Khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ đảm bảo cao hơn lương tối thiểu vùng

Thứ Bảy, 05/11/2022 08:35

|

(CAO) Từ năm 2019 cho đến nay, ngân sách tiết kiệm được trên 25.600 tỷ đồng từ sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) đề nghị Bộ trưởng cho biết việc tinh giản biên chế thời gian qua đã tác động thế nào đến việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức?

Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) chất vấn Bộ trưởng

“Một trong những mục tiêu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi phí thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương” – đại biểu Giót nhắc lại.

Khẳng định tác động này rất lớn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giảm tổ chức hành chính, giảm một loạt các đơn vị sự nghiệp, cơ cấu lại, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước được thực hiện với mục tiêu cải cách hệ thống tổ chức bộ máy, đồng thời để cải cách lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Việc này cũng tạo điều kiện để nâng lương cho đội ngũ. “Chỉ tính từ năm 2019 cho đến nay, chúng ta đã tiết kiệm được trên 25.600 tỷ đồng. Đây là nguồn để chúng ta đưa vào thực hiện cải cách chính sách tiền lương” – Bộ trưởng Trà thông tin.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của đại biểu

Theo Bộ trưởng, mối quan hệ giữa việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ để chúng ta tạo ra được nguồn lực để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tới đây, Bộ trưởng nói, sẽ tiếp tục phải thực hiện việc này để có thêm nguồn lực, cơ cấu lại đội ngũ gọn hơn, đầu mối của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, cũng như các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn hơn.

“Đấy là điều kiện để chúng ta có một nguồn lực rất lớn cải thiện đời sống của người lao động trong khu vực công, đó là để thực hiện cải cách chính sách tiền lương” – bà Trà tái khẳng định.

Phản ánh việc triển khai xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian vừa qua chưa đồng bộ, đại biểu Lương Văn Hùng hỏi Bộ trưởng về trách nhiệm.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng nêu rõ thời gian khắc phục hạn chế này để cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27.

Hồi âm đại biểu, nữ Bộ trưởng thừa nhận có trách nhiệm của ngành Nội vụ, vì qua trình triển khai còn chậm. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cũng còn có sự chưa rõ, chưa thống nhất, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện.

“Hiện nay các bộ, ngành cũng đã tập trung để ban hành các thông tư hướng dẫn, tới đây theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến xác định vị trí việc làm cũng như là khung năng lực của vị trí việc làm, triển khai một cách đồng bộ, toàn diện để chúng ta đảm bảo được vấn đề quản lý biên chế theo vị trí việc làm” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng trong mối quan tâm về tiền lương, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) chỉ ra một nghịch lý hiện nay, là Chính phủ đã xây dựng lương tối thiểu theo vùng, thấp nhất là 3.250.000 đồng.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nêu câu hỏi

“Tôi rất quan tâm đến đội ngũ viên chức làm công tác ở trong các đơn vị hành chính sự nghiệp như văn thư, thủ quỹ, kế toán thì lương của họ theo mức lương cơ bản chưa được 3 triệu, còn thấp hơn lương tối thiểu vùng” – đại biểu Khánh nêu.

Từ thực tế này, đại biểu chất vấn Bộ trưởng về giải pháp để giữ chân những người này và để tuyển mới, bởi vì thực chất lương thấp cũng là nguyên nhân không tuyển được những nhân viên ở các khu vực này.

Tiếp nhận câu hỏi từ đại biểu, Bộ trưởng Trà đánh giá, lương nhân viên và kể cả phụ cấp công vụ 25% thì chỉ có 3.464.000 đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng.

“Tiền lương tối thiểu vùng hiện nay, đối vùng 1 là 4.680.000, vùng 2 là 4.160.000, vùng 3 là 4.640.000 và vùng 4 là 3.250.000 đồng” – Bộ trưởng phản ánh.

Nêu giải pháp, bà Trà cho rằng, việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 lên 1.800.000, tăng 20,8%, sẽ giúp các đối tượng lương nhân viên kể trên cũng được tăng.

“Khi tăng lương tối thiểu, họ cũng nằm trong diện được điều chỉnh và sau khi thực hiện điều chỉnh lương này, nếu điều kiện kinh tế năm 2023 và những năm tới ổn định tốt, tăng trưởng tốt, chúng ta sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương” – Bộ trưởng nêu quan điểm.

Theo người đứng đầu ngành Nội vụ, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương thì sẽ đảm bảo cao hơn lương tối thiểu vùng, sẽ thuận lợi cho tất cả các đối tượng một cách rất công bằng, hài hòa và hợp lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang