cung ứng vật liệu xây dựng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Tất cả vì mục tiêu đưa công trình về đích đúng hẹn" - đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM khẳng định.