Các dự án chậm tiến độ có xu hướng tăng lên qua từng năm

Thứ Hai, 31/10/2022 10:48  | Thanh Hoà

|

(CAO) Đây là thông tin đưa ra tại báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021, do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày sáng 31/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Báo cáo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) giai đoạn 2016-2021”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, do phạm vi rất rộng nên Đoàn giám sát lần này tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước, tập trung vào 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm.  

Đây là cuộc giám sát có quy mô rộng nên đã huy động một lực lượng lớn tham gia, gồm cả các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các Bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp. Nhiều chuyên gia có chuyên môn sâu đã tham gia vào các hoạt động của Đoàn giám sát.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường

Theo ông Cường, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.

Điển hình như, hàng ngàn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.

Nhiều dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu, vi phạm thủ tục đầu tư.

Nhiều dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó không ít dự án phải xử lý hình sự, đã xét xử. Tỷ lệ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thấp, đặc biệt là vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thời gian hoàn thành, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay...

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng cho biết, nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí.

Cơ bản các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất chậm tiến độ nhiều năm,... rủi ro có thể gây thất thoát, lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến cân đối năng lượng nếu không có giải pháp xử lý kịp thời.

Một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả, sắp xếp lại còn chậm, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Cùng với đó, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm.

Quốc hội thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng (Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí; TPHCM cũng có hàng ngàn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở, 1.274 căn hộ và 1.303 nền đất dùng làm quỹ dự phòng, có gần 5.000 căn hộ và nền đất đang làm thủ tục bán đấu giá).

Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí rất lớn...

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách chỉ rõ, những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân do một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện.

Trong đó, nguyên nhân chính là do kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện chưa nghiêm; nhận thức pháp luật về THTK, CLP của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ; còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương; trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu...

Trách nhiệm chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm tiến độ, chất lượng; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, biên chế, thời gian lao động, đất đai, tài nguyên, khoáng sản không hiệu quả, không đúng mục đích, gây thất thoát, lãng phí.

Các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, giám sát, tham mưu, xử lý các vấn đề liên quan đến công tác THTK, CLP thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương có trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, trong một số trường hợp còn chậm, chưa kiên quyết xử lý các vi phạm và giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp có phần trách nhiệm trong giám sát, kiến nghị và chưa giám sát đến cùng việc thực hiện các kiến nghị trong lĩnh vực THTK, CLP...

Bình luận (0)

Lên đầu trang