Đề nghị làm rõ “giá đất sát thị trường thì giá thị trường là giá nào?”

Thứ Năm, 03/11/2022 15:05

|

(CAO) Theo ĐBQH, có các loại đất khác nhau, nếu không có một định hướng về giá, việc xác định giá đất là rất khó.

Trong phiên làm việc sáng 3/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cho ý kiến về dự luật này, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) cho rằng, một trong những mong muốn khi sửa luật là mong muốn bảo đảm cân bằng giữa các lợi ích, giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

“Vậy chỗ này phải tính để bảo đảm hài hoà” – đai biểu Trần Công Phàn góp ý.

Đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương)

Dẫn chứng việc giải toả để làm đường, nhiều nhà dân ở mặt đường với giá trị vài chục triệu/m2, khi giải tỏa phải chuyển về khu tái định cư và nhiều nhà bên trong được ra mặt đường, ông Phàn cho rằng như vậy giá trị là không tương xứng, không bằng nhà bên trong được ra mặt đường.

“Kinh nghiệm từ một số nước là những người muốn ra mặt đường sẽ phải nộp một khoản tiền và lấy tiền đó cho những người tái định cư. Do vậy khi sửa luật cũng cần tính việc đó nhằm đảm bảo cân đối lợi ích cho người dân” – ông Phàn nêu.

Theo ông, dự luật cần quy định chặt chẽ khi thay đổi quyền sử dụng đất, bởi nhiều trường hợp khi thay đổi mục đích sử dụng đất thì giá đất có thể “nhảy vọt”, nhiều người giàu lên vì đất.

“Thay đổi giá đất dẫn đến mọi việc sẽ khác. Mà thay đổi giá đất liên quan đến vấn đề quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng, giá đất có thể tăng vọt, giàu lên vì đất, chết vì đất, rơi vào lao lý cũng vì đất. Đây là những vấn đề đang hiện hữu và chúng ta phải xử lý” – đại biểu lưu ý.

Đại biểu Phàn cũng đề nghị làm rõ “giá đất sát thị trường thì giá thị trường là giá nào?”.

“Trong đất của chúng ta có các loại đất khác nhau, nếu không có một định hướng về giá, việc xác định giá đất là rất khó” – ông Phàn khuyến cáo.

Cùng bàn về giá đất, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhìn nhận, trước đây, khung giá đất do nhà nước áp đặt. Giờ dự thảo đã bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá theo giá thị trường để tạo ra sự bình đẳng, tiến bộ.

“Điều này nếu thực hiện được sẽ xoá bỏ phần lớn bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện nay. Nếu có bảng giá đất sát giá trị thị trường, đồng thời đền bù thoả đáng cho người dân bị thu hồi đất sẽ giảm khiếu kiện” - ông Cường nhận định.

Đề cập đến các tranh chấp đất đai kéo dài, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho biết, có tới 90% khiếu nại hành chính được giải quyết, 50% tranh chấp về dân sự liên quan đến đất đai.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Chánh án TAND TP.Hà Nội, là do nhiều quy định của Luật Đất đai hiện đã lỗi thời. Cụ thể, cơ chế về giá chưa phù hợp, không đầy đủ, chồng chéo, giá bồi thường quá thấp. Trong khi đó, chênh lệch giữa giá kinh doanh dự án và dự án đền bù, giá giữa thành phố nông thôn, giữa thành phố và các tỉnh lân cận quá lớn.

Giá bồi thường khi thu hồi đất giữa thành thị và nông thôn, theo ông Chính, khá bất cập. Thêm vào đó, cơ chế quản lý đất đai chưa phù hợp, chưa có hướng dẫn cụ thể về phương thức thu hồi. Việc cấp, thu hồi sổ đỏ cũng phát sinh nhiều vướng mắc.

“Có nơi hai nhà sát nhau nhưng có nhà được cấp sổ đỏ, nhà bên cạnh lại không dẫn đến khiếu kiện kéo dài” – ông Chính chỉ ra.

Liệt kê thêm một số nguyên nhân khác, như các quyết định hành chính của Nhà nước về cấp, thu hồi đất có nhiều hạn chế, nơi thu hồi đất xong để cỏ mọc, nơi dân lại không có đất ở, canh tác…, đại biểu Chính khẳng định đây chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai kéo dài liên miên chưa có hồi kết.

Liên quan đến việc thu hồi đất, đai biểu Hoàng Văn Cường phân tích, hiện có 2 phương thức, đó là Nhà nước ra quyết định thu hồi và chủ doanh nghiệp có dự án tự thoả thuận với người dân để thu gom.

“Khi để người dân và nhà đầu tư tự thoả thuận sẽ phát sinh vấn đề, đó là giá cao vọt hơn hẳn so với khi Nhà nước thu hồi, nên xảy ra bất bình đẳng gây khiếu kiện” – ông Cường phản ánh.

Đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, nhà nước đại diện quyền sở hữu thì cũng phải quy định rõ nhà nước đại diện thực hiện quyền sở hữu như thế nào?

“Quyền gì Nhà nước được đại diện thực hiện, quyền gì nhà nước phải xin ý kiến nhân dân. Đây là vấn đề khó nhất phải gỡ” – ông Phàn nêu quan điểm.

Đại biểu Phàn khẳng định, việc trên sẽ liên quan đến thu hồi, giải toả, đền bù, quyền sở hữu, quyền sử dụng, khung giá đất, giá đất...

“Đây là những nội dung chúng ta phải giải quyết ngay từ đầu, từ tư tưởng lớn đó đi vào sửa mới dễ được, còn không giải quyết gốc vấn đề thì sửa cũng chỉ dừng lại ở một mức nào đó” – ông Phàn nói.

Bộ trưởng TN-MT: Giá đất không được mang ý chí chủ quan

Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà cho biết như vậy khi giải trình về các góp ý của đại biểu liên quan đến xác định giá đất.

Bộ trưởng khẳng định, tất cả các phương pháp định giá đất theo quy định hiện nay chưa bao giờ sai. “Đây là thông lệ thế giới. Tiêu chí lựa chọn đã được luật định. Nhưng quan trọng nhất là giá thị trường chúng ta không có” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình tại phiên thảo luận tổ sáng 3/11

Giá sơ cấp, nhà nước giao đất thì chủ yếu cũng không đấu thầu, đấu giá mà giao không thu tiền, tính giá theo bảng, theo khung. Mà khung, bảng đã không theo thị trường rồi thì đây là bất cập rất lớn.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng, việc tính toán thu thuế trên hợp đồng làm cho người dân không bao giờ khai thật giá. Phương pháp mới nhất là phương pháp định giá theo vùng. Chỉ khi có bản đồ về địa chính số và thiết lập được mạng lưới, thu được thông tin về giá đất hàng ngày thì mới định giá chuẩn.

“Trong luật chúng tôi đã chế định người dân phải có trách nhiệm thế nào, quy định phải giao dịch thế nào. Nhà nước phải giao đất chủ yếu qua đấu thầu, đấu giá... Chúng ta làm toàn bộ điều này và có dữ liệu thì chúng tôi dự báo khoảng 5 năm có khả năng thực hiện được” – Bộ trưởng Hà tin tưởng.

Ông cho biết, hiện Sở Tài chính, TNMT TPHCM và Hà Nội đang làm rồi và thực tế đã làm được. “Chúng ta hoàn toàn có phương pháp và hoàn toàn có thể làm được, tất nhiên phải chế định để thông tin này chính xác. Cái quan trọng nhất là giá đất không được mang ý chí chủ quan và mọi phương pháp làm phải là phương pháp thống kê, toán học; độc lập với những người định giá” – Bộ trưởng nêu quan điểm.

Vẫn theo người đứng đầu ngành TNMT, hiện tại vẫn cần hội đồng, cần cơ quan tư vấn, sau tất cả việc này sẽ có phần mềm do Bộ TNMT cùng các chuyên gia định giá quốc tế đưa ra.

“Như thế giá phổ quát trên thị trường không phải là giá mang lý trí của chúng ta, giá thị trường là toàn bộ hệ thống chúng ta thu thập được trên các thửa đất chuẩn và ở các vùng định giá trị mà chúng ta quy định” – ông Hà phân tích.

Theo Bộ trưởng, qua phương pháp thống kê sẽ tìm ra các giá trị mang thể hiện tính ổn định tương đối của thị trường. Còn thực tế, chúng ta không thể có được một giá thị trường duy nhất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang