Sáng 25/4, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2024 với chủ đề “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”. Đến dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Hồ Hải- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cùng khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TPHCM.
Quang cảnh hội thảo
TPHCM quan tâm, đầu tư nhiều cho hoạt động văn hóa, văn nghệ
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn, ông Nguyễn Thế Kỷ-Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cho biết Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” là dịp để cùng nhìn nhận, đánh giá về sự lãnh đạo, định hướng, khích lệ của Đảng, Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật, nhất là mảng đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; xác định rõ hơn vị trí, vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật đối với việc nắm bắt, phản ánh, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc được hun đúc, ngời sáng trong các cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, quân đội, các lực lượng vũ trang.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Hồ Hải-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, cho biết trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân đã anh dũng chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc, làm nên những chiến công vĩ đại, trong đó chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (1954) và Chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là những trang sử vàng chói lọi nhất của cách mạng Việt Nam.
Để giành được thắng lợi to lớn đó, có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, trong đó có các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ; bằng trí tuệ, tâm huyết, đã khắc họa nhiều tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng tiêu biểu. Nhiều tác phẩm khác đã phản ảnh chân thực tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ, động viên tinh thần anh dũng chiến đấu, không quản ngại khó khăn, sẵn sàng hy sinh xương máu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Thế Kỷ-Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, phát biểu
Phát huy tinh thần đó, sau ngày đất nước hòa bình, ông Nguyễn Hồ Hải cho biết TPHCM đã tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, các thiết chế văn hóa; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, các chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa, nghệ thuật dài hạn được tập trung; công tác đào tạo, chăm lo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ và hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực…
Cùng với xây dựng và phát triển văn hóa, TP tập trung xây dựng, từng bước hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh với nhiều cách làm đa dạng, phong phú. Hiện toàn TP có 2.908 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh; nhiều địa phương có mô hình, cách làm hay, không chỉ trong các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, nhiều tổ chức tôn giáo, cộng đồng các dân tộc đã tích cực hưởng ứng, dịch các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Khmer để khách du lịch trong và ngoài nước có thể tìm hiểu, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025), Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị đặc biệt là Nghị quyết số 98 của Quốc hội trong việc xây dựng và phát triển thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Ông Nguyễn Hồ Hải-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM phát biểu
Ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh: “Những bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trình bày tại hội thảo sẽ là những kinh nghiệm để đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cả nước nói chung, TPHCM nói riêng và các đại biểu tham gia hội thảo sẽ có những đúc kết sâu sắc về vai trò của văn học, nghệ thuật và công tác lý luận, phê bình; công tác quảng bá văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo”. Đồng thời mong muốn sau hội thảo, sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, xứng tầm tiếp tục được sáng tác, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước;… 50 năm TP Sài Gòn – Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Văn nghệ sĩ lực lượng vũ trang nhân dân phải "lĩnh ấn tiên phong"
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong rằng các văn nghệ sĩ hôm nay, nhất là thế hệ sinh ra trong hòa bình, không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh, tài năng, hòa mình trọn vẹn vào thực tiễn đời sống của lực lượng vũ trang và của nhân dân; nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức biểu hiện; sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt, các văn nghệ sĩ lực lượng vũ trang nhân dân phải "lĩnh ấn tiên phong", là hạt nhân tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn của nền văn học Việt Nam trên con đường đổi mới và phát triển.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu
Các văn nghệ sĩ phải cống hiến để vun đắp các giá trị cao đẹp, nêu cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái, gây phương hại cho sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học, nghệ thuật.
Để phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng văn hóa, nghệ thuật là một hình thái tư tưởng, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa xã hội. Văn học, nghệ thuật là bộ phận tinh tế và nhạy cảm của văn hóa, có khả năng tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của con người. Vì vậy, cần quán triệt sâu sắc và có những chủ trương chính sách phát triển văn học, nghệ thuật trong các lực lượng vũ trang, phát huy cao độ sức mạnh của văn hóa, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, hoạt động văn hóa, nghệ thuật là của con người, vì con người, phát triển những phẩm chất và năng lực tốt đẹp của con người. Trong môi trường lực lượng vũ trang việc xây dựng con người càng quan trọng. Do đó, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng người chiến sĩ có phẩm chất và năng lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. “Hình tượng người chiến sĩ trong thời đại mới cần được tiếp tục xây dựng một cách chân thực và sinh động, trở thành một trong những nhân vật trung tâm của nền văn học, nghệ thuật hiện nay”- ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu trong thời gian tới, cần có nhiều hơn những tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, những tác phẩm chân thực, sinh động về con người tích cực trong gian đoạn hiện nay, qua đó góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc, xây dựng tình cảm quân dân thân thiết vững bền, làm cội nguồn sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích, đầu tư đúng mức cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
“Quan điểm nhất quán của Đảng là coi văn hóa nghệ thuật là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hội thảo khoa học do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp Thành ủy TPHCM tổ chức hôm nay là công việc có nghĩa thiết thực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, phát huy sức mạnh của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”- ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Theo Ban Tổ chức, Hội thảo đã nhận được 126 bài tham luận. Hội thảo hướng tới mục tiêu đánh giá thực trạng của văn học, nghệ thuật trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và quân đội ta trong 80 năm qua, nhất là mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Phân tích, đánh giá thực trạng, vai trò của văn học, nghệ thuật cách mạng trong việc phản ánh hiện thực đời sống thời chiến tranh và thời hậu chiến. Bên cạnh đó, đánh giá vai trò của các nhà văn, nghệ sĩ trong việc khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng Công an nhân dân và các lực lượng vũ trang qua các thời kỳ cách mạng. Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa - xã hội đến sự hình thành và phát triển của đội ngũ sáng tạo và tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng… Qua đó, đề xuất các hướng đi, cách làm trong nghiên cứu, giảng dạy, phê bình và tiếp nhận giá trị các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề này.