Thực hiện tốt Đề án 06 góp phần quan trọng bảo đảm quyền, lợi ích của công dân và xây dựng đô thị thông minh

Thứ Sáu, 09/02/2024 07:37

|

(CATP) Đề án 06 liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp, từ đó TPHCM đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn thành phố. Việc thực hiện tốt Đề án 06 còn góp phần hoàn thành công tác chuyển đổi số của thành phố và đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

CHIẾN DỊCH QUY MÔ CHƯA TỪNG CÓ

Để thực hiện Đề án 06, vấn đề tiên quyết là phải tiến hành cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Tại TPHCM, việc cấp CCCD gắn chíp thực hiện qua 2 giai đoạn. Công việc này không khó nhưng cả giai đoạn 1 và 2 khi Công an TPHCM cấp CCCD gắn chíp cho công dân cũng là lúc TPHCM và cả nước chìm trong đại dịch Covid-19, toàn lực lượng Công an TPHCM lao vào chống dịch.

Việc cấp CCCD có lúc phải đình trệ, nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an TPHCM vừa tổ chức phòng, chống dịch nghiêm ngặt vừa tiếp tục thực hiện cấp CCCD cho dân. Do vậy, công việc vô cùng áp lực với tất cả các lực lượng tham gia.

Lãnh đạo Công an TPHCM đã lên phương án khoa học nhất, tổ chức, sắp xếp, chú trọng việc chuẩn bị dữ liệu, thông tin công dân, giao nhiệm vụ cụ thể cho cảnh sát khu vực, trưởng công an phường, xã, thị trấn tổ chức cấp CCCD lưu động, để vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa tạo thuận tiện cho người dân.

Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TPHCM

Đây là chiến dịch quy mô chưa từng có, với hàng trăm tổ công tác làm việc từ sáng sớm đến hơn 10 giờ đêm mỗi ngày, có tổ làm việc đến 0 giờ. Hình ảnh những CBCS công an trên toàn thành phố đến tận nhà làm, giao CCCD cho dân trở nên quen thuộc với bà con.

Với cố gắng đó, đến nay Công an TPHCM cơ bản đã hoàn thành việc cấp CCCD gắn chíp cho công dân trong độ tuổi cấp CCCD có hộ khẩu thường trú tại TPHCM, đang thực tế cư trú trên địa bàn. Công an TPHCM đã khen thưởng 61 tập thể, 742 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác này, cho thấy nỗ lực rất lớn của toàn ngành.

KÍCH HOẠT TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ MỨC 2

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Để phát huy tối đa những lợi ích, tiện ích của việc kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT), để mỗi cá nhân là “công dân số” góp phần hình thành chính quyền điện tử và quốc gia số, UBNDTP, Công an TPHCM đã phát động chiến dịch kích hoạt TKĐDĐT mức 2.

UBND TPHCM yêu cầu lực lượng Công an duy trì công tác làm sạch, làm giàu, bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, tiếp tục thực hiện công tác “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” trong chiến dịch cấp và kích hoạt TKĐDĐT mức 2. Tại nhiều phường, xã, lực lượng Công an toàn thành phố ngoài làm việc tại đơn vị còn thành lập nhiều tổ đến tận khu phố để thu thập hồ sơ cấp định danh và giúp dân kích hoạt TKĐDĐT mức 2.

Với nỗ lực đó, hiện Công an TPHCM đã cấp hơn 7,6 triệu CCCD gắn chíp điện tử và hơn 5,4 triệu TKĐDĐT mức 2 cho công dân đủ điều kiện, phục vụ người dân thụ hưởng các tiện ích của Đề án 06. Với phương châm “không bỏ ai ở lại phía sau” CATP đã tiến hành thực hiện khai thác, thu thập thông tin dân cư cho 1.325 nhân khẩu đặc biệt, đã giải quyết cấp số định danh cá nhân và thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho gần 1.000 trường hợp.

Đến là dân thương, đi là dân nhớ

TRIỂN KHAI 25 DỊCH VỤ CÔNG THIẾT YẾU

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đề án 06, đến nay TPHCM đã triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến cho người dân trên Cổng dịch vụ công (DVC) thành phố và Cổng DVC quốc gia đối với 25 DVC trực tuyến theo Đề án 06. Trong đó, 11 DVC của ngành Công an đã đi vào hoạt động ổn định; tỉ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt trên 70%.

