Lo ngại việc chậm ban hành kết luận thanh tra ảnh hưởng tính ‘khách quan’

Thứ Bảy, 05/11/2022 15:04

|

(CAO) Bên cạnh e ngại tính khách quan bị ảnh hưởng khi kết luận thanh tra ban hành chậm, đại biểu Quốc hội hỏi Tổng Thanh tra Chính phủ có tiêu cực ở các cuộc thanh tra "treo" không?

Phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chiều 5/11 tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến xoay quanh việc ban hành kết luận thanh tra.

“Tôi thống nhất với đánh giá của đại biểu là có tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, thậm chí là có nhiều cuộc thanh tra của nhiều năm trước” - ông Đoàn Hồng Phong tiếp thu.

Nêu nguyên nhân, ông Phong cho biết, là do cuộc thanh tra, nhất là cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ tiến hành có phạm vi và quy mô lớn liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng, có tính chất phức tạp, có nội dung mới liên quan đến yếu tố con người và ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn chiều 5/11

Lý do nữa, là một số quy định pháp luật còn bất cập, đặc biệt là về vấn đề quy định thời gian báo cáo và dự thảo kết luận thanh tra, mối quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thanh tra chuyên môn.

Cùng với đó, khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng thanh tra rất mỏng, trong khi ý thức trách nhiệm của một số thành viên, kỹ năng, năng lực còn hạn chế, thậm chí có một số trưởng, phó đoàn thanh tra làm chưa hết trách nhiệm.

Bày tỏ sự tán thành với 4 nguyên nhân Tổng Thanh tra Chính phủ nêu ra, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị Tổng Thanh tra cho biết những giải pháp mà Thanh tra Chính phủ đã và sẽ triển khai để bảo đảm hoạt động thanh tra và việc ban hành kết luận thanh tra được đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

"Một số đại biểu cũng e ngại việc chậm ban hành kết luận này có thể sẽ tác động và ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận thanh tra" - bà Thuỷ lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy

Chia sẻ với đại biểu, ông Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ có nhiều giải pháp khắc phục việc này, nhưng tập trung vào 2 giải pháp chính. Một là, ngay trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đang trình Quốc hội đã quy định thời hạn xây dựng báo cáo kết luận thanh tra.

“Dự luật điều chỉnh thời gian ban hành kết luận các cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp từ 15 ngày lên 30 ngày” - ông Phong nói.

Theo ông, nếu trước đây, chỉ quy định tất cả các cuộc thanh tra từ Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở, thanh tra bộ, ngành, thanh tra huyện đều là 15 ngày, thì bây giờ đã phân ra thanh tra của Chính phủ và thanh tra có quy mô phức tạp là 30 ngày; các cuộc thanh tra còn lại ở mức 20 ngày và 10 ngày.

Tới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ nói thêm, Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra theo Nghị quyết 45. Theo đó, sẽ quy định cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan chủ trì cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra, thành viên thanh tra, người giám sát, người thẩm định kết luận thanh tra phải có trách nhiệm và có hình thức xử lý.

“Nếu để xảy ra lọt, lộ, không chuyển các vụ việc vi phạm, tội phạm sang cơ quan điều tra hoặc chậm thì những sai phạm đó để xử lý từ trực tiếp là trưởng đoàn, sau đó phó đoàn, người ra quyết định thanh tra” - Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Phản ánh còn nhiều cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành đã quá thời hạn theo quy định, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết những cuộc này là không kết luận được hay vì lý do nào khác?

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ

Đại biểu hỏi có hay không tiêu cực trong các cuộc thanh tra “treo” này? “Có những cuộc trên 5 năm, như vậy là gấp hơn 10 lần thời gian tối đa cho phép nhưng chưa ban hành được kết luận” – ông Thắng chỉ ra.

Trả lời, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận có hiện Thanh tra Chính phủ còn một số cuộc thanh tra chậm từ nhiều năm trước. Các cuộc thanh tra này được ông Phong khẳng định có thể ban hành được kết luận và đến nay “chưa phát hiện tiêu cực trong các cuộc thanh tra này”.

Về giải pháp, Tổng thanh tra Chính phủ nhắc lại những giải pháp đã nêu. Ông cũng tái khẳng định rằng, trưởng, phó đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan chủ trì thanh tra, người ra quyết định thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, người giám sát, thẩm định kết quả thanh tra phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang