Áp lực lớn khiến cán bộ y tế, giáo dục rời bỏ khu vực công

Thứ Năm, 27/10/2022 17:18

|

(CAO) Bên cạnh nguyên nhân này, thu nhập thấp, không được hưởng chính sách đãi ngộ tương xứng dẫn đến sự “chia tay” của nhân lực hai ngành trên.

Dành phần lớn thời gian thảo luận để nói về tình trạng gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc khu vực công, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng đây là xu hướng không chỉ ở nước ta mà cả ở nhiều nước nước khi có sự chuyển dịch nhân sự ra ngoài khu vực công.

Một trong những nguyên nhân, theo đại biểu, là tiền lương, thu nhập ở khu vực công thường thấp hơn, thường phản ứng chậm trước yêu cầu tăng thu nhập, bởi ràng buộc của các quy định pháp lý, các quy định này lại thường có độ trễ so với yêu cầu của thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của Chính phủ.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu ý kiến thảo luận

Tuy nhiên, đại biểu nhìn nhận, đây chưa phải là căn nguyên duy nhất của vấn đề, bởi có nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc không phải chỉ vì thu nhập thấp mà còn có nguyên nhân khác, bởi áp lực của công việc quá lớn. Trong khi đối với nhiều người trẻ, họ muốn ưu tiên phát triển bản thân hơn là một việc làm, một chỗ ngồi ổn định trong khu vực công.

“Chuyển dịch nhân sự ra ngoài khu vực công vừa thách thức, vừa là cơ hội để Chính phủ đánh giá hiệu quả quản trị của mình” – đại biểu Tô Văn Tám nhận định.

Theo ông, thời gian tới Chính phủ cần thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý và quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp, linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Chia sẻ góc nhìn, địa biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) phản ánh, nhiều cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc có nguyên nhân từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn.

“Nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng” - bà Xương thông tin. Còn với công chức ngành giáo dục, bà nhận định việc thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến áp lực công việc quá lớn.

“Thế nhưng, sự quan tâm đến hai lực lượng này chưa tương xứng đối với công sức họ bỏ ra” - đại biểu Hậu Giang nhận định.

Đại biểu Nguyễn Thu Thuỷ (Bắc Kạn)

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) chỉ ra, bên cạnh nguyên nhân do thu nhập thấp, việc nhân viên y tế nghỉ việc còn do phải chịu áp ực công việc và môi trường công tác.

“Bệnh viện công quá tải, như BV Bạch Mai mỗi ngày có 9.000 người đến khám, 4.000 người điều trị nội trú. Y bác sĩ có mặt từ 6h sáng, khám vài chục, cả trăm bệnh nhân một ngày” – bà Thuỷ than. Trong khi đó, môi trường làm việc lại chưa thực sự tạo cơ hội cho họ cống hiến nên gây tâm tư.

“Việc dịch chuyển nhân lực là bình thường nhưng với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại thì phải đánh giá đúng, đủ nguyên nhân và cần giải pháp căn cơ, chiến lược” – đại biểu Thuỷ lưu ý.

Theo bà, ngành y là ngành đặc biệt, được đào tạo đặc biệt nên cần có đãi ngộ đặc biệt. Do đó, Chính phủ có giải pháp cải thiện môi tường làm việc cũng như có chế độ đãi ngộ hợp lý với họ.

Thiếu giáo viên có nguyên nhân từ tăng dân số tự nhiên

Giải trình về tình trạng dịch chuyển nhân lực ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã nhận được trên 200 ý kiến cử tri bày tỏ băn khoăn, lo lắng về việc thiếu giáo viên và hiện tượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

“Hai việc này khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau” - Bộ trưởng Sơn nhìn nhận.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Trước hết, về việc thiếu giáo viên, Bộ trưởng cho biết từ nay đến năm 2026 cần bù đắp 107.000 người. “Con số này còn có thể biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc chứ không đứng yên. Con số này tính toán cần bù đắp để vừa đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học bình thường và hơn thế là thực hiện các mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng” - Bộ trưởng thông tin.

Nguyên nhân thiếu giáo viên, theo Bộ trưởng Sơn, vốn là do nhiều năm trước đã không đủ giáo viên, do số lượng bỏ việc, giảm biên, nhiều năm không tuyển, tuyển ít hơn nghỉ hưu, do thừa thiếu cục bộ, khó điều tiết, thiếu do tăng dân số tự nhiên…

Từ tháng 9/2015, tổng học sinh có trên 19 triệu nhưng đến 9-2022, số học sinh trên 23 triệu. Trong khi đó số giáo viên cùng 2 thời điểm trên là 1,156 triệu và 1,227 triệu giáo viên.

“Số giáo viên sau 7 năm chỉ nhích hơn 100.000 trong khi học sinh tăng trên 3 triệu” - Bộ trưởng bình luận và chỉ ra đây là thiếu giáo viên do tăng dân số tự nhiên.

Bên cạnh thiếu giáo viên do biến động dân số, Bộ trưởng Sơn cho biết, việc thiếu giáo viên còn do dịch bệnh các trường mầm non đóng cửa rất lớn, do nhu cầu phổ cập mầm non, do thời gian dài không tuyển được, thiếu nguồn tuyển…

Nêu giải pháp, người đứng đầu Bộ GD-ĐT khẳng định một trong những chính sách quan trọng là tăng lương. “Đây là giải pháp quan trọng giải quyết đời sống và tâm lý cho giáo viên yên tâm công tác” – Bộ trưởng nói, đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non.

“Hiện nay phụ cấp này là 35%, vì vậy đề nghị tăng nhóm này tương tự phụ cấp ưu đãi y tế cấp cơ sở lên 100%, nếu không thì tăng tối thiểu lên 70% ngang mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở” – Bộ trưởng Sơn đề xuất.

Tỷ lệ nhân viên y tế trên quy mô dân số tại Việt Nam ở mức thấp

Với ngành y tế, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phản ánh, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành này không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam. Nhưng ở Việt Nam, bà Lan cho biết, làn sóng chuyển dịch nhân lực y tế có những đặc điểm đặc biệt hơn.

“Ví dụ, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ nhân viên y tế trên quy mô dân số ở mức thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới. Hiện chúng ta có khoảng 10 bác sỹ, 3 điều dưỡng/10.000 dân” – bà Lan dẫn chứng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Tình hình nhân viên y tế công nghỉ việc chuyển sang khu vực tư, theo Bộ trưởng Lan, cũng tăng gần đây. Qua rà soát, bà Lan phản ánh, quy mô và phạm vi dịch chuyển diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến, từ cấp y tế cơ sở, trạm y tế đến các bệnh viện địa phương, trung ương, trong đó có nhiều địa phương có số lao động lớn. Đáng chú ý, có nhiều bệnh viện lớn ghi nhận sự dịch chuyển này.

“Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, cùng với việc xây dựng các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” – lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.

Công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc đa số ở độ tuổi trẻ

Bằng một đánh giá tổng thể từ Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn (1,94%). Tuy nhiên, số này tập trung ở lĩnh vực trọng điểm là giáo dục và y tế, nên theo bà Trà, đây là thách thức cho sự nghiệp công, ở những lĩnh vực trực tiếp chăm lo cho nhân tố con người.

Lo ngại nữa, là số nghỉ việc, thôi việc đa số ở độ tuổi trẻ (từ 40 tuổi trở xuống và trên 50% có trình độ đại học). Số nghỉ việc cũng tập trung ở nhiều tỉnh, TP lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có nhiều khu công nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục phát triển.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

“Xét tổng thể, việc chuyển dịch này cũng có yếu tố tích cực để thúc đẩy thị trường lao động phát triển, tạo động lực, cơ hội khu vực công cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách hướng tới sự đổi mới tiến bộ, công bằng, cạnh tranh lành mạnh nguồn nhân lực trong khu vực công” – Bộ trưởng Trà nêu quan điểm.

Dù vậy, bà thừa nhận, số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc hàng loạt trong hơn 2 năm qua là điều cần nhìn nhận nghiêm túc và cũng là vấn đề đáng quan ngại. Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng có nguyên nhân thu nhập, tiền lương của công chức viên chức còn thấp hơn khu vực tư cùng trình độ.

“Áp lực công việc của công chức, viên chức ngày càng cao, nhất là trong lĩnh vực y tế làm việc trong bối cảnh khó khăn, nguy hiểm của đại dịch Covid-19. Giáo dục thì phải đổi mới chương trình, thay đổi phương thức làm việc trong điều kiện đại dịch, trong khi đó điều kiện thực hiện còn nhiều khó khăn” - Bộ trưởng nói.

Theo số liệu tổng hợp của 63 địa phương và các bộ, ngành, từ 1/1/2020 đến 30/6/2022, số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức. Trong đó số công chức là 4.029 người, chiếm 10% tổng số công chức, viên chức thôi việc.

Ở Trung ương, số thôi việc chiếm 18% và 82% ở địa phương. Vùng Đông Nam Bộ chiếm hơn 37,36% tổng số công chức, viên chức thôi việc. Con số này ở vùng ĐBSCL là 22,88%, đồng bằng Vông Hồng là 14,41%, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 10,92%.

Vùng trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Các địa phương có số cán bộ nghỉ việc cao là TPHCM, hơn 6.700 người, Đồng Nai và Hà Nội mỗi nơi hơn 2.000 người. Các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ trong khoảng 800 - 900 người.

Tính theo lĩnh vực thì ngành giáo dục là 16.424 người (41,53%), y tế là 12.198 người (30,84%). Về số tuyển mới, trong 2,5 năm qua, tổng số công chức, viên chức được tuyển dụng là hơn 143.961 người, trong đó hơn 18.867 công chức, 125.104 viên chức. Riêng viên chức giáo dục được tuyển dụng mới là 74.495 người, y tế là 38.147 người.

Bình luận (0)

Lên đầu trang