Những đột phá kinh tế sau đại dịch ở Cà Mau: Đôn đốc các công trình trọng điểm (bài 3)

Thứ Sáu, 28/10/2022 11:30  | Đăng Khoa

|

(CAO) Ngay những ngày đầu phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, tỉnh Cà Mau xác định, chú trọng giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc những công trình trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ.

Các công trình trọng điểm

Trước thực tế giá nhiên liệu tăng phi mã, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ nhau nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận, nhất là đối với nghề khai thác hải sản. Đồng thời tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là đối với các công trình trọng điểm trên địa bàn như Dự án đường trục chính Đông - Tây, đường vào đầm Thị Tường và cầu Sông Đốc

Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 28/9, tỉnh đã giải ngân 1.897,4 tỷ đồng, bằng 47,1% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 giải ngân 1.691,1 tỷ đồng, bằng 46,4% kế hoạch; kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 chuyển sang năm 2022 giải ngân 206,3 tỷ đồng, bằng 52,7% kế hoạch.

Bí thư Tỉnh Ủy Nguyễn Tiến Hải (bìa phải), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt (thứ 3 từ phải sáng trái) kiểm tra các công trình trọng điểm

Đặc biệt, Cà Mau đã được Chính phủ quan tâm và triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm như đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến tránh Quốc lộ 1A qua TP.Cà Mau. Tỉnh cũng đang triển khai nhiều dự án trọng điểm để thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội như: cầu Gành Hào nối với Bạc Liêu, đường Cái Nước - Cái Đôi Vàm, đường U Minh - Khánh Hội; Bệnh viện Đa khoa 1200 giường…, đang kêu gọi đầu tư một số dự án có quy mô lớn như: Cảng biển quốc tế Hòn Khoai; Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Tường; Dự án dịch vụ, thể dục thể thao tại Khu liên hợp Thể dục thể thao tỉnh; Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ; Đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Năm Căn và các khu công nghiệp…

Công trình cầu bờ Nam Sông Đốc nối với Đầm Thị Tường

Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững. Quyết liệt thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhất là các dự án trọng điểm để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các công trình, dự án; thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Tập trung toàn lực

Hiện tỉnh Cà Mau rà soát, đề xuất tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 18/1/2022, Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 9/2/2022, trong đó đề ra những biện pháp tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, phù hợp với thực tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, đảm bảo đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có công trình, dự án trọng điểm tập trung quyết liệt trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, làm một cách chặt chẽ, cụ thể từng hộ; các chủ đầu tư phải quyết liệt trong thực hiện nhằm hoàn thiện đầy đủ, chặt chẽ, chính xác về mặt hồ sơ, thủ tục từng dự án, chú trọng khâu khảo sát, thiết kế, kiểm tra cụ thể tiến độ, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm, hàng tuần báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để kịp thời có ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Lãnh đạo tỉnh đôn đốc các công trình trọng điểm đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ

Tín hiệu lạc quan về phục hồi và tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2022 là tiền đề để Cà Mau tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai nhanh các công trình trọng điểm trên địa bàn. Tính chung từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã thu hút 7 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 1.063,2 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 433 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 141.094 tỷ đồng (trong đó có 10 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 156,8 triệu USD).

UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, kiểm tra các công trình, dự án đã giao nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trường hợp công trình, dự án không đảm bảo điều kiện, tiến độ thi công theo quy định, thì xem xét, thu hồi công trình, dự án theo đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm.

Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau cho biết thêm, mặc dù tỉnh còn một số nguồn vốn giải ngân đạt thấp so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nhìn chung trong những tháng đầu năm nay, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp từng bước ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng so với cùng kỳ.

Nổi bật như tổng sản lượng thủy sản tăng 1,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,7%; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tăng 7%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 51%, số vốn đăng ký tăng 6,3 lần… Đây là những tín hiệu lạc quan cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế tỉnh.

(Còn tiếp...)

Những đột phá kinh tế sau đại dịch ở Cà Mau: Phát triển kinh tế xanh (bài 2)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang