Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Cắt giảm khoản chi không cần thiết, ưu tiên cho cải cách tiền lương, công trình trọng điểm

Thứ Bảy, 05/11/2022 15:44

|

(CAO) Thủ tướng cho biết kiên quyết giảm các khoản chi không cần thiết để có thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, ưu tiên cho cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia...

Đã có chủ trương, giải pháp xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém

Là người đăng đàn cuối cùng trong phiên chất vấn, chiều nay (5/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm rõ và trả lời các câu hỏi đại biểu Quốc hội nêu ra.

Phát biểu trước khi trả lời trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã cập nhật tình hình KTXH 10 tháng năm 2022.

Thủ tướng cho biết, so với báo cáo 9 tháng năm 2022, đến nay, tình hình thế giới đã có nhiều điểm mới. Các yếu tố rủi ro gia tăng cả về mức độ, quy mô, tính chất, phạm vi, nhất là về kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ.

Thủ tướng Chính phủ giải trình và trả lời chất vấn Quốc hội

Hoa Kỳ tăng lãi suất để chống lạm phát, đồng USD tăng giá dẫn đến nhiều đồng tiền chủ chốt khác mất giá; suy giảm tăng trưởng và nguy cơ suy thoái rõ nét hơn.

Trước bối cảnh khó khăn, thách thức đang hiện hữu, Thủ tướng dự báo công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, ngược lại phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả; kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng… là những nhiệm vụ được Thủ tướng nêu ra.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; giám sát chặt chẽ cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; theo dõi sát và nghiên cứu giải pháp xử lý hiệu quả đối với tín dụng bất động sản...

“Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực. Làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế; mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững” - Thủ tướng nêu quan điểm.

Liên quan đến việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và quyết tâm xử lý các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, Thủ tướng thông tin, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém gắn với xử lý nợ xấu và nhiều dự án thua lỗ kéo dài.

Cụ thể, đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém, chuyển giao bắt buộc, đang kiểm soát đặc biệt 1 ngân hàng.

Hiện đã có phương án xử lý đối với 5/12 dự án và đang rất tích cực xây dựng phương án khả thi, hiệu quả nhất xử lý đối với 7/12 dự án còn lại và các dự án phát sinh khác.

Bên cạnh đó, đã xử lý xong, đưa vào hoạt động các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1. Mỗi dự án này có tổng mức đầu tư trên dưới 2 tỷ USD.

Thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội

Đề cập đến các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng thông tin, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy các thị trường này phát triển.

Toàn cảnh phiên chất vấn

“Đến nay, thị trường vốn đã cơ bản phát triển đầy đủ với các cấu phần thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Quy mô các thị trường này và thị trường bất động sản tăng mạnh” - Thủ tướng nhận định.

Tuy nhiên, ông lưu ý, với sự tăng trưởng nóng gần đây, các thị trường này đang tiềm ẩn rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu, theo Thủ tướng, là do nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi tiếp cận vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ.

Thị trường bất động sản có cơ cấu chưa hợp lý, mặt bằng giá tăng cao và thanh khoản gặp khó khăn...

Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém, đồng thời có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững theo quy định của pháp luật.

Nêu giải pháp cụ thể, lãnh đạo Chính phủ cho biết, tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và sửa một số nghị định, thông tư liên quan.

Đồng thời, kiểm soát tốt hơn hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người yếu thế với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng nhìn nhận, cùng với yếu tố khách quan, có sự chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương.

“Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước” – Thủ tướng chỉ ra.

Ông cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.

Với việc xây dựng, thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và năm 2023, Thủ tướng lưu ý, trong 2023, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nên việc xây dựng dự toán thu, chi NSNN cần thận trọng, chắc chắn, khả thi để bảo đảm kiểm soát bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ trong ngưỡng an toàn.

“Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng thu NSNN, kiên quyết giảm các khoản chi không cần thiết để có thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, ưu tiên cho cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia” - Thủ tướng nói rõ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang