Cần loại bỏ tin đồn, tin giả phá hoại nền kinh tế

Thứ Hai, 31/10/2022 11:02

|

(CATP) Tin đồn, tin giả xuất hiện từ lâu nhưng gần đây càng rộ lên khi cơ quan chức năng xử lý một số doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu, nhà đất, thì càng nở rộ và càng nguy hiểm. Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật những tổ chức, cá nhân tung tin thất thiệt nhằm xuyên tạc tình hình, nói xấu Đảng, Nhà nước, phá hoại nền kinh tế.

Doanh nghiệp, thị trường chứng khoán chao đảo

Ngày 27-10, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Đặng Như Quỳnh 2 năm tù về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân".

Theo cáo trạng, ngày 2-4, khi biết thông tin một số lãnh đạo doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực tài chính, bất động sản bị xử lý, không có thông tin chính xác nhưng Quỳnh vẫn suy diễn, đăng lên Facebook cá nhân việc ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị xử lý hình sự. Cho đến khi các cơ quan tố tụng công bố thông tin chính thức, Quỳnh chỉnh sửa bài viết để khẳng định rằng mình đã biết trước thông tin này. Sau đó Quỳnh tiếp tục đăng tải 2 bài viết cho rằng ông Dũng sở hữu phức tạp nhiều công ty đại chúng, các cơ quan tố tụng sẽ khởi tố, điều tra, bắt tạm giam ông này.

Thông tin do Quỳnh đăng tải được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội làm một số mã chứng khoán của tập đoàn bị bán tháo và bị giảm giá mạnh. Các nhà đầu tư chứng khoán đã làm đơn tố giác Đặng Như Quỳnh về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm uy tín, danh dự, quyền và lợi ích cá nhân cũng như ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, thiệt hại tài sản DN, nhà đầu tư. Với hành vi đó, bản án đó là thích đáng, thậm chí còn thấp, khi hậu quả của nó rất lớn.

Sau khi đăng tải bài viết có nội dung kêu gọi người dân rút tiền tại Ngân hàng SCB, bà N.T.M.H bị Công an TPHCM xử lý

Tập đoàn Novaland cũng là một đơn vị thiệt hại nặng nề do tin đồn vô căn cứ khi trên mạng xã hội lan truyền thông tin: "Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Biên Hòa cung cấp hồ sơ cho Phòng An ninh kinh tế - Công an TPHCM về dự án Izumi City và dự án Aqua City về sai phạm trong quản lý đất đai của Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai (Dona Coop) trước ngày 15-11-2022". Trước thông tin này, buộc Novaland phải lên tiếng, khẳng định, đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật. Theo Novaland đây là thông tin cũ liên quan đến một dự án từ năm 2020 và hiện nay dự án này đang được xem xét, giải quyết. Novaland cho rằng, việc chỉ lấy trang cuối của văn bản cũng như cắt dán, lồng ghép nhiều thông tin bình luận không phù hợp, xuyên tạc sự thật về hoạt động của tập đoàn đã gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng, khách hàng, nhà đầu tư, ảnh hưởng đến uy tín, tác động xấu đến hoạt động của tập đoàn.

Ngày 24-10, Công an TPHCM khẳng định, thông tin, hình ảnh về việc yêu cầu cung cấp hồ sơ dự án Izumi City và dự án Aqua City ở tỉnh Đồng Nai là giả mạo, không chính xác. Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương tiến hành xác minh, truy xét đối tượng có hành vi tung tin giả, sai sự thật nói trên.

Trong cùng ngày, Tập đoàn Novaland cũng đã chính thức thông tin về các tin đồn những ngày qua liên quan đến các dự án của doanh nghiệp này. Phía Tập đoàn Novaland khẳng định đây là tin đồn sai sự thật, gây tâm lý hoang mang cho nội bộ, cộng đồng, khách hàng, nhà đầu tư.

Đó chỉ là 2 vụ điển hình về những thông tin đồn, tin giả trên mạng, làm các DN bị thiệt hại nặng nề, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, trật tự xã hội.

Tình hình rất nghiêm trọng, đến nỗi Thủ tướng Phạm Minh Chính phải lên tiếng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 hôm 29-10, yêu cầu kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật những tổ chức, cá nhân tung tin thất thiệt nhằm xuyên tạc tình hình, nói xấu Đảng, Nhà nước, phá hoại nền kinh tế.

Một DN là nạn nhân điển hình là Tập đoàn Vingroup. Khi các DN lớn bị xử lý theo đúng pháp luật vì những vi phạm rõ ràng, lập tức có nhiều tin đồn trên mạng lan truyền rằng DN A, B đang bị cơ quan chức năng "sờ gáy", trong đó có thông tin sai sự thật rằng Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh. Thông tin này gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, tài chính của nhiều công ty con thuộc "họ Vin".

Ngày 24-10, mạng xã hội lan truyền ảnh chụp một số xe cảnh sát 113 đỗ trước cổng Tập đoàn Vingroup tại khu đô thị Vinhomes Riverside (quận Long Biên, TP.Hà Nội). Ngay lập tức trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh này, cho rằng lãnh đạo Vingroup đang "có vấn đề”. Tuy nhiên sự thật là, theo UBND phường Việt Hưng, hình ảnh đó là lực lượng cảnh sát 113, công an phường, trật tự đô thị thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự cho Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat thăm Việt Nam từ ngày 11 đến ngày 15-9, trong đó có lịch trình làm việc với Tập đoàn Vingroup.

Trước đó ngày 11-7, chủ tài khoản mạng Zalo "Hoàn Tô” - tức Tô Vĩ Hoàn đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật, do đăng tải thông tin sai sự thật về ông Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh. Liên quan đến tin "fake" này, ngoài ông Hoàn, cơ quan chức năng còn xử lý 9 người khác ở 7 tỉnh, thành khác tung tin đồn có nội dung tương tự.

Chiều 29-10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an khẳng định đến giờ phút này ông Phạm Nhật Vượng không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh, chắc chắn là như vậy, hoạt động của tập đoàn này bình thường. Ông Tô Ân Xô nhấn mạnh: "Vingroup là DN đóng thuế rất lớn cho Nhà nước với khoảng 127.000 tỷ đồng trong thời gian qua".

Hậu quả những tin đồn từ tháng 7-2022, đã làm thị trường chứng khoán từng bị một phen chao đảo, những cổ phiếu "họ Vin" bị bán tháo trước tin đồn, gây thiệt hại rất lớn cho DN và các nhà đầu tư.

10 tháng năm 2022: Có 527 vụ phạm tội trên không gian mạng

Ngày 29-10, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an thông tin: Trong 10 tháng đầu năm 2022, lực lượng công an đã khởi tố, điều tra 527 vụ phạm tội trên không gian mạng, tăng 144% so với năm 2021.

Với các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, các cơ quan chức năng đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng, gọi, hỏi, răn đe và yêu cầu khắc phục hậu quả với 1.500 đối tượng.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, thời gian tới lực lượng chức năng sẽ tiếp tục làm mạnh xử lý các vấn đề tung tin thất thiệt, tin sai sự thật, tin có chủ đích xấu làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, thị trường chứng khoán, tài chính, ngân hàng.

Xử lý nghiêm đối tượng tung tin thất thiệt

Thị trường trái phiếu, chứng khoán vừa qua rơi vào những cơn chao đảo dữ dội, còn gây hậu quả đến nay sau vụ thao túng chứng khoán, trái phiếu của Trịnh Văn Quyết (FCL) và Tân Hoàng Minh của Đỗ Anh Dũng.

Đơn vị bị thiệt hại điển hình là Công ty CP Chứng khoán VNDirect (VND), với những tin đồn thất thiệt cho rằng công ty này liên quan trong các nghiệp vụ tư vấn, bảo lãnh, phát hành trái phiếu của các DN, khiến cổ phiếu VND giảm mạnh 6 phiên liên tiếp.

Với những tin đồn bất lợi, chỉ trong 6 phiên, giá cổ phiếu VNDirect đã giảm 22%, và thuộc nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường. Tính trong 1 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu VND đã giảm 37%, gấp đôi so với mức giảm của VN-Index là 18%. Một số DN đang có hoạt động tốt cũng vạ lây, khiến cổ phiếu bị bán tháo. Tình hình đó khiến dòng tiền vào chứng khoán giảm kỷ lục, gây ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế.

Các tin đồn xung quanh thông tin về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) gần đây cũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, khiến khách hàng ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng này, gây tâm lý bất ổn trên thị trường ngân hàng, làm mất trật tự an ninh xã hội.

Trong vụ tung tin đồn này, Công an TPHCM đã xử lý một cá nhân có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận với N.T.M.H (SN 1981, ngụ phường Tân Thới Hiệp, quận 12) về hành vi sử dụng tài khoản facebook cá nhân (nick là "M... M...") để đăng tải bài viết có nội dung kêu gọi người dân rút tiền tại Ngân hàng SCB. Tại cơ quan công an, bà H. đã thừa nhận hành vi soạn thảo, đăng tải thông tin trên là sai sự thật, đã tự xóa bỏ các thông tin trên và cam kết không tái phạm.

Thị trường nhạy cảm, cần ứng xử nhanh, hiệu quả

Các chuyên gia cho rằng thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản là những thị trường của niềm tin, rất nhạy cảm với tin đồn, tin giả, các DN rất khó ứng xử nhanh nên hậu quả rất lớn, đặc biệt ở nước ta.

Ứng phó với loại tin này, ngoài yêu cầu các DN phải công khai minh bạch, lên tiếng kịp thời các thông tin chính xác, tin cậy để tạo niềm tin thực sự với công chúng. Đối phó với tin đồn, tin giả cũng giống như việc xử lý khủng hoảng, phải nhanh và hiệu quả, đừng để "ép-phê ngược" - điều mà một tập đoàn lớn vừa rồi đã mắc phải, càng đưa DN lao vào khủng hoảng. Mặt khác, để ngăn chặn những tin đồn thất thiệt, trước hết các cơ quan quản lý nhà nước phải nắm bắt thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng có phát ngôn chính thống để bác bỏ các tin đồn thất thiệt.

Các vấn đề khác như chế tài, xử phạt, chủ yếu là xử lý hành chính như vừa qua chưa đủ sức răn đe. Thậm chí các mức án xử lý hình sự với những người tung tin đồn, tin giả cũng còn thấp, chưa tương xứng với những thiệt hại họ gây ra. Đó là lý do Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải kiên quyết xử lý những ai tung tin đồn, tin giả gây thiệt hại cho nền kinh tế lẫn an ninh quốc gia.

Bình luận (0)

Lên đầu trang