Nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được giao lưu với đối tượng bị thanh tra

Thứ Bảy, 05/11/2022 11:30

|

(CAO) Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành quy chế tổ chức hoạt động của đoàn thanh tra để đề cao trách nghiệm và ngăn chặn sai phạm trong ngành thanh tra.

Phiên chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong được bắt đầu sáng nay (5/11), nối tiếp phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pham Thị Thanh Trà.

Gửi câu hỏi tới ông Đoàn Hồng Phong, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) nêu thực trạng một số vụ việc khi Thanh tra Chính phủ thanh tra thì kết luận không có khuyết điểm, sai phạm; hoặc nếu có cũng chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm, nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra lại phát hiện sai phạm và chuyển xử lý hình sự.

“Đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ giải thích việc này và cho biết có hay không tình trạng tiêu cực?” - đại biểu yêu cầu.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Trả lời đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, "có lẽ đại biểu đang đề cập đến vụ việc ở Bình Thuận". Theo ông, sự việc này xảy ra vào năm 2019, một nguyên cán bộ gửi đơn thư tố cáo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận làm sai trong chuyển mục đích sử dụng đất từ sân golf sang đô thị.

Trước đó, khi Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm tra, ngành thanh tra đã căn cứ vào kết quả kiểm toán, phát hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất từ sân golf sang đô thị có sai phạm khi không dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội; xác định giá đất chưa chính xác. Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận tính toán xác định lại.

UBND tỉnh Bình Thuận sau đó không thực hiện nên tiếp tục xảy ra khiếu nại, tố cáo. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét lại vấn đề này, nhận thấy trách nhiệm cơ quan thanh tra đã chậm giải quyết.

Tranh luận trở lại, đại biểu Đặng Hồng Sỹ khẳng định không có ý định đề cập đến vụ việc cụ thể nào. Đại biểu yêu cầu ông Phong làm rõ đây là vướng mắc quy định hay có tình trạng tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Hồi âm đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải thích việc dẫn ra vụ việc cụ thể cũng là để minh chứng cho tình trạng chung của sự khác nhau giữa kết luận thanh tra và kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Xét về chức năng, nhiệm vụ liên quan đến một đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định pháp luật, Tổng Thanh tra cho rằng có sự tương đồng. Tuy nhiên, trong quy định hiện nay còn nhiều bất cập, vướng mắc, có thể cùng một sự việc nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau.

“Thời gian qua, khi tiến hành thanh tra, xem xét, trao đổi, nhất là với cơ quan điều tra, cũng như Viện kiểm sát nhân dân, cùng một vấn đề nhưng có cách hiểu khác nhau” - Tổng Thanh tra thông tin.

Bên cạnh đó, theo ông Phong, còn có nguyên nhân về cơ chế chính sách thay đổi khi trải qua nhiều thời kỳ; một số cơ chế chính sách chưa phù hợp khi áp dụng vào kết quả thanh tra để tính đúng sai.

Nêu câu hỏi sau đó, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá về số lượng, chất lượng và đạo đức công vụ của lực lượng thanh tra.

Cho rằng hoạt động thanh tra còn gặp khó khăn khi cán bộ ít, ông Đoàn Hồng Phong nói, thời gian qua, ngành đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ. “Thanh tra chỉ có 408 cán bộ công chức thì rất khó khăn trong hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ” - ông Phong phân trần.

Đại biểu Trần Quag Minh (Quảng Bình) giơ biển tranh luận 

“Tại sao lại có thực trạng Thanh tra Chính phủ có 408 cán bộ, công chức nhưng chỉ có hơn 200 cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng” - đại biểu Minh thắc mắc và đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ nêu giải pháp tháo gỡ.

Ông Minh cũng nhắc lại yêu cầu người đứng đầu ngành thanh tra nêu quan điểm về đạo đức công vụ của cán bộ ngành thanh tra.

Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết cán bộ trong ngành thanh tra đã chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước về đạo đức công vụ. Tuy nhiên, có một số trường hợp chưa chấp hành đầy đủ, còn xảy ra sai phạm, điển hình như vụ thanh tra ở Bộ Xây dựng khi tiến hành thanh tra ở Vĩnh Phúc.

“Cách đây 20 năm, chính ở Thanh tra Chính phủ có nhiều vụ việc vi phạm đạo đức công vụ, nhận hối lộ và bị xử lý hình sự” – ông Phong thừa nhận.

Từ thực tế trên, người đứng đầu ngành thanh tra khẳng định, Thanh tra Chính phủ đã có nhiều biện pháp nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ ngành thanh tra như ban hành 5 chuẩn mực đạo đức của ngành thanh tra, văn hóa công sở.

Vào tháng 7 vừa qua, trên cơ sở sự giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã ban ngành Nghị quyết 45, quy định nâng cao chất lượng và tiến độ kết luận thanh tra, quy định các điều nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được làm như không được nhận tiền, không được giao lưu với đối tượng thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ mong cử tri cả nước giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra tại địa phương.

Quang cảnh phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ 

Sắp tới, ông Phong cho biết cơ quan này sẽ ban hành quy chế tổ chức hoạt động của đoàn thanh tra để đề cao trách nghiệm và ngăn chặn sai phạm trong ngành thanh tra.

Về vấn đề có hơn 200 trên tổng số 400 cán bộ làm công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết ngoài những cán bộ thanh tra trực tiếp, những cán bộ còn lại làm công tác tham mưu như văn phòng, vụ kế hoạch tổng hợp, vụ tổ chức cán bộ.

“Con số này đã được tính toán và tổ chức chính xác” - Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Ở góc độ người đứng đầu, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) hỏi Tổng thanh tra Chính phủ đã làm gì để thể hiện trách nhiệm nêu gương?

Khẳng định bản thân luôn có trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện quy định pháp luật khi xem xét báo cáo kết luận và dự thảo kết luận thanh tra; với phòng chống tham nhũng luôn yêu cầu cán bộ thực hiện đầy đủ các quy định về hoạt động thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ nói: "Tôi làm tất cả những gì để làm gương và tạo khí thế, động lực cho ngành thanh tra”.

Nhóm vấn đề chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ gồm:

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

- Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong nhân dân.

- Công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Cùng tham gia giải trình với Tổng Thanh tra Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang