Thế giới đã thay đổi, lịch sử đã sang trang
Chiến thắng Điện Biên Phủ khép lại sau năm 1954 bằng Hiệp định Genève. Với hiệp định này, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được khẳng định trong một điều ước quốc tế, được các nước tham gia Hội nghị Genève công nhận và tôn trọng. Đây là thành quả đấu tranh quật cường của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Hiệp định Genève đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ kéo dài gần 100 năm ở nước ta, mở ra một chương mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Điều đáng tiếc là nhiều điều khoản khác của Hiệp định Genève không được thực thi khi nước Mỹ không học được bài học của Pháp ở Điện Biên Phủ, nhảy vào miền Nam Việt Nam, để rồi thực hiện một cuộc "chiến tranh Việt Nam" - nói theo cách của Mỹ, buộc dân tộc ta phải thực hiện một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước kéo dài 21 năm. Đó cũng là thời gian để người Mỹ nhận ra rằng, không khác gì Pháp, Mỹ phải trả giá cho một chiến lược sai lầm, cuối cùng nhận ra thì đã quá muộn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng thống Francois Mitterrand
21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước với Đại thắng mùa xuân 1975, đất nước ta được thống nhất. Đó là khát vọng không có gì thay đổi được, dù sau đó vẫn còn hai cuộc chiến bảo vệ biên giới nữa và như là một chân lý, dân tộc Việt Nam đã chiến thắng, để có một Việt Nam phát triển như ngày hôm nay, là bạn bè, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và sau khi chế độ thực dân cũ của Pháp kết thúc trên toàn thế giới, tướng De Gaulle bắt đầu nhận thức được rằng "các dân tộc có quyền tự quyết". Trong bài phát biểu tại Phnom Penh năm 1966, De Gaulle lên án bộ máy chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi Mỹ thương lượng để kết thúc chiến tranh tại Việt Nam.
Những bước đi khắc nghiệt của lịch sử khiến cho nước Pháp, Mỹ phải trả giá quá đắt và dân tộc ta cũng đánh đổi bằng xương máu trong các cuộc chiến tranh chính nghĩa kéo dài nhiều thập kỷ.
Thế giới đã thay đổi, lịch sử đã sang trang. Những bài học bằng máu đã quá đau thương, để các dân tộc tôn trọng nhau, hiểu biết nhau và cùng hợp tác để khép lại quá khứ, hướng đến tương lai.
Tổng thống pháp Francois Mitterrand thăm Điện Biên Phủ...
Tháng 02/1993, kỷ niệm 20 năm Việt Nam và Pháp chính thức lập quan hệ ngoại giao, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 09 - 11/02/1993. Francois Mitterrand là Tổng thống đầu tiên của nước Pháp, cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nước phương Tây sang thăm chính thức Việt Nam kể từ năm 1975. Trong chuyến thăm này, ông đã kêu gọi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, góp phần để đến năm 1994 Mỹ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với nước ta.
Tổng thống Francois Mitterrand thăm hầm De Castries tại Điện Biên Phủ chiều 10/02/1993
Trong phái đoàn hơn 200 người tháp tùng ông Mitterrand đến Việt Nam có 6 bộ trưởng và nhiều doanh nhân nổi tiếng như chủ tịch hãng hàng không Air France Bernard Attali...; các nhà trí thức tiêu biểu như GS-TS Trần Văn Khê, GS dân tộc học Georges Condominas, nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận... Tổng thống Mitterrand được chào đón nồng nhiệt tại thủ đô Hà Nội với những biểu ngữ chào mừng bằng tiếng Việt và tiếng Pháp.
Trên tinh thần hòa giải, Tổng thống Mitterrand đã thăm chiến trường Điện Biên Phủ, nơi tạo ra bước ngoặt dẫn đến ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1954. Phát biểu tại Hà Nội sau chuyến thăm Điện Biên Phủ, khi nói về nguyên nhân cuộc chiến Pháp - Việt, Tổng thống Mitterrand phát biểu: "Tôi nhớ cuộc đi thăm nước Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 để tìm người đối thoại, nhưng không tìm được người đối thoại ở Fontainebleau. Lúc ấy chúng ta đã buộc Việt Nam phải chiến đấu. Về phía Pháp, đó là sự sai lầm lớn"... Nhân dân Việt Nam đã từng chịu đựng và vượt qua biết bao đau thương trong các cuộc chiến tranh giữ nước, coi lời phát biểu của Tổng thống Francois Mitterrand là một cách đánh giá khách quan, sòng phẳng đối với lịch sử.
"Chủ nghĩa thực dân Pháp phải hiểu sự cần thiết của việc bước sang trang mới. Kể từ thời điểm chiến tranh kết thúc, tôi nghĩ tất cả đều đáng suy ngẫm lại. Tôi cảm thấy hài lòng khi Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên đến đây để thể hiện mong muốn hòa giải", ông Mitterrand nói.
Tổng thống Pháp còn tuyên bố sẽ giúp Việt Nam khôi phục quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế và tăng gấp đôi viện trợ, đồng thời đánh giá lệnh cấm vận của Mỹ đã lỗi thời và cần được gỡ bỏ.
Chuyến thăm ba ngày của ông Mitterrand được cho là nhằm thể hiện sự ủng hộ của Pháp đối với công cuộc cải cách mở cửa của Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam tăng cường hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đồng thời phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của phương Tây với triển vọng và tiềm năng kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ vào ngày 12/4/1973. Sau năm 1975, quan hệ Việt - Pháp được tăng cường trên nhiều mặt, với dấu mốc quan trọng là chuyến thăm Pháp của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi tháng 4/1977.
Với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mitterrand, một trong các điểm nhấn của chuyến thăm này là việc ông Mitterrand thăm Điện Biên Phủ. Từ sân bay Nội Bài, đoàn lên chiếc chuyên cơ quân sự đặc biệt thăm Điện Biên Phủ. Tháp tùng đoàn, về phía Việt Nam có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Việt Dũng và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Trịnh Ngọc Thái. Chiều 10/02/1993, sau 39 năm, lần đầu tiên sân bay Mường Thanh mới có 1 chiếc máy bay mang cờ của nước Pháp hạ cánh, chở theo vị tổng thống của một đất nước đã từng quyết tâm xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để níu kéo quyền lợi thực dân ở Đông Dương.
Giới báo chí trong nước và quốc tế quan sát từng hoạt động của Tổng thống Mitterrand. Ông lặng lẽ bước ra cầu thang máy bay, dừng lại và phóng tầm mắt nhìn khắp lòng chảo Điện Biên Phủ rồi cùng tùy tùng lên ôtô tới thăm di tích hầm chỉ huy của tướng De Castries. Tổng thống Pháp quan sát kĩ căn hầm được bọc bởi những tấm thép dày kiên cố uốn hình cánh cung và lớp bê tông cốt thép. Ông lặng lẽ ngắm hồi lâu những vật dụng chiến tranh đã ám màu thời gian, sờ tay lên chiếc bàn làm việc của tướng De Castries. Tổng thống và các quan khách tháp tùng đều bồi hồi không nói nên lời, chỉ lặng lẽ ngắm nhìn những hiện vật đã trở thành lịch sử...
Đại sứ Trịnh Ngọc Thái kể: "Cảm tưởng như quá khứ và hiện tại đan xen, quyện chặt trong thời khắc ấy. Tôi nhớ mãi ánh mắt của Tổng thống Francois Mitterrand đầy ưu tư, có lẽ ông đang nghĩ về một trang sử bi thương và hôm nay ông đã dũng cảm đến nơi đây để khép lại nó, đồng thời mở ra chương mới trong quan hệ hai nước Việt - Pháp".
Quan hệ Việt - Pháp đang mạnh mẽ hướng tới tương lai chung
Từ ngày 02 đến 4/11/2018, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp - Việt, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thăm Việt Nam và thăm Điện Biên Phủ. Ông trở thành lãnh đạo cấp cao thứ hai của Pháp thăm Điện Biên Phủ sau cố Tổng thống Mitterrand. Sau khi xuống sân bay Điện Biên Phủ, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cùng phái đoàn thăm và đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1; thăm Khu di tích Đồi A1. Sau đó, trả lời phỏng vấn các nhà báo, Thủ tướng Pháp nói: "Trận chiến cuối cùng ở Điện Biên Phủ là một trong những trận chiến khó khăn nhất và mang tính biểu tượng nhất của cuộc chiến. Nó đã đánh dấu việc Việt Nam giành được nền độc lập hoàn toàn. Pháp đặc biệt chú trọng đến việc chia sẻ hồi ức. Đối với Việt Nam, cuộc xung đột ở Đông Dương từ 1946 - 1954 đã khiến gần 80.000 binh sĩ Pháp thiệt mạng. Cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất, tôi cũng muốn nói rằng vì đã hòa giải được với quá khứ của mình, hai nước chúng ta đang mạnh mẽ hướng tới một tương lai chung. Quan hệ Pháp - Việt mang dấu ấn sâu đậm của lịch sử hai nước chúng ta".
Trong những năm qua, quan hệ Việt - Pháp đã được nâng cấp trở thành đối tác chiến lược, tiến triển trên nhiều lĩnh vực. Chiều 04/4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhân dịp ông nhận nhiệm vụ mới tại Việt Nam. Đại sứ Pháp cho biết, Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu cùng Quốc Vụ khanh phụ trách Cựu chiến binh và ký ức chiến tranh sẽ thăm Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5 tới, trên tinh thần "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" và cùng hợp tác vì sự phát triển của quốc gia và nhân dân hai nước.
(CATP) Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam mà còn là một chiến thắng có tính biểu tượng đối với toàn thế giới, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, mở ra một cánh cửa thời đại mới không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn cho nhiều nước thuộc địa khác đứng lên giành độc lập