Cần có ngay biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị

Thứ Sáu, 28/10/2022 09:46

|

(CAO) Những thành phố lớn được đầu tư hiện đại đều lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập lụt lớn, đại biểu Quốc hội đề nghị có giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng này.

Tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, sáng nay (28/10), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) bày tỏ sự tán thành với những đánh giá tích cực trong báo cáo của Chính phủ.

Ông cũng nhất trí với những khuyến cáo, kiến nghị dựa trên những quan sát khoa học, khách quan trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

“Tôi đề nghị Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng quan tâm sâu hơn những ý kiến này, và có sự chỉ đạo đúng mức để có giải pháp vừa duy trì được ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, vừa không bị bất ngờ, bị động trước những rủi ro, nguy cơ đã được cảnh báo” - ông Nghĩa nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận

Trong những kiến nghị của cá nhân, đại biểu của TPHCM đề nghị Chính phủ có ngay biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị, là vấn nạn đang gây thiệt hại lớn về người và của, cản trở cuộc sống và hoạt động hàng ngày của hàng chục triệu người dân.

“Ngập lụt xảy ra ở hầu hết các đô thị du lịch của Việt Nam, từ Quảng Ninh đến Hà Nội và TPHCM, suốt các tỉnh miền Trung, cả những đô thị miền núi như Hà Giang, Sơn La, Đà Lạt, Kon Tum và cả đảo ngọc Phú Quốc” – ông Nghĩa phản ánh. Với thực trạng này, ông thắc mắc “làm sao chúng ta có thể khôi phục được tăng trưởng du lịch trở về thời kỳ trước COVID, hay hoàn thành chỉ tiêu thu hút hơn 8 triệu khách du lịch quốc tế năm 2023?”.

Cũng trăn trở với vấn đề này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chỉ ra, không chỉ lũ lụt miền Trung, sạt lở, lũ quét vùng miền núi, xói lở bờ sông, bờ biển, nước triều dâng thường xuyên, gần đây, những thành phố lớn được đầu tư hiện đại đều lần lượt xuất hiện ngập lụt lớn.

Ghi nhận Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống, ứng phó với biến đổi khí hậu, đầu tư rất nhiều cho hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, nhưng theo đại biểu Thắng, điều đó dường như chưa đủ trước hình thái biến đổi khó lường của thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan, luôn chực chờ, đe dọa.

Đai biểu Hoàng Đức Thắng nêu ý kiến

“Trong thiết kế kỹ thuật mỗi công trình hạ tầng kinh tế đô thị, chúng ta đã quá ít chú ý đến hạ tầng thoát nước, thoát lũ hoặc vì những lợi ích trước mắt mà bỏ qua những hệ lụy có thể mang đến trong dài hạn. Mỗi con đường mở ra như những con đê chắn nước, ngăn thoát lũ, mỗi khu dân cư, công trình đô thị mọc lên luôn rình rập sự quá tải, bất cập của hệ thống thoát nước” – ông Thắng nói.

Đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp, đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ hơn tình hình triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050.

Trước mắt, theo đại biểu của Quảng Trị, cần tập trung nguồn lực giải quyết cho được bài toán về chống ngập lụt tại các đô thị; xói lở, sạt lở ở vùng miền núi, vùng ven biển, ven sông.

“Trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương tới đây nhất thiết phải đặt trọng tâm nhiệm vụ phát triển đi đôi với thích ứng với biến đổi khí hậu, dự báo tầm nhìn dài hạn, giải pháp khả thi nhất có thể và xem đây chính là động lực cho sự tăng trưởng” – ông Thắng yêu cầu.

Chung góc nhìn, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị Chính phủ sớm kiện toàn ban chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp theo dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Tăng cường chỉ đạo công tác rà soát, cập nhật kịch bản phương án ứng phó với thiên tai.

Vẫn theo bà Tô Ái Vang, Chính phủ cần tăng cường chuyển đổi số hỗ trợ đầu tư, việc ứng dụng công nghệ cho các địa phương còn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở 4 vùng lũ lụt trong công tác nắm tình hình, làm tốt công tác dự báo và chỉ đạo trực tuyến để kịp thời ứng phó với thiên tai…

Đề nghị làm rõ xăng dầu "thiếu thật hay thiếu giả"

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu lại những bất cập trên thị trường xăng dầu thời gian qua. Dẫn thực tế “chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia; hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%”, đại biểu thắc mắc tại sao lại để xảy ra hiện tượng “hết xăng” tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, TPHCM.

Đại biểu của Điện Biên đề nghị làm rõ, việc xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả, cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá để có giải phá căn cơ, lâu dài.

Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị làm rõ xăng dầu "thiếu thật hay thiếu giả"

Nhấn mạnh xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia, nữ đại biểu lưu ý, giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân.

“Giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, có tăng trưởng kinh tế và nhà nước lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế” – bà Yên nhận định, đồng thời cho rằng, cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường này là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Cho rằng tình hình thiếu hụt xăng dầu xảy ra vừa qua cho thấy sự lúng túng trong xử lý tình huống của các bộ, ngành liên quan trong trách nhiệm quản lý nhà nước, đại biểu Huỳnh Thị Kim Bé (Kiên Giang) chỉ ra sự lúng túng thể hiện “từ việc quy định tính đúng, tính đủ đối với giá xăng dầu đến việc điều tiết nguồn cung của các doanh nghiệp đầu mối”.

Việc này, theo đại biểu Bé, đã làm cho Nhân dân, doanh nghiệp bức xúc, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. “Hiện tượng này vẫn còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm” – bà Bé nêu rõ.

Phiên thảo luận tại hội trường ngày 28/10

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết, cử tri rất băn khoăn trước tình trạng giá xăng dầu, đặc biệt là công tác điều hành nguồn cung không ổn định, dẫn đến tình trạng một số cửa hàng xăng, dầu đóng cửa.

“Điều này chỉ xảy ra ở một vài tỉnh, thành nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của người dân, khiến cử tri và Nhân dân rất băn khoăn, lo lắng” – đại biểu Hương nhắc lại.

Phản ánh ảnh hưởng từ giá xăng dầu, đặc biệt là giá dầu đối với phát triển ngành kinh tế thuỷ sản, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho biết, hiện nhiều ngư dân ra khơi, bám biển cầm chừng hoặc nằm bờ.

“Nguyên nhân là do giá dầu tăng hoặc thu không đủ bù chi” – đại biểu Linh chỉ ra. Bà đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho ngư dân.

Một cách tổng thể, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng cần sớm khắc phục, rút ra các bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng bất cập trên thị trường xăng dầu trong thời gian tới. “Cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu” – ông Ngân nêu giải pháp.

Dự báo giá cả xăng dầu thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, đại biểu của TPHCM kiến nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang