Hoàn thiện pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù về bảo vệ an toàn, an ninh mạng

Thứ Sáu, 04/11/2022 17:16

|

(CAO) Sáng 04/11/2022, phát biểu theo đề nghị của chủ tọa phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Khóa XV, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã làm rõ 3 vấn đề lớn mà đại biểu Quốc hội quan tâm về: những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng hiện nay và giải pháp giải quyết; tình trạng mua bán trái phép dữ liệu, thông tin cá nhân trên không gian mạng và kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ trưởng Tô Lâm tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, có 5 nhóm vấn đề liên quan đến tồn tại và hạn chế về quản lý nhà nước về an ninh mạng là: Hành lang pháp lý và hệ thống pháp luật về an ninh mạng chưa hoàn thiện; quan hệ phối hợp giữa các bộ ngành địa phương chưa đi vào thực chất, nặng về hình thức, có tình trạng "khoán trắng" nhiệm vụ về bảo vệ an ninh mạng cho các cơ quan chuyên trách; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả; phần lớn các nền tảng mạng xã hội, nhất là mạng xã hội nước ngoài còn thiếu pháp nhân để quản lý; còn nhiều sơ hở với các loại hình dịch vụ tiềm ẩn những nguy cơ tội phạm như tiền ảo, kinh doanh ngoại hối...

Bộ trưởng nêu các giải pháp về quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra một cách linh hoạt, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Tập trung tham mưu để hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực an ninh mạng, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, nâng cao trình độ, năng lực thanh tra kiểm tra để theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ và phòng chống tội phạm trong lĩnh vực an ninh mạng, tăng cường hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm trong vấn đề an ninh mạng.

Về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu và thông tin cá nhân, Bộ trưởng cho biết, thực trạng này đang diễn ra rất phức tạp. Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công an kiến nghị một số giải pháp như: Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù về bảo vệ an toàn, an ninh mạng; các bộ ngành, địa phương chủ động đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng bảo đảm an ninh hệ thống, an ninh thông tin quan trọng; xây dựng chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Đối với công tác kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện nay đã chính thức triển khai kết nối và chia sẻ với cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ này còn gặp một số khó khăn khi hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ ngành, địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa triển khai đầy đủ các phương án bảo đảm an toàn, an ninh mạng để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhiều bộ ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình trên môi trường điện tử. Vì thế, dù đã kết nối nhưng kết quả khai thác còn hạn chế. Thời gian tới sẽ tập trung rà soát kết nối để phục vụ nhân dân trên tinh thần có an toàn mới kết nối được theo nguyên tắc "đúng, đủ, sạch, sống".

Toàn cảnh hội trường buổi chất vấn

Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin thêm về tiện ích tài khoản định danh điện tử được vận hành từ ngày 18/7/2022.

Theo đó, đến ngày 1/11/2022, Bộ Công an đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân Việt Nam. Việc sử dụng tài khoản này giúp người dân, cơ quan quản lý và doanh nghiệp dễ dàng trao đổi thông tin, làm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian. Từ đó, có điều kiện để thực hiện "4 không" là "không tiếp xúc, không giấy tờ, không tiền mặt, không gặp gỡ".

Hồ sơ định danh điện tử tạo thuận lợi khi làm thủ tục, chỉ kê khai một lần, có thể sử dụng thay các giấy tờ tương ứng như thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký xe máy, giao dịch thủ tục hành chính, kiến nghị phản ánh vi phạm pháp luật, báo tin tố giác tội phạm… Doanh nghiệp cũng có thể ký hợp đồng điện tử, giảm chi phí in ấn, tránh giao dịch giả mạo, thủ tục thuận tiện hơn. Cơ quan quản lý giảm chi phí in ấn và tăng tính công khai minh bạch, tiết kiệm thời gian.

Bình luận (0)

Lên đầu trang