Viết tiếp bài “Vụ sai phạm tại trạm khuyến nông huyện Bù Đăng”:

Lộ ra hàng loạt sơ hở trong quá trình nghiệm thu, quyết toán

Thứ Sáu, 28/10/2022 10:28

|

(CATP) Những sai phạm của các đối tượng sẽ không thể thực hiện được nếu các cán bộ cấp xã, huyện, sở, ngành chuyên trách làm đầy đủ và hết trách nhiệm của mình.

Chuyên đề Công an TPHCM số ra ngày 24-10-2022 đã đăng tải bài viết: “Vụ sai phạm tại trạm khuyến nông huyện Bù Đăng - Lập hồ sơ quyết toán khống hơn 300 triệu đồng” phản ánh việc hàng loạt vườn cây, mô hình vườn, chăn nuôi của các hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước bị các đối tượng “phù phép” thành các mô hình trình diễn thực nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật để lấy tiền từ ngân sách Nhà nước. Đáng chú ý là những sai phạm của các đối tượng sẽ không thể thực hiện được nếu các cán bộ cấp xã, huyện, sở, ngành chuyên trách làm đầy đủ và hết trách nhiệm của mình.

KÝ QUYẾT TOÁN DÙ KHÔNG CÓ... KIỂM TRA, NGHIỆM THU!

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình lập thủ tục để thanh quyết toán kinh phí thực hiện các dự án theo hợp đồng với Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN), một số loại chứng từ, tài liệu bắt buộc phải có xác nhận của chính quyền địa phương.

Trong quá trình thực hiện hành vi lập khống hồ sơ, chứng từ, đối tượng Ngô Văn Đoàn - kế toán trạm khuyến nông huyện Bù Đăng - đã đưa cho các cán bộ kỹ thuật của trạm hoặc nhờ cán bộ khuyến nông xã trình chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã xác nhận. Những cán bộ này đã không kiểm tra tính xác thực của hồ sơ, tài liệu nhưng vẫn ký xác nhận, đóng dấu.

Đơn cử như đối với chứng từ 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, UBND các xã như Đăng Hà, Đắk Nhau, Đoàn Kết, Bom Bo, Thọ Sơn, Phú Sơn đã ký xác nhận danh sách các nông dân tham dự tập huấn và biên nhận tài liệu, nước uống...

Trạm khuyến nông huyện Bù Đăng, nay đã đổi thành Trung Tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng

Các chứng từ khảo sát địa điểm triển khai các mô hình như “thâm canh lúa nước”; “Trồng cà phê ghép xen điều”; “Ghép cải tạo cây cà phê già cỗi năng suất thấp” đều cần phải có sự xác nhận UBND cấp xã trong các biên bản khảo sát địa điểm triển khai mô hình, nghiệm thu mô hình thì mới thanh toán được nhưng trên thực tế đều không có sự kiểm tra, nghiệm thu nhưng vẫn ký xác nhận.

Đơn cử như quá trình thực hiện đề tài “Ứng dụng kết quả đề tài xây dựng vườn sản xuất hom giống tiêu sạch bệnh virus” vì sơ hở nên ông V.M.P - Phó chủ tịch UBND xã Đoàn Kết - đã ký xác nhận hàng loạt biên bản, chứng từ như: hợp đồng về thực hiện mô hình; biên bản giao nhận vật tư, biên bản khảo sát, biên bản nghiệm danh sách nông dân tham dự hội thảo...

Dựa vào những xác nhận đó, đối tượng Ngô Văn Đoàn đã tập hợp chứng từ lập khống cùng với hồ sơ chứng từ các nội dung thực tế có để tổng hợp, lập bảng kê chứng từ quyết toán số tiền 148,8 triệu đồng, trình đối tượng Huỳnh Xuân Linh (SN 1973, Trạm trưởng trạm khuyến nông huyện Bù Đăng) - ký xác nhận để đề nghị Sở KHCN quyết toán.

Điều đáng nói là trong quá trình thực hiện các mô hình khoa học trên, ngoài xác nhận của UBND địa phương, Sở KHCN, Sở Tài chính cũng có những cán bộ chuyên trách có trách nhiệm trực tiếp thực hiện theo dõi các bước từ khi thực hiện dự án như: kiểm tra thực tế, giám sát và tham gia nghiệm thu, thẩm định... nhưng chẳng hiểu sao vẫn có chuyện... “con voi chui lọt lỗ kim” (?!)

Sự thiếu kiểm tra, giám sát của các cán bộ có trách nhiệm đã dẫn đến kết cục là ngày 31-12-2014, Sở KHCN phối hợp với Sở Tài chính thẩm định, lập biên bản quyết toán ứng dụng kết quả đề tài nói trên. Trong đó xác định: Chương trình đã thực hiện xong các nội dung theo đúng HĐ đã ký kết. Hội đồng thống nhất quyết toán chương trình là 148,8 triệu đồng. Cùng ngày, Sở KHCN lập biên bản nghiệm thu thanh lý HĐ với trạm khuyến nông huyện Bù Đăng.

NUÔI CHỒN HƯƠNG “ẢO” VẪN QUYẾT TOÁN 40 TRIỆU ĐỒNG

Quá trình thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật “Nuôi chồn hương dưới tán cà phê” chính vì việc thiếu kiểm tra tính xác thực nên cán bộ khuyến nông xã Phước Sơn đã tham mưu cho UBND xã Phước Sơn ký xác nhận hồ sơ mô hình “nuôi chồn hương dưới tán cà phê” của hộ bà Nông Thị Lạc (ngụ xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng) trong khi thực tế hộ thụ hưởng này được lập khống. Dựa vào sơ hở này, Đoàn và các đối tượng đã thực hiện quyết toán khống 40 triệu đồng tiền cấp chồn hương giống cho hộ nông dân này.

Được biết, vụ án trên mặc dù số tiền thiệt hại không lớn nhưng hậu quả vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch chuyển giao khoa học công nghệ và hiệu quả của việc ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ cho nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Nó đã khiến cho các công trình khoa học không chứng minh được hiệu quả khi ứng dụng trên thực tế, làm kéo lùi bước phát triển của chương trình nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đồng thời tạo ra thấ tthoát trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước cho các công trình ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Do đó, dư luận cho rằng hành vi thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, nghiệm thu, giám sát, thẩm định của một số cán bộ thuộc các sở, ngành của tỉnh Bình Phướ cđể điều tra về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án trên cần phải nhanh chóng được làm rõ.

Được biết, liên quan đến vụ án trên, vừa qua Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết đối với 3 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cùng với các vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trường Cao đẳng nghề Bình Phước và Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Lập hồ sơ quyết toán khống hơn 300 triệu đồng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang