Đại biểu Quốc hội:

"Kể cả khi giá xăng tăng cũng không có hiện tượng bất thường như hiện nay"

Thứ Tư, 02/11/2022 15:52

|

(CAO) Theo ĐBQH Trần Văn Lâm, kể cả khi nguồn cung thế giới lên cao, giá tăng xăng, dầu khan hiếm cũng không có hiện tượng bất thường như hiện nay. Trong điều kiện giá dầu thế giới tương đối hài hòa mà thị trường trong nước lại xảy ra những điều bất thường thì phải làm rõ căn nguyên.

Tình trạng khan hiếm xăng, dầu tại một số địa phương vẫn tiếp tục diễn ra, dù giá bán các mặt hàng này đã được điều chỉnh tăng lần thứ ba liên tiếp.

Trao đổi về việc này bên hành lang Quốc hội hôm nay (2/11), đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trước hết phải xem xét thực tế nguồn cung xăng, dầu có đủ hay không. Nếu không và có sai lệch với nhu cầu diễn biến thị trường thì phải có giải pháp điều tiết.

“Cần đảm bảo nguồn nhiên liệu phải đáp ứng nhu cầu và có dự trữ nhất định, không để đứt gãy như hiện nay” – đại biểu nói. Ông nhận định, việc nhiều cây xăng đóng cửa hoặc bán hàng nhỏ giọt là “hiện tượng bất thường”.

Đại biểu Trần Văn Lâm

“Kể cả khi nguồn cung thế giới lên cao, giá tăng xăng, dầu khan hiếm cũng không có hiện tượng bất thường như hiện nay. Trong điều kiện giá dầu thế giới tương đối hài hòa mà thị trường trong nước lại xảy ra những điều bất thường như vậy thì phải làm rõ căn nguyên, lý do” – ông Lâm nêu quan điểm.

Từ việc này, đại biểu đề cập đến trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước trong nắm bắt thông tin, điều phối thị trường và nguồn cung một cách hài hòa, hợp lý.

“Để xảy ra đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung cũng là trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước” – ông Lâm khẳng định.

Mặc dù việc quản lý xăng, dầu có trách nhiệm phối hợp của nhiều bộ, ngành, song đại biểu Trần Văn Lâm, trách nhiệm chính là của Bộ Công Thương, không thể “đùn đẩy cho bộ nọ, bộ kia”.

“Vấn đề là Bộ Công thương có kịp thời nhạy bén, đầy đủ thông tin, căn cứ để điều tiết thị trường này hay không? Cái gì vướng thì Bộ cần đề xuất lên cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo” – vị đại biểu của Bắc Giang đặt vấn đề.

Chỉ ra vấn đề của thị trường xăng, dầu hiện nay là do chiết khấu, ngoài ra còn do điều tiết nguồn cung, ông Lâm nêu rõ: “Trước đây, doanh nghiệp nhập hàng nhưng giá cao và họ chần chừ, giờ thì hàng không về kịp nên bị thiếu. Nhưng với chức năng quản lý nhà nước phải giải quyết được vấn đề này”.

Cũng nhận định “lỗi” cơ chế quản lý khi để xảy ra đứt gãy nguồn cung xăng, dầu, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích: “Chiết khấu xuống quá thấp, chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời, khiến doanh nghiệp bị thua lỗ, đương nhiên họ dừng lại. Nhưng vấn đề ở đây là sự phối hợp quản lý chưa tốt giữa hai cơ quan quản lý là Bộ Công Thương về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính trong quản lý giá, chi phí”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường 

Về lâu dài, theo đại biểu Cường  cần để mặt hàng này thị trường hoàn toàn; đa dạng hoá tổ chức kinh doanh phân phối xăng dầu…

Nói về đề nghị của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc là giao quản lý xăng, dầu về một đầu mối là Bộ Công Thương, cả 2 đại biểu đều khẳng định là “hợp lý”.

Ông Trần Văn Lâm chia sẻ, Luật Giá đang được sửa đổi theo hướng tăng phân cấp, phân quyền quản lý với một số mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý về bộ, ngành liên quan, chứ không tập trung hết về đầu mối quản lý giá là Bộ Tài chính.

“Ví dụ giao Bộ Công Thương quản lý về xăng dầu là hợp lý, sẽ giúp giảm tải đầu mối” – đại biểu Lâm nói.

Tương tự, đại biểu Hoàng Văn Cường khuyến nghị, ngoài quản lý nguồn cung, Bộ Công Thương cần tính toán xem chi phí kinh doanh xăng dầu, còn Bộ Tài chính có quyền kiểm tra, giám sát qua các tiêu chí, tiêu chuẩn.

“Nên tập trung quy trách nhiệm một đầu mối quản lý xăng dầu” – ông Cường góp ý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang