(CAO) Theo Thủ tướng, trên cơ sở đánh giá kỹ tình hình sẽ xem xét theo hướng thống nhất quản lý, quy về một đầu mối. Hướng là giao cho Bộ Công Thương.
Bên lề phiên họp Quốc hội chiều nay, 2/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đã giao cho Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo, giải quyết những bất ổn liên quan đến thị trường xăng, dầu gần đây.
Theo Thủ tướng, trên cơ sở đánh giá kỹ tình hình sẽ xem xét theo hướng thống nhất quản lý, quy về một đầu mối.
“Hướng là giao cho Bộ Công Thương” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Trước đó, giải trình tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định tổng nguồn cung không thiếu, khi đầu tháng 10 cả nước có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu, đủ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tới hết tháng 11.
Với tổng nguồn cung không thiếu, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới, Bộ trưởng Diên cho rằng hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TPHCM cùng một số tỉnh phía Nam “là điều rất đáng tiếc và bất thường”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lại nhận định, nguồn cung trên thị trường thiếu hụt và việc nhập khẩu của doanh nghiệp đầu mối không đạt theo kế hoạch. Quý 3/2022 chỉ có 19/33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, giảm 40% với xăng và 35% với dầu so với quý trước.
Bộ trưởng Phớc cho biết, sắp tới, khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng, dầu về Bộ Công Thương quản lý, kể cả phần quyết định về giá, chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phản ánh, nhiều ý kiến cho rằng phải thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức, tránh câu chuyện khi có vấn đề là đổ trách nhiệm cho nhau.
Đại biểu Trinh Xuân An (Đồng Nai)
“Cũng cần xem lại các nước trên thế giới có nước nào làm như mình không. Xăng dầu là hàng hóa nên trước hết cần theo nguyên tắc thị trường. Tất nhiên hàng hóa thiết yếu, đặc biệt thì cũng cần sự điều tiết nhất định nhưng ta không thể can thiệp một cách phi thị trường” - đại biểu An nêu quan điểm.
Theo ông, việc quản lý cũng cần phải xác định được ranh giới của Nhà nước và ranh giới thị trường.
Ông cũng cho rằng nên đưa về một đầu mối là Bộ Công thương quản lý. “Xăng dầu là hàng hóa, liên quan đến xuất nhập khẩu, liên quan đến thị trường, đến điều tiết mà Bộ Công Thương có khả năng, bộ máy, thực hiện được chức năng nhiệm vụ quản lý” – ông An phân tích.
Vẫn theo đại biểu của Đồng Nai, lâu nay liên Bộ Tài chính – Công thương cũng không thể can thiệp sâu vào việc xác định giá. Việc “lằng nhằng” như vậy khiến việc điều hành không có sự linh hoạt.
Điểm nữa, ông An cho rằng phải xem lại mốc thời gian điều chỉnh giá, tránh câu chuyện lúc thế giới lên nhưng do chưa đến kỳ thì ta chưa điều chỉnh được. “Sự linh hoạt và nguyên tắc thị trường ta chưa đảm bảo được cho nên ta phải thay đổi một cách toàn diện” – đại biểu An nhìn nhận.
Có thể có nhiều lý giải về thực trạng kinh doah xăng, dầu vừa qua, nhưng đại biểu An khẳng định, đây là những việc rất bề nổi.
“Bản chất là cả cơ chế vận hành quản lý phải thay đổi mà đầu tiên là phải minh định rõ ai là người chịu trách nhiệm, tránh đùn đẩy nhau” – ông An đề nghị và lưu ý, câu chuyện này cần thay đổi ngay và luôn.
“Các ĐBQH nói nhiều rồi. Không thể chấp nhận được đến thế kỷ 21 mà ở Hà Nội và TPHCM phải xếp hàng mua xăng” – đại biểu nhắc lại.