(CAO) Những gì chưa hợp lý về giờ vào học, ảnh hưởng đến sức khỏe, kết quả kỳ học của học sinh và gây khó khăn cho việc đi lại của cha mẹ thì nhất thiết phải điều chỉnh. Cách làm của TPHCM là khảo sát ý kiến, quyết định theo đa số ý kiến 93% người được hỏi để điều chỉnh lại giờ học cho học sinh là hợp lý.
Chiều 29/10, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ, thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm, cùng những vấn đề mà dư luận xã hội và báo chí quan tâm.
Trả lời câu hỏi về việc thay đổi giờ vào học và tan học của học sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, chúng ta đã thấy việc tưởng chừng là nhỏ khi điều chỉnh giờ học của học sinh nhưng nó có tác động rất lớn.
Chúng ta biết số giờ ngủ của học sinh là rất quan trọng đối với việc học tập và việc này phải nghiên cứu rất kỹ, bởi nó không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh.
Hiện nay, theo nhiều nghiên cứu, không chỉ học sinh ở Việt Nam mà học sinh trên thế giới có xu hướng đi ngủ muộn. Vì vậy nếu như đi học sớm thì sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập. Tất nhiên điều này còn tùy theo từng địa phương, thời tiết theo mùa.
Ví dụ như ở châu Âu, học sinh và sinh viên thường bắt đầu giờ học rất muộn. Và cũng giống như ở Việt Nam, thời tiết mùa đông cũng khác thời tiết mùa hè nên có nơi điều chỉnh giờ học cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn
Thứ hai, việc này là còn liên quan đến giờ làm việc của cha mẹ, giờ hành chính ở các địa phương.
Theo quy định về phân cấp quản lý nhà nước thì việc quyết định giờ học ở các địa phương thời gian qua nhìn chung là tương đối phù hợp.
Vừa rồi cũng có nhiều ý kiến của các phụ huynh, đặc biệt là ở TPHCM, phản ánh việc thay đổi giờ học, và Sở Giáo dục và Đào tạo của TP đã có quyết định điều chỉnh khung thời gian học của học sinh.
Theo chúng tôi, những gì chưa hợp lý về giờ vào học, ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến kết quả kỳ học của học sinh và gây khó khăn cho việc đi lại của cha mẹ thì nhất thiết phải điều chỉnh. Cách làm của TPHCM là khảo sát ý kiến, quyết định theo đa số ý kiến 93% người được hỏi để điều chỉnh lại giờ học cho học sinh là hợp lý. Tất nhiên là tùy từng địa phương, tùy tình hình giao thông, như ở Hà Nội hay các vùng nông thôn thì lại khác. Vì vậy, ở các địa phương cần có khảo sát, đánh giá kĩ.
Trong việc liên quan đến giao thông như ở Hà Nội này thì theo chúng tôi, ưu tiên giờ học của học sinh trước, từ đó tính toán, điều chỉnh giờ làm việc của viên chức, công chức.
Hoàn toàn chủ động trong quyết sách tăng lương cơ sở
Trả lời câu hỏi của PV về chuẩn bị nguồn lực để tăng lương cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc chuẩn bị nguồn lực tài chính cho việc tăng lương cơ sở, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành địa phương phải bố trí nguồn lực tài chính để sẵn sàng khi cấp có thẩm quyền quyết định chính sách cải cách tiền lương. Giải pháp nguồn lực tài chính là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi.
Từ khi triển khai nhiệm vụ này, tính đến hết năm 2021, theo số liệu từ các địa phương Bộ Tài chính đã tổng hợp, nguồn từ ngân sách địa phương đạt khoảng trên 290.000 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43.000 tỷ đồng.
Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, theo phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở đã được Chính phủ trình Quốc hội, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội... do Ngân sách Nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở sẽ cần khoảng 60.000 tỷ đồng.
Với nguồn lực hiện có, chúng ta hoàn toàn chủ động trong quyết sách tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua.