(CAO) 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (tôm) của tỉnh Cà Mau đạt 898,9 triệu USD, bằng 84% kế hoạch, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Tỉnh đang triển khai rộng kinh tế xanh.
Tận dụng lợi thế
Cà Mau hiện có hơn 80.000 ha diện tích rừng ngập mặn, lớn nhất cả nước với hơn 27.500 ha nuôi tôm dưới tán rừng, chủ yếu tập trung tại 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều mô hình nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Địa phương có hơn 19.000 ha được các tổ chức chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như: Naturland, VietGAP, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC,… Sản lượng tôm có chứng nhận hơn 10.000 tấn/năm, tạo vùng nguyên liệu cho xuất khẩu thủy sản của tỉnh và vùng ĐBSCL.
Người ở mũi Cà Mau nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tại các nhà máy chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết với các đối tác nước ngoài đến tháng 12/2022 và đang tiếp tục đàm phán, thỏa thuận ký kết cho các giai đoạn tiếp theo. Giá tôm trong thời gian tới ổn định, ít biến động. Khả năng đây là năm thứ 3 liên tiếp Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD, bất chấp biến động thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh, xung đột vũ trang…
Mục tiêu về xuất khẩu, Cà Mau phấn đấu nâng cao kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,3 tỷ USD/năm; phát triển nuôi tôm siêu thâm canh đạt 5.000 ha, xây dựng chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế cho 30.000 ha tôm - rừng; sản xuất lúa - tôm đạt 45.000 ha; diện tích rừng sản xuất nuôi tôm thâm canh đạt 25.000 ha... Đến năm 2030, giá trị GRDP ngành nông nghiệp đạt gấp 1,5 lần so với năm 2025; củng cố, duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về ngành tôm. Sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh cơ bản đạt trình độ hiện đại, bền vững. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tương đương với bình quân của cả nuớc.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, các chương trình, chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh Cà Mau đã phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã khai thác và tận dụng tốt các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh vào các thị trường Mỹ, EU, Canada, Úc, Trung Quốc...
“Cuộc cách mạng xanh”
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau đã tăng 73,9%, đạt gần 700 triệu USD, bằng 54,6% kế hoạch. Nhiều dự án xanh được triển khai. Nổi bật với những chương trình, dự án mang tên “Dự án tôm sinh thái, tôm hữu cơ” ở rừng ngập mặn Mũi Cà Mau; “Dự án tôm - lúa hữu cơ”; "Mô hình nông nghiệp thông minh” ở vùng ngọt TP. Cà Mau, U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, đến các dự án, mô hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng không còn xa lạ với người dân Cà Mau.
Xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là tôm ở Cà Mau tăng
Một lãnh đạo tỉnh Cà Mau phấn khởi, tỉnh cùng các ngành chức năng, doanh nghiệp đã và đang chung sức, đồng hành cùng nông dân làm nên cuộc “cách mạng xanh” cho vùng đất Cà Mau. Đến nay, tỉnh đã thành công bước đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với khoảng 900 ha lúa tôm hữu cơ; khoảng 19.000 ha tôm rừng (tôm sinh thái, hữu cơ); trên 150 ha hoa màu, cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP; 1 ha dược liệu hữu cơ dưới tán rừng, trên 3.000 con gia súc, gia cầm theo các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học… thích ứng an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Người dân huyện Thới Bình trồng lúa trên đất nuôi tôm
Từ hiệu quả bước đầu, nông dân Cà Mau rất phấn khởi và đồng thuận cao, chung tay cùng chính quyền địa phương, doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch. Thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho người dân vùng Đất Mũi theo hướng hiệu quả, chất lượng và bền vững, nhất là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Năm nay, Cà Mau đề ra mục tiêu phát triển sản phẩm mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm; công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao. Nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao. Phát triển, nâng cấp ít nhất 28-30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Củng cố, nâng cao chất lượng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm trưng bày trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, hỗ trợ 77 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm đặc sản, nhất là vào hệ thống siêu thị…
Trong chuyến thăm, làm việc và thực hiện khảo sát các vùng sản xuất hữu cơ tại Cà Mau, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã khuyến nghị, Cà Mau có nhiều đặc sản như lúa, tôm, là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh cần tận dụng điều kiện, lợi thế mà nhiều nơi khác không có được để tăng chất lượng nông sản, phát triển kinh tế xanh…
(Còn tiếp...)
(CAO) Sau đại dịch Covid-19, tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung gặp khó khăn về kinh tế. Xuất nhập khẩu bị đình trệ, giá xăng dầu tăng cao… không ít doanh nghiệp phải ngưng hoạt động. Nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, nền kinh tế tỉnh trong những tháng cuối năm 2022 đã khởi sắc.