Hành trình xây dựng mới thành phố thật ra không diễn tiến suôn sẻ. Trong thời kỳ đầu sau khi kết thúc chiến tranh, cả nước hân hoan với cuộc sống hòa bình; tuy nhiên, vì nhiều lý do, những người hoạch định chính sách lúng túng, loay hoay, thậm chí phạm sai lầm trong việc lựa chọn mô hình kiến tạo quốc gia hậu chiến. Hậu quả là cả đất nước nói chung và thành phố nói riêng đã trải qua một thời kỳ rất khó khăn. Sản xuất, giao thương đình đốn, người dân sống trong nghèo khó, thiếu thốn triền miên và suy giảm nghiêm trọng lòng tin đối với chính quyền. Có thời điểm, sự tồn vong của cả chế độ đứng trước thách thức to lớn.
Trong bối cảnh hệ thống quản trị quốc gia nói chung và hệ thống quản trị thành phố nói riêng đứng trước lằn ranh sinh tử, lãnh đạo thành phố đã mạnh dạn tiến hành những biện pháp cải cách được cho là táo bạo so với mặt bằng nhận thức chính trị, xã hội để vực dậy nền kinh tế. Chính nhờ những biện pháp đó mà tình hình được cải thiện: Thành phố hồi phục sức sống, diện mạo dần đổi mới; lòng tin của người dân đối với chính quyền được vun đắp trở lại. Sự thành công trong cải cách thể chế đã giúp thành phố trở thành hình mẫu để nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Nhìn lại quá trình đổi mới diễn ra trong gần bốn thập kỷ qua, người dân thành phố có quyền tự hào nói rằng, thành phố đã đi đầu trong công cuộc đổi mới và đã góp phần truyền cảm hứng để kích thích tiến trình đổi mới của cả nước, dẫn đến những thành tựu kinh tế, xã hội, văn hóa đáng tự hào.
Sự mạnh dạn đi trước và đột phá của thành phố không phải là việc làm mang tính ứng phó ngẫu nhiên của con người trước sự bức bách của thời thế. Nhìn xa hơn về quá khứ, có thể nhận thấy rằng suy cho cùng việc thành phố cầm lấy ngọn cờ đầu, lĩnh ấn tiên phong bước đi trên con đường đổi mới là hoàn toàn phù hợp với truyền thống của địa phương, với tính cách đặc trưng của con người bản địa.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đồng chí trong Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an TPHCM
Hơn ba trăm năm trước, những người Việt đầu tiên đã đến vùng đất này để khẩn hoang và lập nghiệp. Công cuộc khai phá, chinh phục vùng đất mới đầy hiểm nguy đã trui rèn con người, theo thời gian đã hình thành và hoàn thiện những phẩm chất đặc trưng: cởi mở, hào sảng trong giao tiếp; rộng lượng, bao dung trong quan hệ cộng đồng; nhạy bén trong nhận diện vấn đề, thách thức của cuộc sống; biết cân nhắc nhưng đồng thời rất táo bạo, dứt khoát trong việc lựa chọn giải pháp cho vấn đề, cách xử lý thách thức và nhất là luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm việc mình làm. Hình thành từ những nhân tố mang các phẩm chất ấy, cộng đồng dân cư bản địa được nhìn nhận là một lực lượng xã hội năng động, dấn thân và có khả năng kiến tạo, cầm trịch xu thế xã hội đi lên.
Chính trong hệ sinh thái đặc biệt ấy mà cách nay hơn một trăm năm, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, vốn mang nặng nỗi đau mất nước và với nhiệt huyết cháy bỏng đối với công cuộc giải phóng dân tộc, đã có điều kiện nuôi dưỡng ý tưởng tìm kiếm con đường cứu nước trong bối cảnh các mô hình, phương thức đấu tranh được các nhà yêu nước cùng thời triển khai đều thất bại. Quyết định xuống tàu viễn dương để ra nước ngoài tìm hiểu kinh nghiệm đấu tranh của các dân tộc, các tầng lớp bị áp bức được cho là quyết định đầy mạo hiểm, táo bạo, dũng cảm. Từ chuyến đi lịch sử đó, một con đường mới giải phóng đất nước khỏi ách thực dân đã được vạch ra. Cũng người thanh niên đó đã công phu gầy dựng đội ngũ làm hạt nhân đầu tiên của tổ chức chính trị mang tên Đảng Cộng sản Đông Dương.
Với đường lối đúng đắn, Đảng đã nhanh chóng thu phục được quần chúng nhân dân và trở thành lực lượng tiên phong lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc. Dưới ngọn cờ của Đảng, dân tộc đã đoàn kết tạo thành lực lượng đấu tranh mạnh mẽ làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại kết liễu chế độ thực dân và mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do. Ngọn cờ vinh quang ấy tiếp tục dẫn dắt dân tộc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc và tay sai, xóa bỏ tình trạng đất nước chia cắt, đi đến kết thúc bằng thắng lợi vẻ vang mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn phát triển mới, thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước đương đầu với nhiều thách thức mới. Trào lưu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đòi hỏi sắp xếp lại bộ máy, rà soát đội ngũ để thích ứng với các yêu cầu của tình hình. Những cuộc xung đột giữa một số nước và hoạt động khủng bố quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp khiến giao thương kinh tế quốc tế gặp nhiều trở ngại. Áp lực cuộc sống tác động đến tâm sinh lý con người dẫn đến nhiều trường hợp ứng xử lệch chuẩn gây mất trật tự, an toàn xã hội. Để giải bài toán phát triển trong bối cảnh đó, thành phố cần năng động, sáng tạo, dũng cảm và táo bạo hơn nữa trong suy nghĩ tìm kiếm các phương án khả thi.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh được xem là cơ hội vàng để thành phố phát huy các phẩm chất tốt đẹp của con người nhằm vượt qua khó khăn, thách thức và đi lên. Với nghị quyết này, thành phố được phép mở cánh cửa bước vào không gian suy nghĩ thông thoáng và được trao quyền hạn rộng rãi để quyết định lựa chọn cách đi, cách làm trên con đường kiến tạo sự phồn vinh, thịnh vượng.
Tuyến Metro số 1 sắp đưa vào khai thác
Trong chừng mực nào đó, có thể ví Nghị quyết 98 như con tàu viễn dương đưa thành phố đi đến tương lai xán lạn, giống như con tàu năm xưa đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đi tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc. "Con tàu" Nghị quyết 98 hiện đại, được trang bị động cơ mạnh, công suất lớn, cho phép đẩy nhanh tốc độ phát triển thành phố. Tuy nhiên, có được trang thiết bị tốt mới là điều kiện cần; điều kiện đủ là có người sử dụng thiết bị nhuần nhuyễn, thuần thục, đặc biệt là phải biết làm chủ cơ chế vận hành, điều khiển con tàu di chuyển suôn sẻ trong hệ thống giao thông quốc gia.
Rõ hơn, trong điều kiện cả nước chịu sự chi phối của một hệ thống pháp luật chung, việc triển khai Nghị quyết 98 được coi như cách tạo hành lang pháp lý riêng cho sự vận hành bộ máy quản trị địa phương của thành phố nhằm đạt các mục tiêu đề ra. Để hành lang này được thông thoáng, cần rà soát một cách sâu rộng các quy định pháp luật hiện hành để có giải pháp điều chỉnh cần thiết, nhằm bảo đảm sự tương thích giữa luật chung và tinh thần của Nghị quyết 98.
Việc trao quyền cho thành phố tự cân nhắc ra quyết định về những vấn đề phát sinh trong quản lý cũng đồng nghĩa với việc bãi bỏ thẩm quyền xét duyệt của chính quyền Trung ương, cụ thể là của các bộ, ngành. Chính thành phố, với tư cách là chủ thể thực hiện quyền tự chủ, phải chủ động đánh động cấp có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai lộ trình trao quyền cho địa phương.
Nói cách khác, chính thành phố phải xác định được những điểm nghẽn trong lộ trình tự chủ, nghĩa là những vấn đề đặt ra trong khuôn khổ hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đa dạng của đời sống kinh tế - xã hội, mà việc giải quyết những vấn đề đó lệ thuộc vào vai trò chỉ đạo của các bộ, ngành. Trên cơ sở nhận diện vướng mắc về cơ chế, luật pháp, thành phố đề xuất các bộ, ngành có động thái cần thiết theo thẩm quyền để xử lý theo hướng trao quyền quyết định cho thành phố kèm trách nhiệm giải trình. Với Trưởng ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 là người đứng đầu Chính phủ, thành phố có điều kiện thuận lợi trong việc đề đạt nguyện vọng liên quan đến việc xây dựng hành lang thông thoáng cho việc thực hiện cơ chế tự chủ cho người có thẩm quyền quyết định. Các khó khăn có thể được khắc phục một cách dứt khoát trong thời gian ngắn.
Thực hiện thắng lợi thí điểm một số cơ chế, chính sách tự chủ của thành phố chắc chắn sẽ tạo nguồn động viên to lớn không chỉ đối với chính quyền và người dân thành phố. Thắng lợi đó chắc chắn sẽ khơi nguồn cảm hứng thúc đẩy các địa phương khác dấn thân nhận lãnh ngọn cờ tự chủ để đưa địa phương tiến lên trong công cuộc chinh phục các đỉnh cao phát triển kinh tế - xã hội. Cả nước được hưởng lợi từ đó.
Viện sĩ, PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN