Nhận định phát triển đô thị là một nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhưng theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), thực trạng ngập úng đô thị đang xảy ra ở khắp nơi.
“Từ núi cao như Lào Cai, Đà Lạt tới ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, TPHCM, Cần Thơ hay ở giữa như Hà Nội mưa là lụt và không mưa cũng ngập”- đại biểu Lâm than phiền.
Điểm thứ hai gây bức xúc được đại biểu chỉ ra, là tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông do mật độ xây dựng quá cao, không đảm bảo tỷ lệ hạ tầng giao thông với mật độ dân cư ở các đô thị lớn.
Đại biểu Trần Văn Lâm chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị
“Những vấn đề trên đã xuất hiện từ lâu nhưng ngày càng trầm trọng, chưa thấy hướng ra” – đại biểu bình luận và yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng cho biết trách nhiệm quản lý của ngành với những vấn đề này ra sao, trong phiên chất vấn chiều 3/11.
Thừa nhận thực trạng trên gây ảnh nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói, dù các địa phương quan tâm nhưng chưa được giải quyết căn bản vấn đề.
Nguyên nhân, theo Bộ trưởng, có nhiều, nhưng có 5 nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, do tác động của điều kiện tự nhiên biến đổi khí hậu. Thứ hai, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến xây dựng lấp các hồ ao, kênh rạch, diện tích bề mặt bê tông hóa ngày càng tăng, dẫn đến khả năng chứa nước cũng như tiêu thoát nước tự nhiên giảm xuống.
Nguyên nhân nữa, do công tác quy hoạch chưa đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, chưa đáp ứng tầm nhìn, chưa đáp ứng điều kiện phát triển của đô thị ngày càng nhanh chóng.
Các dự án triển khai theo quy hoạch thoát nước được phê duyệt còn hạn chế là nguyên nhân thứ 4 và nguyên nhân cuối cùng là nguồn lực đầu tư để đảm bảo đáp ứng hạ tầng đô thị, trong đó có giao thông, có thoát nước đô thị chưa đảm bảo theo yêu cầu.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trên "ghế nóng" chiều 3/11
Tới đây, với trách nhiệm quản lý nhà nước ngành, Bộ trưởng Nghị khẳng định sẽ tập trung để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch bằng cách rà soát, điều chỉnh các quy hoạch cũng như hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp, không còn khả thi.
“Trong các quy hoạch phải có tính tới yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng và kết hợp với quy hoạch thủy lợi vùng lân cận để hoàn thiện hệ thống, hoàn thiện quy hoạch, cùng với đó là đầu tư hệ thống hạ tầng cho đô thị” – ông Nghị nói.
Được mời tham gia giải trinh cùng Bộ trưởng Nghị, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay, vừa qua Bộ GTVT đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc tăng cường quản lý để đảm bảo kết nối giữa hạ tầng các khu đô thị với hạ tầng giao thông.
“Tuy nhiên, có những nguyên nhân dẫn đến nhiều khu vực bị ngập úng” – ông Thắng nhìn nhận. Theo ông, việc ngập úng hiện xảy ra ở 2 khu vực.
Cụ thể, ở những khu đô thị cũ trước đây, khi xây dựng thường là cốt thấp, sau này khi sửa chữa, đặc biệt là sửa chữa đường thì thường sử dụng các phương pháp thi công cũ, đó là tiếp tục trải thảm lên để đảm bảo cho chất lượng của đường, chính vì thế cốt của đường trong các khu đô thị cao hơn cốt nhà và dẫn đến việc ngập úng.
Thứ hai, Bộ trưởng GTVT chỉ ra, hệ thống cống rãnh của các khu đô thị cũ không được đồng bộ, thường nhỏ cho nên không đáp ứng được yêu cầu.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng "chia lửa" cùng Bộ trưởng Xây dựng
“Tôi được biết, Bộ Xây dựng đã có những chỉ đạo để áp dụng các phương thức mới. Thay vì trước đây cứ đường hỏng chúng ta lại tiếp tục trải lên, dẫn đến cốt đường cao hơn cốt nhà, giờ chúng ta sử dụng phương pháp cào bóc và tái sinh, tức là đường cũ hỏng thì bóc ra sau đó mới tái chế và trải xuống” – ông Thắng thông tin.
Ở những khu vực đô thị mới, theo người đứng đầu ngành GTVT, ngập úng chủ yếu là do kết nối giữa hạ tầng khu đô thị với hạ tầng giao thông và các hạ tầng kỹ thuật khác không được đồng bộ.
“Như khu đô thị xây dựng ở những khu vực mà hệ thống đường sá chưa có cầu cống” – Bộ trưởng Thắng nếu ví dụ.
Ngoài ra, ông Thắng chỉ ra, quá trình quản lý vận hành cũng không quan tâm nhiều đến việc xử lý những vấn đề vướng mắc về hệ thống giao thông, cống rãnh thoát nước ở các khu đô thị.
Nêu giải pháp, Bộ trưởng nói cần phải quản lý thật chặt quy hoạch, giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông để đảm bảo sự đồng bộ, đặc biệt là cốt xây dựng ở các khu đô thị mới thì phải được kiểm soát rất chặt chẽ, không để cốt trong các khu đô thị cao hơn cốt đường.
Đề cập đến việc tắc nghẽn ở các khu đô thị, Bộ trưởng GTVT cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do áp lực các phương tiện giao thông rất lớn, trong khi hạ tầng giao thông của chưa phát triển kịp.
Ba giải pháp được Bộ trưởng Thắng chỉ ra, gồm yêu cầu quản lý rất chặt quy hoạch đô thị một cách đồng bộ, ổn định và quản lý chặt chẽ quy hoạch nhà cao tầng, không chạy theo lợi nhuận thương mại để phá vỡ các quy hoạch này.
Tiếp theo là phải có các giải pháp để phát triển các phương tiện giao thông công cộng. “Đây là vấn đề rất lớn. Hiện nay Bộ Giao thông chịu trách nhiệm triển khai việc này” – ông Thắng nhận định.
Ngoài ra, theo ông, cần thực hiện một cách đồng bộ và nhanh chóng việc di dời các công trình, trụ sở.
Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế -xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã phàn nàn về tình trạng ngập úng tại các đô thị hiện nay, cản trở cuộc sống và hoạt động hàng ngày của hàng chục triệu người dân.
Các đại biểu yêu cầu Chính phủ phải có ngay biện pháp khắc phục, đồng thời đặt trọng tâm nhiệm vụ phát triển đi đôi với thích ứng với biến đổi khí hậu, coi đây chính là động lực cho sự tăng trưởng.