Từ ngày 10/7/2023 đến nay, UBND phường, xã, thị trấn đã tiếp nhận giải quyết xong 692 hồ sơ thuộc hai nhóm thủ tục liên thông “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng” trên phần mềm DVC liên thông, góp phần nâng cao hiệu quả tiện ích của Đề án 06.

Trên địa bàn TPHCM cũng đã có 6.675.062 thẻ CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh (KCB) bằng CCCD; có 409 cơ sở KCB đã sử dụng CCCD trong KCB; 3.885.191 lượt công dân sử dụng CCCD trong KCB; 3.058.830 công dân sử dụng thẻ CCCD khám chữa bệnh tra cứu có thông tin. Về ứng dụng VNeID đối với bảo hiểm xã hội số cho người dân, hiện đã có 4.303.560 tài khoản đã đăng ký và sử dụng ứng dụng; Tổng công ty Điện lực thành phố đã tiếp nhận, giải quyết cho 102.067 lượt công dân và 8.325 lượt doanh nghiệp đăng ký; Tổng cục Hải quan đã hoàn thành tích hợp và cung cấp 98 DVC trực tuyến toàn trình lên Cổng DVC quốc gia.

Hiện TPHCM đã triển khai 24/25 DVC thiết yếu theo Đề án 06. Quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ DVC bảo đảm đúng tiến độ, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, thể hiện qua tỉ lệ hài lòng trong phản ánh, kiến nghị đạt 100%; tỉ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt 86,83%. Riêng 2 thủ tục liên thông “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”, thành phố đã triển khai thực hiện trên toàn địa bàn bắt đầu từ ngày 10/7/2023 theo kế hoạch của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ.

Ngày 02/11/2023, tại hội trường Công an TPHCM, UBND TPHCM đã tổ chức Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn thành phố. Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu các đơn vị, sở ngành, quận huyện tập trung vào công tác tạo lập, làm sạch, liên thông dữ liệu trong hệ thống giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo Chiến lược dữ liệu của thành phố. Tiếp tục thiết lập, phát triển dữ liệu chuyên ngành gắn với hoàn tất 25 DVC thiết yếu. “Bên cạnh đó, các sở, ngành, quận huyện, TP. Thủ Đức tập trung tuyên truyền Đề án 06 gắn với tiện ích của CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID, đăng ký và kích hoạt TKĐDĐT mức 2; tuyên truyền, khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại các bộ phận một cửa điện tử...”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu.

Lãnh đạo TPHCM đánh giá, khi thực hiện Đề án 06, cả hệ thống chính trị thành phố đã nỗ lực rất lớn, nhiều công tác chuyển biến rõ rệt và đặt ra yêu cầu các dữ liệu cần được lưu trữ toàn vẹn, đầy đủ, có sự liên thông để khai thác hiệu quả; đưa đủ, đưa đúng dữ liệu cơ sở dân cư vào cơ sở dữ liệu, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước. Việc thực hiện Đề án 06 có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố, xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn, Bộ Công an ghi nhận, biểu dương Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM về những kết quả đạt được; đồng thời yêu cầu thời gian tới, thành phố cần tập trung triển khai 43 mô hình điểm ở giai đoạn 2 với sự nhập cuộc cao nhất của cả hệ thống chính trị.

Nhiệm vụ quan trọng của Công an TPHCM trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ chia sẻ, kết nối nội, ngoại ngành. Tiếp tục chủ trì tổ chức thực hiện có hiệu quả chiến dịch cấp và kích hoạt TKĐDĐT cho 100% dân số thành phố. Đây là khâu quan trọng trong việc góp phần đưa tiến độ xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh, để mọi công dân có thể hưởng lợi ích của một công dân số.

Đề án 06 liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích quốc gia, người dân và doanh nghiệp, từ đó lãnh đạo Công an TPHCM đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn thành phố. Việc thực hiện tốt đề án còn góp phần hoàn thành việc chuyển đổi số của thành phố và đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang