Tình hình cung ứng xăng dầu tại TPHCM vẫn còn gặp khó khăn

Thứ Ba, 01/11/2022 17:17

|

(CAO) Tại TPHCM, doanh nghiệp nhà nước tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu chiếm 25%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân tham gia. Giá xăng dầu quy định thống nhất 2 vùng (vùng 1 và vùng 2). Chi phí vận chuyển từ nhà máy đến các tỉnh khác nhau. Do đó có những khó khăn.

Chiều 1/11, UBND TPHCM tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 10, 10 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 11 năm 2022.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì buổi họp. Cùng tham dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP, Thường trực HĐND, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cùng các chuyên gia và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM

Thu ngân sách vượt 1,61% dự toán năm, tăng 22,3% so với cùng kỳ

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh, năm 2022 là năm đầu của chương trình phục hồi kinh tế, đặc biệt năm 2023 là năm tăng tốc nhiệm vụ. Hiện nay bên cạnh các vấn đề chung của thế giới thì TP cũng đang có vấn đề riêng như thiếu xăng dầu, hoạt động ngân hàng SCB có sự tác động đến hoạt động kinh tế của TPHCM. Do vậy, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các chuyên gia, lãnh đạo sở ngành góp ý cho phát triển kinh tế 2 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Báo cáo kết quả về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai cho hay, TP tiếp tục triển khai có hiệu quả và tập trung đối với chương trình phục hồi kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025 và chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Sản xuất công nghiệp hàng tháng đang có sự sụt giảm do tác động tiêu cực của nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng, sức mua toàn cầu giảm. Tuy nhiên, công nghiệp TP ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của 4 ngành công nghiệp trọng điểm, tiếp tục duy trì, khẳng định vị trí là ngành chủ đạo, có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn so với chỉ số chung của toàn ngành, IIP 4 ngành trọng điểm 10 tháng năm 2022 ước tăng 22,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ giản 13%).

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu du lịch, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước lũy kế 10 tháng năm 2022 vượt 1,6% dự toán năm và tăng 22,3% so với cùng kỳ.

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM

Công tác hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp 10 tháng tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Công tác dự báo thị trường giá cả nông sản được thông tin kịp thời. Tăng cường tuyên truyền thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại vùng sản xuất. Dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP đã được kiểm soát, các cơ sở khám chữa bệnh đã dần hồi phục.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10 ước đạt khoảng 94.933 tỷ đồng, tăng 1,35% so với tháng trước (doanh thu thương mại tăng 1,57%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 7,1%; dịch vụ lữ hành giảm 15,42%; dịch vụ khác tăng 3,49%) và tăng 78,7% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 10 trên địa bàn duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ đầu năm, không biến động nhiều so với tháng trước. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 899.384 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 20,7%).

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP duy trì tốc độ tăng trưởng tốt: Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước trong tháng 10 ước đạt 4,13 tỷ USD, tăng 6,23% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 13,44% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,2%). Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước trong tháng 10 ước đạt 4,9 tỷ USD tăng 2,46% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng đầu năm ước đạt 53,4 tỷ USD, tăng 9,60% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,8%).

Về tình hình thu chi ngân sách, Sở Tài chính cho biết, đến tháng 10/2022, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 1,61% so dự toán. Trong năm 2022, TP thúc đẩy chi đầu tư phát triển, do đó, số chi đầu tư phát triển tăng cao so với cùng kỳ, chi thường xuyên giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm là 392.790,653 tỷ đồng, đạt 101,61% dự toán năm và tăng 22,33% so cùng kỳ.

Vẫn còn 108 cửa hàng thiếu xăng

Về tình hình xăng dầu, Giám đốc Sở Công thương TP Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin hiện TP có 108/550 cửa hàng thiếu xăng, 4 cửa hàng đang xin ngưng để sửa chữa và tiếp tục đóng cửa…

Hiện khó khăn của TPHCM đã báo cáo Thủ tướng là do nguồn cung đang thiếu hụt, tổng cơ chế điều hành chưa bảo đảm hài hòa lợi ích các bên trong cung ứng xăng dầu, hiện các đơn vị bán lẻ hoạt động rất khó khăn và thua lỗ do chiết khấu thấp. TPHCM đã thực hiện báo cáo kiến nghị các Bộ và hy vọng thời gian tới tình hình xăng dầu sẽ được cải thiện hơn.

Tại TPHCM, doanh nghiệp nhà nước tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu chiếm 25%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân tham gia. Giá xăng dầu quy định thống nhất 2 vùng, vùng 1 và vùng 2. Chi phí vận chuyển từ nhà máy đến các tỉnh khác nhau. Do đó có những khó khăn nhất định.

TPHCM đã huy động các đơn vị có lượng nhập và phân phối lớn để “gồng gánh” và hiện Petrolimex đã hoạt động 200% công suất để đảm bảo phân phối. Hiện tại, một số huyện Củ Chi, Hóc Môn có hệ thống bán lẻ xăng dầu của thương nhân không kinh doanh theo chuỗi nên gặp khó khăn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang