(CAO) Ngày 26/4/2020, tại Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Rạch Chiếc, phường Phước Long A, TP.Thủ Đức; UBND TP.Thủ Đức, Ban liên lạc Hội cựu chiến binh Lữ đoàn Đặc công Biệt động - Bộ Tham mưu miền đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 49 ngăm ngày mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh và kết thúc thắng lợi vào trưa 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến tham dự buổi lễ có Trung tướng Võ Viết Thanh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM; Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công Biệt động - Bộ tham mưu miền - Trưởng ban liên lạc; ông Nguyễn Hữu Hiệp - Bí thư Thành ủy TP.Thủ Đức; đại diện Công ty TNHH Vĩnh Lộc - nhà đầu tư thứ cấp dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc - đơn vị tài trợ buổi lễ và đông đảo các cựu chiến binh, các đoàn viên thanh niên…
Các đại biểu dâng hương tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu cho biết, Lữ đoàn 316 với biên chế 13 cụm Biệt động lấy phiên hiệu từ Z20 đến Z32, 4 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn cơ động và 3 tiểu đoàn D80, D81 và D83, với tổng quân số 2.000 người.
Trong chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân 1975, nhiệm vụ của Lữ đoàn 316 được giao đánh chiếm 17 mục tiêu tại nội thành Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu. Trong đó, tại Sài Gòn có 5 mục tiêu chính là: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu, Tổng nha cảnh sát, Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô và Dinh tổng thống ngụy và 12 mục tiêu thứ yếu là Căn cứ hải quân, Cảng Bạch Đằng, Trại Phù Đổng, đài Rada Phú Lâm…
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công Biệt động- Bộ tham mưu miền, phát biểu tại lễ dâng hương
Riêng các đơn vị Z22, Z23 và D81 được giao nhiệm vụ đánh và giữ cầu Rạch Chiếc từ ngày 27/4/1975 để mở đường cho đại quân ta tiến thẳng vào Sài Gòn.
Trong quá trình chiến đấu, chỉ sau 15 phút, các chiến sĩ Lữ đoàn 316 đã chiếm được cầu Rạch Chiếc nhưng sau đó địch đã điều quân và các lực lượng tái chiếm quyết liệt khiến gần 200 chiến sĩ hy sinh, chỉ riêng tại cầu Rạch Chiếc đã có 52 chiến sĩ hy sinh. Đại tá Nguyễn Văn Tàu cũng thông tin cho biết, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn 316 đã hy sinh gần 200 chiến sĩ.
Sau buổi lễ dâng hương, các cựu chiến binh đã tham dự lễ thả đèn hoa đăng để tưởng nhớ các liệt sĩ tại khu vực cầu Rạch Chiếc.
(CATP) Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 52 chiến sĩ đặc công tiểu đoàn Z.22, Z.23 và D81 thuộc Lữ đoàn 316 đặc công biệt động đã anh dũng hy sinh trong
trận đánh cầu Rạch Chiếc - cửa ngõ huyết mạch phía Đông - đón đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975. Gần 48 năm trôi qua, cầu Rạch Chiếc đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn đó những chiến sĩ đặc công mãi nằm lại ở "tuổi mười chín đôi mươi" để Tổ Quốc có được niềm vui Thống Nhất.