Bước tiến lớn trong cải cách hành chính vì người dân, doanh nghiệp:

Bài 4: Vì một thành phố thông minh và Nhân dân hạnh phúc

Thứ Sáu, 26/04/2024 16:08  | Ngọc Anh

|

(CATP) Thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp, ứng dụng nhiều mô hình hiệu quả trong cuộc "cách mạng số". Điều đó đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân cũng như lợi ích cho sự phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của Thành phố.

Thời điểm tháng 01/2023, Thành phố có khoảng 3.000 trường hợp người dân thuộc diện nhân khẩu đặc biệt không có giấy tờ tùy thân và số định danh cá nhân, một số trường hợp còn không có cả tên tuổi và lai lịch... nên gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường nhật như: xin việc làm, xin học cho con... kéo dài từ đời này sang đời khác. Cũng vì không có giấy tờ tùy thân, không có số định danh cá nhân nên họ không được hưởng các chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước như bảo hiểm y tế, chính sách hộ nghèo...

Với quyết tâm chính trị cao cùng sự thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả cùng cực của những người dân yếu thế, Công an TPHCM đã tham mưu Ban chỉ đạo Đề án 06 Thành phố ban hành Kế hoạch 1878/KH-BCĐ về phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp căn cước công dân (CCCD) đối với trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn Thành phố. Ngày 20/4/2023, kế hoạch này nhanh chóng được triển khai toàn diện trên địa bàn TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện.

Trao giấy khai sinh và số định danh cá nhân cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt ở quận 1

Quá trình triển khai thực hiện ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong quy trình xử lý đối với việc xác minh, xác định thông tin về hộ tịch để cấp giấy khai sinh và xác định quốc tịch Việt Nam. Nguyên nhân là do số nhân khẩu đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ hầu hết là người lớn tuổi, trình độ thấp; có trường hợp bệnh nặng, bại liệt, trí nhớ kém, thậm chí mất nhận thức về hành vi; trải qua nhiều nơi cư trú... nên việc khai thác xác minh thông tin dân cư, thông tin hộ tịch để cấp lại, cấp mới giấy khai sinh làm căn cứ thu thập thông tin dân cư, cấp số định danh cá nhân gặp không ít khó khăn.

Để kịp thời giải quyết "điểm nghẽn" trong quá trình thực hiện cũng như bảo đảm 100% công dân có thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các nhân khẩu đặc biệt, Tổ công tác thực hiện Kế hoạch 1878/KH-BCĐ Thành phố thường xuyên, trực tiếp tiếp cận, nắm tình hình thực tế tiến độ công tác thu thập, xác minh thông tin về dân cư, cư trú và hộ tịch tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ để tham mưu Ban chỉ đạo Đề án Thành phố đưa ra nhiều giải pháp nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Thông qua đó, Tổ công tác thực hiện Kế hoạch 1878/KH-BCĐ Thành phố đã tập hợp một số cách làm hay, giải pháp thực hiện hiệu quả để nhân rộng; đặc biệt là tổ chức tọa đàm cấp thành phố tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp phối hợp thực hiện hiệu quả trong công tác xác minh, sàng lọc nhân khẩu đặc biệt diện không có giấy tờ tùy thân theo từng trường hợp cụ thể, như: diện nhân khẩu có thông tin hộ tịch, từng có nơi thường trú... Từ đó đưa ra lộ trình xác minh, giải quyết cụ thể, tránh việc xác minh chồng chéo, không thống nhất dẫn đến hiệu quả không cao.

Thu thập hồ sơ cấp căn cước công dân tại trung tâm bảo trợ xã hội cho các hoàn cảnh đặc biệt

Trải qua nhiều nỗ lực, đến nay Công an TPHCM, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã hoàn thiện cơ bản về cơ chế phối hợp trong việc xử lý đối với từng diện nhân khẩu cụ thể: Nhân khẩu đặc biệt ở các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội trong quá trình xác minh cấp giấy khai sinh và số định danh cá nhân vẫn được cấp số bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để bảo đảm về chế độ chính sách cũng như nhu cầu khám chữa bệnh; Nhân khẩu đặc biệt sau khi được cấp số định danh cá nhân chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú để cấp CCCD vẫn bảo đảm các quyền và lợi ích khác liên quan đến việc xác nhận thông tin về cư trú. Đặc biệt, sau ngày 01/7/2024, khi Luật Căn cước có hiệu lực thi hành, các trường hợp trên vẫn được cấp thẻ căn cước theo quy định.

Kết quả thực hiện kế hoạch đến nay, Công an TPHCM đã tiếp xúc, làm việc với 2.934 trường hợp, trong đó có 1.850 trường hợp đã được cấp thông báo số định danh cá nhân, cấp CCCD cho 1.201/1.850 trường hợp đủ điều kiện, hiện còn 649/1.850 trường hợp chưa đủ điều kiện cấp CCCD, 1.084 trường hợp chưa có số định danh cá nhân và chưa được cấp CCCD. Ngoài ra, Công an TPHCM cũng tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng phối hợp thu nhận thông tin công dân, cấp CCCD cho khoảng 1.500 học viên tại các trung tâm cai nghiện do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM quản lý.

Song song với công tác chăm lo cho các trường hợp nhân khẩu đặc biệt, Công an TPHCM luôn bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và bảo đảm tiến độ thu nhận hồ sơ cấp CCCD cũng như đẩy nhanh tiến độ cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân, nhằm đáp ứng việc số hóa theo đúng tinh thần Đề án 06. Tính đến ngày 23/4/2024, TPHCM đã tổ chức thu nhận 7.869.173 hồ sơ cấp CCCD gắn chíp (thu nhận thêm 501.415 hồ sơ so với ngày 01/6/2023, được Bộ Công an công nhận là đơn vị đạt 100% chỉ tiêu cấp CCCD).

Đối với công tác cấp tài khoản định danh điện tử, tính đến ngày 23/4/2024 Thành phố đã tổ chức thu nhận 5.798.417 hồ sơ tài khoản định danh điện tử trên tổng 4.697.228 chỉ tiêu Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CSQLHC về TTXH) - Bộ Công an giao, đạt 123% (vượt chỉ tiêu); đã kích hoạt thành công 4.588.105 hồ sơ tài khoản định danh điện tử trên tổng 4.697.228 chỉ tiêu Cục CSQLHC về TTXH giao, đạt 97,67%.

Trong năm 2024, Ban chỉ đạo Đề án 06 Thành phố tiếp tục duy trì thực hiện thường xuyên Kế hoạch 1878/KH-BCĐ với mục tiêu "Không ai bị bỏ lại phía sau", "Không để trường hợp người dân nào không có thông tin trên hệ thống dữ liệu dân cư”, với phương châm "dễ làm trước, khó làm sau" và "vướng đến đâu, gỡ đến đó”, giải quyết số nhân khẩu đặc biệt tồn đọng để mang lại hạnh phúc cho những người yếu thế.

Bài 3: Xã vùng ven phát huy sức mạnh nội lực để chuyển đổi số, phục vụ nhân dân tốt hơn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang