ĐBQH: Những ‘lãng phí vô hình’ làm mất cơ hội phát triển

Thứ Hai, 31/10/2022 15:58

|

(CAO) Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, những 'lãng phí vô hình' không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm suy yếu bộ máy công quyền.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm qua, các đại biểu Quốc hội đồng tình với báo cáo giám sát. Các đại biểu cũng thống nhất đánh giá, trách nhiệm chính gây ra các tồn tại, hạn chế trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm tiến độ, chất lượng; quản lý, sử dụng ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, biên chế, thời gian lao động, đất đai, tài nguyên, khoáng sản không hiệu quả, không đúng mục đích, gây thất thoát, lãng phí.

Các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, giám sát, tham mưu, xử lý các vấn đề liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương có trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, trong một số trường hợp còn chậm, chưa kiên quyết xử lý các vi phạm và giải quyết các vướng mắc phát sinh. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp có phần trách nhiệm trong giám sát, kiến nghị.

Để nâng cao hiệu quả công tác hết sức quan trọng này, Đoàn giám sát cho rằng, biện pháp đầu tiên là phải đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để đây thực sự là một quốc sách hàng đầu.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, những thất thoát, lãng phí mà báo cáo giám sát nêu ra chỉ là bề nổi của tảng băng, một phần của những lãng phí hữu hình mà chúng ta có thể nhìn thấy, đo đếm được.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh)

Theo ông, đằng sau đó là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, nó không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền.

Đó là "lãng phí niềm tin", "lãng phí trách nhiệm”. Chuyện không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm đang gây trì trệ trong bộ máy quản lý hành chính, gây lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

“Đánh giá như vậy không hoàn toàn sai, nhưng tôi cho rằng phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều do nhiều nguyên nhân không được phát huy, bị lãng phí và từ đó gây nên những lãng phí khôn lường, không đo đếm được cho xã hội, cho đất nước”, đại biểu Trần Hữu Hậu bình luận.

Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu của Tây Ninh đề nghị không chỉ dừng ở xử lý những người trực tiếp gây ra sai phạm, lãng phí mà vấn đề căn bản là phải cải tổ bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy.

Nêu một thực tiễn những ngày này, các địa phương đang xây dựng dự toán ngân sách năm 2023, ông Hậu cho biết, rất nhiều địa phương đang phải “đau đầu” trong việc dùng ngân sách thế nào cho có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bức thiết của cử tri, của Nhân dân mà không vi phạm các quy định.

Nhiều công việc cần thiết nên làm bằng kinh phí chi thường xuyên để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, đáp ứng mong mỏi của cử tri, nhưng theo quy định thì phải sử dụng nguồn đầu tư công với quy định nhiều thủ tục nhiêu khê, nhiều công sức, thời gian không tương xứng với số vốn cần sử dụng cho công việc ấy. Khi dùng nguồn chi thường xuyên, họ biết làm như vậy là phù hợp, là hiệu quả nhưng lại nơm nớp lo bị kiểm điểm, bị xuất toán.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Hậu cho biết, Bộ Tài chính đã soạn một tờ trình rất công phu và nếu được thì hoàn thiện hồ sơ trình ra Kỳ họp thứ 4 này để Quốc hội ban hành 1 nghị quyết về bổ sung quy định sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hằng năm nhằm khắc phục những bất cập trong việc triển khai thực hiện các vấn đề liên quan trong khi chưa sửa được Luật Đầu tư công.

Chung quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, còn có những lãng phí vô hình mà chính sách, pháp luật, kể cả báo cáo chưa đề cập và khó mà đo đếm được.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)

Ông Nhân chưa đồng tình với báo cáo về đánh giá “nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận, sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền”.

Đại biểu này cho rằng, nhận định trên chưa lấy thực tế làm thước đo để đánh giá và đặc biệt là các tỉnh, thành kinh tế phát triển thì việc bổ đồng biên chế mà không tính đến quy mô dân số, quy mô kinh tế phải chăng đã làm cho "cán bộ, công chức 3 năm chưa được nghỉ phép, không có ngày nghỉ", như lời tâm sự của một vị lãnh đạo phường trên địa bàn TPHCM.

“Mặc dù, sau 7 năm đại phẫu biên chế nhưng TPHCM hiện vẫn dôi dư 5.700 người và là địa phương xếp thứ tư có tỷ lệ người dân trên cán bộ cao nhất nước. 5.700 trường hợp dôi dư chưa được công nhận này đã cùng với hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp TP đang đóng góp gần 30% ngân sách quốc gia, hơn 20% GDP cả nước trong nhiều năm qua thì liệu chúng ta đã thực sự đồng cảm với những khó khăn của TP lẫn các địa phương phát triển hay chưa?”- Đại biểu Phan Trọng Nhân bày tỏ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang