Trước phiên chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã báo cáo Quốc hội một số nhóm vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Tại báo cáo này, Tổng Thanh tra Chính phủ đã thông tin tới đại biểu về việc xây dựng Định hướng chương trình công tác thanh tra, Kế hoạch thanh tra trong toàn ngành.
"Định hướng thanh tra hàng năm xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung thanh tra, có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước” - ông Phong cho biết.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong
Kế hoạch thanh tra tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, như: Đầu tư công; quản lý sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng; cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Việc mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công; quản lý sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia... cũng là những nội dung được chú trọng bên cạnh thanh tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật trên các lĩnh vực chuyên ngành, như: thuế, hải quan, bảo hiểm, ngân hàng, xây dựng, giao thông, đất đai, môi trường, lao động, văn hóa, giáo dục, y tế…
Cùng với thanh tra theo kế hoạch, ông Phong nhấn mạnh, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra luôn quan tâm triển khai các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.
“Những cuộc thanh tra này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận và báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo xử lý theo quy định pháp luật” – Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Theo ông, trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì tiến hành chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra ngay khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm (kể cả khi chưa ban hành Kết luận thanh tra); đồng thời, chuyển nội dung sai phạm của cán bộ, đảng viên sang cơ quan kiểm tra của Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Vẫn theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.301 cuộc thanh tra hành chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 52.466,4 tỷ đồng, 8.240,8 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 15.964,3 tỷ đồng (trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 11.965,5 tỷ đồng; về tổ chức, đơn vị 3.998,8 tỷ đồng) và 147,1 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 36.502,1 tỷ đồng, 8.093,7 ha đất; ban hành 105.265 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.592,6 tỷ đồng.
Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.554 tập thể và 5.109 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 317vụ, 199 đối tượng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông Phong báo cáo, Thanh tra Chính phủ đã tập trung thanh tra và chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành tiến hành thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc.
Triển khai, kết thúc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; đang triển khai thanh tra quản lý nhà nước về xăng dầu.
Hiện tại, Thanh tra Chính phủ đang chuẩn bị triển khai thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thanh tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông trọng điểm Quốc gia tại một số địa phương...
Đề cập đến công tác xử lý sau thanh tra, người đứng đầu ngành khẳng định, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo toàn ngành thanh tra thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, đảm bảo kết luận thanh tra phải được các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện nghiêm túc, nhất là các kiến nghị xử lý thu hồi tiền, tài sản về cho nhà nước.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
9 tháng năm 2022, toàn ngành tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.586 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Trong số này, có 3.440 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện, chiếm 61,6% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra trong kỳ.
Kết quả, các cơ quan chức năng đã thu hồi 1.089,0 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 60,3%), 10,2 ha đất; xử lý hành chính 1.714 tổ chức, 4.841 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng; khởi tố 5 vụ, 3 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 370 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 72,4%).