Máy bay Su-30MK2 thao diễn ở Hà Nội để phục vụ cho khai mạc triển lãm Quốc phòng

Thứ Năm, 03/11/2022 17:42

|

(CAO) Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 do Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra tại khu vực sân bay Gia Lâm, Hà Nội từ ngày 8 đến 10-12 tới.

Tại cuộc họp báo vào chiều 3/11, trả lời câu hỏi liên quan đến việc các đơn vị máy bay chiến đấu Su-30MK2 và trực thăng Mi thực hành thao diễn trên bầu trời khu vực Gia Lâm, Hà Nội sáng 3/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, đây là hoạt động của Không quân Việt Nam để chuẩn bị cho lễ khai mạc triển lãm quốc phòng Việt Nam diễn ra vào tháng 12.

“Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 do Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì tổ chức dự kiến sẽ diễn ra tại khu vực sân bay Gia Lâm, Hà Nội từ ngày 8 đến 10-12 tới” - bà Hằng thông tin.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, triển lãm được tổ chức với mục đích tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước và các nhà cung cấp hàng đầu thế giới có cơ hội giới thiệu các hệ thống trang bị, vũ khí, kỹ thuật tiên tiến nhất ngay tại Việt Nam.

Khách mời tham dự triển lãm dự kiến sẽ có lãnh đạo cấp cao quân đội và Bộ Quốc phòng của nhiều nước, cùng đại diện các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng và QĐND Việt Nam, mở ra khả năng tiếp cận toàn diện cho các nhà cung cấp.

Tại triển lãm, sẽ diễn ra nhiều hoạt động như trưng bày và trình diễn sản phẩm, kết nối doanh nghiệp và thuyết trình kỹ thuật chuyên sâu giúp cập nhật thông tin, giải đáp các vướng mắc trong quá trình vận hành các trang thiết bị và phương tiện chiến đấu chuyên ngành cùng các hoạt động văn hóa giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo thường kỳ chiều 3/11

Về câu hỏi nguy cơ Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng an ninh lương thực từ những động thái liên quan đến Thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen, bà Lê Thị Thu Hằng, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, coi bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.

Thống kê mỗi năm cho thấy, Việt Nam sản xuất từ 41 - 43 triệu tấn lúa gạo và 6,5 triệu tấn thịt các loại... đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đồng thời, với vai trò là một trong các quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới, Việt Nam cũng có những đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chung trong giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.

Theo thống kê Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề bảo đảm an ninh lương thực và mong các quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia có trách nhiệm vào xử lý vấn đề này” – bà Hằng nhấn mạnh.

Việt Nam luôn coi bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu

Trước thông tin một số nghị sỹ của Hoa Kỳ gửi kháng thư lên giới chức Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng cách xử lý của Việt Nam trong vụ việc Formosa còn chưa thỏa đáng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn coi bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu, không đánh đổi môi trường, lấy tăng trưởng kinh tế."

Theo Người Phát ngôn, Việt Nam kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Liên quan đến sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam từ năm 2016, ngay sau khi xảy ra sự cố, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương vào cuộc, xác định nguyên nhân, triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục sự cố, ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng.

Trước những chứng cứ khoa học rõ ràng, phía Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định, xin lỗi nhân dân và Chính phủ Việt Nam.

Theo phân công và dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng giám sát và Tổ giám sát liên ngành đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trong việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam.

“Theo chúng tôi được biết, từ tháng 7/2016 đến nay, Hội đồng giám sát và Tổ giám sát liên ngành đã thường xuyên giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường của Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; qua đó phân công cụ thể trách nhiệm và việc tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong giải quyết và xử lý vụ việc," Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

Người Phát ngôn cho biết thêm theo báo cáo mới đây nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả 6 năm thực hiện cơ chế giám sát liên ngành, quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường của Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, việc khắc phục vi phạm đã được hoàn thành và các cam kết về bảo vệ môi trường đã được thực hiện đầy đủ.

Hiện nay, các hoạt động sản xuất của công ty cũng như đời sống của người dân trong khu vực đã được khôi phục ổn định và diễn ra bình thường.

Bình luận (0)

Lên đầu trang