Sẽ sớm trình Nghị quyết về phát triển TPHCM năm 2030 hướng đến năm 2045

Thứ Bảy, 29/10/2022 06:32

|

(CAO) Chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển năm 2023; tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - TPHCM

Kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) kiến nghị cần thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế. Lí do, vì chúng ta đã đưa ra 3 đột phá chiến lược, nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhiều nhiệm kỳ Quốc hội nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết căn bản, trong khi đó thể chế là nền tảng của kiến tạo và phát triển trong quản trị quốc gia.

Cũng trong chiều 28/10, giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn các ĐBQH đã thấu hiểu những khó khăn, thách thức, chia sẻ những khó khăn vất vả, chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho ngành y tế, giáo dục.

Theo Phó Thủ tướng, kỳ vọng vào giáo dục, y tế luôn rất lớn. Ngành y tế, giáo dục phải cân đối, đảm bảo giữa kỳ vọng của người dân và khả năng của nền kinh tế; đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế; quản trị các cơ sở giáo dục, y tế, thúc đẩy ở cả khu vực công và tư.

Về tự chủ y tế và giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất khó khăn. Chúng ta đã có kinh nghiệm đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, sau 30 năm đã giảm từ 10.000 doanh nghiệp Nhà nước xuống còn dưới 1.000, và có đến hơn 700.000 doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp về cơ bản không giảm về biên chế, vấn đề đặt ra là phải quản trị tốt các đơn vị sự nghiệp này, trong đó chủ yếu là trường học, bệnh viện.

Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay, chúng ta đang có cách làm khác so với thế giới, và thực tế đã chỉ ra rằng, cách làm của thế giới là đáng học tập: quản trị bệnh viện và trường học là xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, phát huy tính chủ động, sáng tạo từ cơ sở, từ đó được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư, về thu chi. Vì chúng ta thiếu kinh phí, nên đã lấy tài chính làm yếu tố đầu tiên, nếu lo hết được chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên thảo luận chiều 28/10

Sẽ sớm trình Nghị quyết về phát triển TPHCM năm 2030

Là đại biểu phát biểu cuối cùng, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM), nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM đề cập đến thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. ĐB cho rằng, sự quan tâm của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ để ra đời Nghị quyết số 54 có tác dụng rất quan trọng với phát triển TPHCM gần 5 năm qua. Nếu không có Nghị quyết 54, tình hình về mặt xã hội, phòng, chống dịch, phát triển kinh tế của Thành phố không được như ngày nay.

Tuy nhiên, đến nay kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Theo đó, lý do khách quan là do 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, sự phối hợp của các bộ ngành Trung ương còn hạn chế; còn lý do chủ quan là do có những giai đoạn, những công việc thành phố chưa làm quyết liệt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ đồng tình TPHCM phối hợp với các bộ ngành Trung ương thực hiện tiếp cho đến cuối năm 2023. TPHCM đang tích cực chuẩn bị cùng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị để có Nghị quyết về phát triển thành phố năm 2030 hướng đến năm 2045. Khi có nghị quyết này, trong thời gian sớm nhất sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội tại phiên họp bất thường sớm nhất nhằm phát huy những mặt tích cực, đặc biệt là nội dung liên quan đến mô hình chính quyền đô thị.

ĐBQH TPHCM dự phiên thảo luận

Bên cạnh đó, TPHCM phải cam kết mạnh hơn nữa, trở thành nơi điển hình giải quyết những khó khăn chung trên cả nước trên địa bàn thành phố như đầu tư công, nhà ở xã hội, phát triển giao thông, khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu, phát triển nhân lực khoa học công nghệ và kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 2 ngày làm việc sôi nổi, đã có 85 đại biểu phát biểu, 8 ý kiến ĐBQH tranh luận, 40 ĐBQH đã đăng ký nhưng chưa có thời gian phát biểu, 10 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng đã tham gia phát biểu, giải trình làm rõ nhiều vấn đề được cử tri, các ĐBQH quan tâm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ và đưa vào các nội dung quan trọng về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước vào Nghị quyết của Quốc hội; đưa nội dung tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vào Nghị quyết chung của kỳ họp, gửi ĐBQH cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Bình luận (0)

Lên đầu trang