Nghị quyết 98 - Động lực giúp TPHCM tăng tốc phát triển

Thứ Bảy, 10/02/2024 17:53

|

(CATP) Năm 2024, dự báo tình hình còn rất khó khăn. TPHCM đã có “bảo bối” Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Dưới đây là chia sẻ của PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Thành ủy viên, Đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, về việc vận dụng Nghị quyết này vào thực tiễn đạt hiệu quả nhất.

VƯỢT QUA KHÓ KHĂN BẰNG “ĐẶC SẢN” TRUYỀN THỐNG

Nhìn một cách tổng thể từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2020 -2023), có thể khẳng định đại dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả trên nhiều lĩnh vực từ vật chất đến tinh thần. Cụ thể, năm 2021 kinh tế rơi vào suy thoái, nền kinh tế đang tăng trưởng 7-8% chuyển sang âm (-4,01%) cho thấy TP.Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Sau dịch, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột vũ trang ở nhiều nơi, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực, lạm phát tăng cao.

Nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, dẫn đến thương mại quốc tế và đầu tư toàn cầu sụt giảm. Bối cảnh đó đã tác động bất lợi đến sự phục hồi và phát triển kinh tế. TP.Hồ Chí Minh vừa phòng thủ với các biến động phức tạp khó lường bên ngoài, vừa xử lý các tồn đọng và yếu kém phát sinh mới bên trong… khiến kinh tế - xã hội càng thêm khó khăn và thách thức.

Nút giao thông ngã ba Cát Lái, thành phố Thủ Đức - Ảnh: CTV

Tình hình đó dẫn đến sự sụt giảm của kinh tế TP.Hồ Chí Minh ngay tại quý I/2023, chỉ đạt tăng trưởng 0,7%, đã chạm vào lòng tự ái của thành phố Anh hùng. Nhưng với sự bình tĩnh, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp và bằng các giải pháp linh hoạt, chủ động cùng với “đặc sản” năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tình hình kinh tế đi vào ổn định và tăng dần qua từng quý. Từ quý I tăng thấp chỉ 0,7% vươn lên 5,87% ở quý II, tăng tốc ở quý III đạt 6,71%, đến quý IV đã vượt lên 9,62% và cả năm ước đạt 5,81%. Kết quả đó thể hiện đầy đủ quyết tâm mạnh mẽ, nỗ lực vươn lên, không chịu khuất phục trước các khó khăn; phản ánh tinh thần truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo của thành phố Anh hùng.

Thực tế cho thấy, để nền kinh tế vượt qua khó khăn và tăng trưởng thì yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP (Total Factor Productivity) có vai trò rất quan trọng. TFP phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, dựa trên tác động của ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên

HAI TRỤ CỘT CHO TĂNG TRƯỞNG

Bước vào năm 2024, bối cảnh chung thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước vẫn phải đương đầu xử lý những tồn tại, yếu kém, vướng mắc. Thành phố đã đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5 - 8%, đây là mức thử thách rất lớn, nhưng không có lựa chọn nào khác.

Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm, nỗ lực đủ lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, sự chung sức, đồng lòng của người dân cùng với phát huy tiềm năng, lợi thế, thành phố sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Chủ đề của TP.Hồ Chí Minh năm 2024 tập trung vào 2 trụ cột: triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội và chuyển đổi số. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98, TP.Hồ Chí Minh đã thông qua nhiều quyết nghị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống. Nhiều nội dung được triển khai nhanh, như cho vay giảm nghèo, giải quyết việc làm, huy động các nguồn lực đầu tư xã hội, đẩy mạnh đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là cơ chế, chính sách vượt trội để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường phân cấp, ủy quyền… Nghị quyết 98 mở ra cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội bằng hình thức đầu tư theo phương thức công tư ở các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục… tạo cơ hội để TP.Hồ Chí Minh đầu tư thêm bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa mới. Đồng thời, TP.Hồ Chí Minh được áp dụng hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) để nâng cấp mở rộng, hiện đại hóa các công trình đường bộ hiện hữu như Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, đường Vành đai 2, cầu Bình Tiên… Đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, áp dụng thanh toán điện tử, tập trung chuyển đổi số vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục… Tăng cường đầu tư cho hạ tầng số; có chính sách thu hút, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu chuyển đổi số. TP.Hồ Chí Minh là siêu đô thị đông dân với tỷ lệ sử dụng các thiết bị thông minh lớn. Do đó, cơ hội đẩy nhanh chuyển đổi số của TP.Hồ Chí Minh là rất cao. Ngay đầu năm 2024, TP.Hồ Chí Minh sẽ thành lập Trung tâm chuyển đổi số để kịp thời hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số các sở ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức và doanh nghiệp nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Ngoài ra, như đã phân tích ở trên, yếu tố TFP sẽ quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng của thành phố trong năm 2024 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11 đề ra.

Nghị quyết 98 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề giao thông với cầu Long Đại, TP.Thủ Đức được thông xe vào cuối năm 2023

CON TÀU MANG TÊN NGHỊ QUYẾT 98”

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, TP.Hồ Chí Minh chuẩn bị mọi phần việc từ sớm để bắt tay thực hiện. TP.Hồ Chí Minh có ban chỉ đạo, ban điều hành, hội đồng tư vấn, tổ giúp việc thực hiện Nghị quyết 98. “Con tàu mang tên Nghị quyết 98” đã đi được một đoạn, chuyến hàng đầu tiên đã được đưa lên tàu. Hiện tại, mọi phần việc cho Nghị quyết 98 đã sẵn sàng, giống như một con tàu đã chất đầy hàng và sẵn sàng để tăng tốc. Các nhân viên của con tàu đã làm việc tích cực ngày đêm, trong hôm nay, Hội đồng thẩm định cuối cùng là HĐND TP.Hồ Chí Minh đóng dấu niêm phong là khởi hành. “Chúng ta vẫn ở trên con tàu cũ, những nhân viên cũ nhưng tâm thế, khí thế mới. Con tàu cũng được thay hộp số mới, động cơ mới, đường ray cũng thông thoáng hơn trước” - Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, trong việc thực hiện Nghị quyết 98, TP.Hồ Chí Minh cần mở rộng không gian phát triển, chủ động các phần việc. Cụ thể, các hoạt động y tế, giáo dục của TP.Hồ Chí Minh có thể mở rộng ở phạm vi vùng. “Người dân làm ăn, sinh sống, học tập ở TP.Hồ Chí Minh phần lớn tới từ địa phương khác trong vùng. Nếu người dân trong vùng không cần đi xa mà vẫn có thể làm ăn, sinh sống, học tập, chăm sóc sức khỏe thì quá tốt” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang