Những đột phá kinh tế sau đại dịch ở Cà Mau: Cú hích để phát triển (bài 1)

Thứ Ba, 25/10/2022 15:42  | Đăng Khoa

|

(CAO) Sau đại dịch Covid-19, tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung gặp khó khăn về kinh tế. Xuất nhập khẩu bị đình trệ, giá xăng dầu tăng cao… không ít doanh nghiệp phải ngưng hoạt động. Nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, nền kinh tế tỉnh trong những tháng cuối năm 2022 đã khởi sắc.

Tăng trưởng nhiều mặt

Theo UBND tỉnh Cà Mau, lũy kế từ đầu năm đến ngày 5/10, trên địa bàn tỉnh có 517 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 9.536 tỷ đồng, bình quân 18,4 tỷ đồng/doanh nghiệp.

So với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng trên 72%, số vốn đăng ký tăng hơn 2,5 lần. Chỉ tính trong tháng 7, tỉnh có 62 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký 978,4 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng có 418 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 8.190 tỷ đồng, vốn bình quân 19,6 tỷ đồng/doanh nghiệp, giải thể tự nguyện 80 doanh nghiệp và tạm ngưng hoạt động 206 doanh nghiệp.

Khu du lịch Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thu hút du khách

Về thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Cà Mau trong 9 tháng đầu năm là 59.522 tỷ đồng, đạt 85,9% kế hoạch, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1.078 triệu USD, đạt 93,7% kế hoạch, tăng 39,7% so cùng kỳ năm 2021; trong đó, 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao là thủy sản (đạt gần 900 triệu USD), phân bón (đạt gần 179 triệu USD).

Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Cà Mau vào các thị trường chính đều tăng cao so với cùng kỳ, cụ thể: EU tăng 44,5%, Australia tăng 88,5%, Canada tăng 40,2%, Hàn Quốc tăng 14,5%, Nhật Bản tăng 7,65%...

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau đã đón hơn 1,2 triệu lượt khách, tăng 90% so cùng kỳ, vượt 6% kế hoạch; tổng doanh thu đạt 1.754,5 tỷ đồng, tăng 106,9% so với cùng kỳ, vượt 17% kế hoạch.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, sau đại dịch đến nay, ngành du lịch của tỉnh cũng đang khởi sắc với nhiều chương trình hấp dẫn, tạo điểm nhấn đặc trưng của vùng Đất Mũi, như các hoạt động trong chuỗi sự kiện “Cà Mau điểm đến” gồm: Lễ hội Nghinh Ông (Sông Đốc); Lễ hội Tri ân Quốc tổ (Ngọc Hiển và Thới Bình); Họp mặt doanh nghiệp, gắn với hoạt động trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng của tỉnh; sự kiện Hương rừng U Minh với “Hành trình đến du lịch xanh”; Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ...

Trong tháng 10/2022, tỉnh tổ chức Lễ hội cua Cà Mau huyện Năm Căn; Lễ thượng cờ thống nhất non sông; Ngày hội ẩm thực Đất Mũi... Đây là một trong các hoạt động nhằm tạo điểm nhấn, quảng bá và vực dậy tiềm năng du lịch.

Những ngày nghỉ, ngày lễ... lượng khách tham quan Khu du lịch Đất Mũi tăng cao

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030.

Hiện tỉnh đang tiếp tục lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau để kêu gọi đầu tư theo quy định. Cà Mau đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, mở thêm các tour, tuyến và phát triển sản phẩm du lịch mới; đồng thời xây dựng tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các điểm du lịch, nhằm quảng bá hình ảnh Đất Mũi, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khách du lịch.

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đã có những chuyển biến tích cực. Thu ngân sách đạt trên 3.600 tỷ đồng, bằng 83,8% dự toán; kim ngạch xuất khẩu lũy kế đạt trên 1 tỷ USD, bằng 94% kế hoạch và tăng 40% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 77% và vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản Cà Mau tăng trở lại

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các địa phương cần tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất, đặc biệt là triển khai tốt các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do Covid-19; tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận, được hỗ trợ một cách minh bạch, công bằng.

“Tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tập trung cải cách hành chính; tiếp tục nâng cao vai trò đầu mối của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong công tác chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, hội viên; Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh cần phát huy chức năng, nhiệm vụ để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến”, ông Việt nói.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang