Có một “binh chủng” Điện ảnh Y4 anh hùng

Thứ Sáu, 26/04/2024 18:15  | Nguyễn Hiếu

|

(CAO) Sáng 26/4/2024, UBND huyện Củ Chi phối hợp cùng UBND xã An Phú, CLB Truyền thống kháng chiến (TTKC) TPHCM và CLB TTKC Khối Điện Ảnh tổ chức Lễ nâng cấp Nhà tưởng niệm Bia Liệt sĩ Điện ảnh T4 (hay Y4). Đến dự có đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng lãnh đạo chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương, cùng thân nhân gia đình các liệt sĩ Điện ảnh Y4.

NHỮNG TRANG SỬ OAI HÙNG

Ông Cao Hùng- Chủ nhiệm CLB TTKC Khối Điện Ảnh cho biết: Xã An Phú, huyện Củ Chi là địa bàn đóng quân của Điện Ảnh Y.4 từ những năm 1961 đến 1975.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt dưới mưa bom bão đạn và những trận càn quét kinh hoàng của địch nhằm tạo "vùng trắng" quanh khu vực Sài Gòn.

Điện Ảnh Y4 được thành lập dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Y4 (Khu Sài Gòn-Gia Định). Các cán bộ, chiến sĩ Điện ảnh Y4 đã kiên cường bám trụ dưới lòng địa đạo, ban ngày cùng bộ đội địa phương chống càn, ban đêm mang phim, máy nổ, máy chiếu phim phục vụ nhân dân, du kích và bộ đội trên địa bàn rộng lớn từ Củ Chi đến Tây Ninh trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn như: thực phẩm, thuốc men, thiết bị phục vụ chiếu phim và phương tiện di chuyển là sức người ..., thậm chí trong điều kiện thường xuyên bị địch phục kích dội bom, pháo oanh tạc dữ dội...

 Bộ phim tài liệu ‘Ký ức anh hùng’ đã phần nào phản ánh quá trình kháng chiến của Điện ảnh Y4. Trong suốt những năm dài chiến đấu, đã có 14 đồng chí Điện ảnh Y4 hy sinh. Có những đồng chí hơn 20 năm sau giải phóng mới tìm được hài cốt...

Hiện phần lớn mộ phần của các Liệt sĩ Điện ảnh Y4 được quy tập trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi. Để tưởng nhớ các đồng đội hy sinh, các cán bộ và chiến sĩ Điện ảnh Y4 đã quyên góp dựng Bia tưởng niệm vào năm 1991 trong khuôn viên đất 160 m2 tại ấp Phú Trung, xã An Phú.

Bia Liệt sỹ Điện ảnh Y4 tại xã An Phú, huyện Củ Chi

Trải qua 32 năm đến nay, nhà và điểm đặt Bia tưởng niệm Liệt sĩ Điện ảnh Y4 dần xuống cấp nghiêm trọng. Bia thấp hơn mặt đường 40 cm nên khi trời mưa thì toàn bộ khu này bị chìm trong nước, nền sàn bị bong tróc và đóng rêu, mái tôn bị mục nát, 60% các cột và đà ngang bằng sắt bị hoen rỉ và mục vì sét bám lâu ngày có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.

Trước thực trạng địa điểm lịch sử xuống cấp trầm trọng và hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, xã Anh Phú và CLB TTKC Khối Điện ảnh có kế hoạch nâng sân nền cao hơn hiện nay 50 cm, Bia Liệt sĩ cao hơn mặt nền 50 cm và thay mới toàn bộ nhà che nắng mưa bao gồm cột, đà sắt, mái tôn...

Chi phí nâng cấp, sửa chữa khoảng 110 triệu đồng. Số tiền này do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM vận động Ban Chuyên đề CATP (Báo CATP trước đây), Báo Người Lao động và các mạnh thường quân cùng chung tay quyên góp, ủng hộ.

NHỮNG NGHĨA CỬ CAO ĐẸP CÓ SỨC LAN TỎA…

Ông Võ Văn Phụng, đại diện gia đình Liệt sĩ Lương Thị Kim Hồng đã xúc động bày tỏ sự cảm ơn đối với Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng chính quyền địa phương và các báo, mạnh thường quân đã quan tâm, ủng hộ kinh phí để trùng tu, nâng cấp, sửa chữa Nhà tưởng niệm Bia Liệt sĩ Điện ảnh T4 (hay Y4).

Đây là một việc làm đầy ý nghĩa thể hiện tinh thần nhớ ơn, ghi nhận công lao của các anh hùng liệt sĩ Điện ảnh Y4 đã dũng cảm hy sinh trước ngày đất nước được hòa bình, thống nhất.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy và các đại biểu dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm Bia Liệt sỹ Y4.

Bà Huỳnh Thị Trúc Mai- Chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Củ Chi cho biết: "Trong kháng chiến chống Pháp, xã An Phú thuộc khu 5 Hóc Môn nổi danh trong lịch sử. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, An Phú là căn cứ địa, là bàn đạp để lực lượng vũ trang cách mạng tấn công lực lượng của địch ở Củ Chi và Sài Gòn.

Đây là vùng giải phóng nên xã An Phú chịu sự tàn phá ác liệt của chiến tranh. Người dân xã An Phú nổi danh anh hùng trong kháng chiến, chính vì vậy mà xã An Phú có nhiều mẹ Việt Nam anh hùng, với 92 mẹ (hiện 3 mẹ còn sống), có 514 liệt sỹ, 04 anh hùng lực lượng vũ trang, hơn 900 gia đình chính sách.

Xã An Phú có Đền Tưởng niệm Liệt sỹ xã An Phú, được Bộ Tư Lệnh TP và Đảng ủy, BGĐ Công an TP hỗ trợ cải tạo sửa chữa và khánh Thành vào ngày 02/1/2024.

Và hôm nay được sự hỗ trợ từ CLB TTKC Điện ảnh Y4, Nhà tưởng niệm Bia Liệt sỹ Y4 đã được nâng cấp khang trang để thờ cúng, tưởng nhớ những đồng chí đã sống chiến đấu và hy sinh anh dũng trên mảnh đất này.

Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, họp mặt gia đình chính sách, giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho thế hệ thanh niên. Thay mặt xã, tôi xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các mạnh thường quân đã dành nhiều tình cảm, sự hỗ trợ to lớn giúp xã An Phú thực hiện tốt công tác ‘Đền ơn đáp nghĩa’, chăm lo gia đình chính sách và an sinh xã hội trên địa bàn xã".

Ông Phan Nguyễn Như Khuê- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy phát biểu: ‘Việc các cơ quan truyền thông sẵn lòng ủng hộ kinh phí nâng cấp Nhà tưởng niệm Bia Liệt sỹ Y4 đã thể hiện nghĩa tình cao cả đối với các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trước ngày đất nước ta được hòa bình, thống nhất.

Nghĩa cử này có sức lan tỏa cao trong đời sống xã hội. Các anh chị liệt sĩ Điện ảnh Y4 bằng những góc quay, bằng kỹ năng diễn xuất và qua ngôn ngữ điện ảnh đã khắc họa đậm nét một binh chủng anh dũng, gan dạ, can trường chiến đấu bất khuất trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng trước họng súng của kẻ thù.

Các thế hệ sau này sẽ cảm nhận được sự gan dạ, dũng cảm, sự anh hùng dân tộc từ các tấm gương anh hùng Liệt sĩ Điện ảnh Y4. Nhà tưởng niệm Bia Liệt sỹ Y4 là một địa chỉ đỏ sinh hoạt truyền thống yêu nước cần được duy trì và bảo tồn".

Các đại biểu cùng thân nhân gia đình các liệt sĩ Điện ảnh Y4 chụp ảnh lưu niệm tại Nhà Nhà tưởng niệm Bia Liệt sỹ Y4.

Bình luận (0)

Lên đầu trang