Sáng nay (01/11), tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết 01 tháng thực hiện Kế hoạch 6674/KH-C06-TTDLDC ngày 02/10/2022 về mở đợt cao điểm “90 ngày, đêm" triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06/CP; triển khai cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến toàn quốc từ điểm cầu Hà Nội tới điểm cầu Công an các địa phương. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an; tại điểm cầu Công an các địa phương có lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công an các quận, huyện...
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Công an TPHCM có Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CATP; Thiếu tướng Trần Đức tài, Phó Giám đốc CATP, cùng đại diện các phòng chức năng, Công an các quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Công an TPHCM
Báo cáo tóm tắt kết quả 1 tháng thực hiện Kế hoạch 6674/KH-C06-TTDLDC tại Hội nghị nêu rõ, đến nay có 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch trên. Hiện số lượng hồ sơ dịch vụ công về cư trú có 3.315.544 hồ sơ trực tuyến, 6.856.506 hồ sơ trực tiếp. Trong đó, địa phương có tỷ lệ trực tuyến cao là tỉnh Long An, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Tổng số công dân đã được đồng bộ thông tin Bảo hiểm xã hội là 27.485.278 công dân; đồng bộ mũi tiêm của Bộ Y tế là 102.004.566 công dân. Về kết quả cấp căn cước công dân (CCCD) và tài khoản định danh điện tử, Công an các địa phương đã cấp 1.311.523 trường hợp đến độ tuổi cấp CCCD.
Năm 2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nên đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác này.
Tính đến tháng 10/2022, đã vận động thu hồi 13.724 khẩu súng các loại; lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 1.943 vụ, 3.687 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thu 1.005 khẩu súng các loại; phát hiện, bắt giữ 2.887 vụ, 3.400 đối tượng vi phạm về pháo, thu 35,4 tấn pháo...
Các đại biểu dự hội nghị
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá, phân tích kết quả thí điểm công tác triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch, triển khai dịch vụ công tại các khu chung cư; triển khai các giải pháp về hạ tầng, đảm bảo an ninh, an toàn; công tác triển khai thực hiện số hóa tàng thư hồ sơ hộ khẩu...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên các vấn đề về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Các đại biểu tham luận tại hội nghị
Báo cáo tham luận tại hội nghị, Công an Q.Gò Vấp, TPHCM cho biết, để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trong khoảng thời gian khá hạn hẹp, Công an quận đã rà soát, bố trí trang thiết bị, nhân sự hợp lý với chủ trương tăng cường tối đa cán bộ, thiết bị để thực hiện công tác số hóa tàng thư hộ khẩu; làm việc liên tục từ 7 giờ sáng đến 22 giờ hàng ngày, kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ. Phân công trách nhiệm rõ ràng từ Ban chỉ huy Công an quận, Ban chỉ huy Đội Cảnh sát QLHC, Ban Chỉ huy Công an phường đến từng CBCS, phân công chỉ tiêu cụ thể ít nhất 200 hồ sơ/máy/ngày, làm hết việc chứ không hết giờ.
Đại diện Công an Q.Gò Vấp báo cáo tại hội nghị
Việc số hoá tàng thư được thực hiện cuốn chiếu từng phường để thuận lợi trong việc sắp xếp tài liệu, bố trí cán bộ. Đến ngày 12-10-2022, Công an Q.Gò Vấp đã hoàn thành việc số hoá tàng thư hộ khẩu 118.296/118.296 hồ sơ hộ khẩu, đạt tỉ lệ 100%, sớm hơn 3 ngày so với chỉ tiêu Công an TP giao.
Từ thực tế công việc thực hiện, theo đại diện Công an Q.Gò Vấp, việc số hoá tàng thư hộ khẩu còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: hồ sơ tài liệu trong tàng thư hộ khẩu đã cũ, nhiều loại giấy tờ do để lâu nên có dấu hiệu hư hỏng, mờ nhòa, không rõ thông tin. Bên cạnh đó, một số giấy tờ có khổ lớn hơn khổ A4 mà máy scan chỉ scan được tài liêu giấy khổ A4 nên phải phôtô sang giấy A4 rồi mới scan, tốn rất nhiều thời gian, công sức.
Cán bộ thực hiện công tác số hóa tàng thư chủ yếu là cán bộ trưng dụng của Công an phường, không có kinh nghiệm trong công tác tàng thư hộ khẩu, phải hướng dẫn, tập huấn từ đầu nên không thành thạo trong công việc… Công an Q.Gò Vấp kiến nghị tăng cường trang thiết bị, nhất là máy scan phù hợp để phục vụ công tác số hóa tàng thư; sử dụng webcam để chụp hình tài liệu thay cho máy scan để tránh làm hư hỏng tài liệu.
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc ghi nhận, biểu dương Công an các đơn vị, địa phương đã nỗ lực, cố gắng đưa ra những cách làm hay, giải pháp đột phá trong triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, cấp CCCD, định danh điện tử, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, pháo.
Trong thời gian tới, đối với việc thực hiện đợt cao điểm “90 ngày đêm triển khai các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị người đứng đầu Công an các cấp phải củng cố và duy trì quyết tâm chính trị cao trong thực hiện Đề án 06, cần xác định đây là trách nhiệm pháp lý, mệnh lệnh công tác và danh dự của lực lượng Công an.
Các đơn vị chức năng tham mưu với lãnh đạo Bộ Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật theo lộ trình của Đề án, trước mắt là đối với vấn đề đảm bảo các điều kiện thực hiện Luật cư trú về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022, đôn đốc các bộ, ngành tham gia ý kiến, gửi Bộ Tư pháp thẩm định để trình Chính phủ ban hành trong tháng 12/2022.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu kết luận Hội nghị.
Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 11 dịch vụ công của lực lượng Công an trong 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06; chủ động rà soát các dịch vụ công tại cấp huyện, cấp xã để thống nhất tập trung, giải quyết; tăng tỷ lệ % dịch vụ công trực tuyến.
Đồng chí Thứ trưởng cũng đề nghị, Công an các địa phương đẩy mạnh việc cấp CCCD gắn chip điện tử cho công dân hoàn thành theo lộ trình đã đề ra, sau đó duy trì thường xuyên. Đồng thời, lưu ý công tác kiểm soát việc cấp, trả, hủy, đổi thẻ CCCD, không để xảy ra tình trạng thẻ CCCD đã cấp nhưng không đến được tay người dân hoặc người dân phải chờ đợi rất lâu mới có thẻ CCCD.
Về thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, Công an các đơn vị, địa phương nắm tình hình, triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, trong đó, tập trung vào hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên tuyến biên giới, không gian mạng, dịch vụ bưu chính, phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, Công an cấp huyện, cấp xã xây dựng phương án cụ thể tổ chức tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, lập chốt, nhất là tại các địa bàn đã xảy ra đốt pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 hoặc dự báo tình hình để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về pháo, không để tái diễn tình hình phức tạp về an ninh trật tự và đốt pháo trái phép...
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra khẩn trương phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tiến hành điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 theo thủ tục rút gọn và xét xử điểm, lưu động để tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa chung.