Trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội

Thứ Năm, 03/11/2022 16:49

|

(CAO) Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chiều nay (3/11), Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Lệ phản ánh, việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa, do vậy, việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc phần lớn vào các chủ đầu tư dự án.

Theo bà Lệ, quy định pháp luật về nhà ở chưa đảm bảo cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội và chưa nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án. Vì thế, nguồn cung nhà ở xã hội còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ chất vấn Bộ trưởng Xây dựng

“Thời gian tới, Bộ Xây dựng có ban hành hoặc đề xuất ban hành chính sách gì để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội?” – bà Lệ nêu câu hỏi.

Nữ đại biểu cũng yêu cầu Bộ trưởng nêu giải pháp để đảm bảo hiệu lực trong thực hiện các quy định về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư và đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động có thu nhập thấp.

Trả lời đại biểu Lệ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, ông thừa nhận, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể là vướng mắc về pháp lý, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật liên quan.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn chiều 3/11

Khó khăn nữa, theo ông Nghị, là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất...

Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nghị cho rằng, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.

Chung mối quan tâm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu rõ, mục tiêu nhà ở xã hội hướng tới người lao động có thu nhập thấp và giải quyết nhà giá rẻ là điểm mấu chốt chính sách nhở cho công nhân, người lao động.

Thế nhưng, theo đại biểu, mục tiêu trên còn khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động.

“Một số liệu cho thấy, giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/m2, có nơi từ 21 đến 25 triệu đồng/m2” – ông Tám nêu thực tế và đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này.

Đại biểu của Kon Tum hỏi Bộ trưởng có thể đưa giá nhà ở xã hội phù hợp với khả năng của công nhân, người lao động có thu nhập thấp hay không?

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu câu hỏi

Hồi âm, “tư lệnh” ngành Xây dựng khẳng định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu và giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao.

Nguyên nhân, theo ông Nghị, là chưa đảm bảo được nguồn cung nhà ở xã hội. Thêm vào đó, quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo, chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi; khâu tổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo…

Giải pháp, ông Nghị nêu ra, cần điều chỉnh pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội. “Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp” – ông Nghị nói.

Liên quan đến việc hỗ trợ phát triển nhà cho các đối tượng ưu tiên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết, chương trình này đang gặp khó khăn do tình trạng giá nhân công, vật liệu xây dựng tăng cao.

“Mức hỗ trợ các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng ưu tiên đã bị lỗi thời, khó đáp ứng được nhu cầu” – đại biểu Cảnh thông tin. Ông đề nghị Bộ trưởng Nghị đưa ra hướng hỗ trợ các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng ưu tiên trong thời gian tới?

Nhìn nhận thời gian qua, các chương trình hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng ưu tiên được triển khai đạt hiệu quả cao, góp phần hỗ trợ cải thiện chất lượng nhà ở cho các đối tượng chính sách, song theo Bộ trưởng Nghị, tình trạng tăng giá vật liệu, nhân công đã ảnh hưởng và không đáp ứng được chương trình này.

“Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng kết chương trình hỗ trợ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương để xây dựng chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người có công, người nghèo đảm bảo đáp ứng yêu cầu” – ông Nghị phản ánh.

Hiện Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo chính xác theo hướng tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng này.

Tham gia giải trình cùng Bộ trưởng Xây dựng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng làm rõ thêm  thêm về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng để xây dựng, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bà Hồng cho biết, việc điều hành tiền tệ phải lấy mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu

Với tín dụng cho nhà ở xã hội, bà Hồng cho biết, Nghị định 100 của Chính phủ và Nghị định 49 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội làm đầu mối, thực hiện cho vay nhà ở xã hội, một số tổ chức tín dụng được chỉ định cũng tham gia chương trình này.

Tới nay, chương trình vay nhà ở xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 10.584 tỷ đồng, dư nợ tới 30/9 là 9.147 tỷ đồng. Còn các tổ chức tín dụng được chỉ định thì hiện chưa giải ngân được, do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí cho họ.

Theo bà Hồng, thời gian tới, chính sách tín dụng cho bất động sản vẫn sẽ được điều hành trong khuôn khổ, theo mục tiêu của chính sách tiền tệ nói chung, ưu tiên ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống ngân hàng.

"Các công cụ, giải pháp tín dụng cho bất động sản sẽ được cân nhắc trong tổng thể công cụ khác, để đạt mục tiêu của chính sách tiền tệ" - bà Hồng thông tin.

Bình luận (0)

Lên đầu trang