TPHCM: Khánh thành Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Thứ Hai, 28/08/2023 09:02

|

(CATP) Sáng 27/8, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tổ chức lễ công bố quyết định thành lập và khánh thành đi vào hoạt động. Bảo tàng tọa lạc tại số 145 Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q1, TPHCM. Đây là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng lãnh đạo một số ban ngành và các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), nhân chứng lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định trước đây từng thuộc Nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập, do AHLLVTND Trần Văn Lai (tức Năm Lai) quản lý. Vào ngày 21/6/2023, Sở VHTT TPHCM thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP đã ký cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng chịu sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương nơi hoạt động và thuộc sở hữu của gia đình AHLLVTND Trần Văn Lai.

Bảo tàng hiện có 7 bộ sưu tập với hơn 300 hiện vật, tư liệu quý giá gắn với từng giai đoạn hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn, gồm: các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; những chiếc xe các chiến sĩ biệt động đã sử dụng; vũ khí; vật dụng sinh hoạt gắn với hoạt động của lực lượng biệt động; dụng cụ đồ nghề sản xuất của AHLLVTND Trần Văn Lai trong vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập; thiết bị thông tin liên lạc... Lần đầu tiên, hình ảnh tổng quan về mạng lưới và cách thức hoạt động đầy bí ẩn của Biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện hữu đầy đủ và rõ nét qua hệ thống các hầm chứa vũ khí, hầm ém quân xây ngay trong lòng địch phục vụ các trận đánh huyền thoại của biệt động giữa lòng Sài Gòn, trong đó có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố quyết định thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Để có được Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là một hành trình dài tìm kiếm, sưu tầm và phục dựng kỷ vật. Từ những năm 1980, bằng tấm lòng và quyết tâm nung nấu, AHLLVTND Trần Văn Lai cùng gia đình đã miệt mài đi tìm, chuộc và phục dựng từng căn nhà, những căn hầm, kỷ vật ghi dấu quá trình hoạt động đầy huyền thoại của Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (cháu nội AHLLVTND Trần Văn Lai) cho biết, trong thời gian tới, song song việc tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm hiện vật, Bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện trên định hướng bảo tàng thông minh. Toàn bộ dữ liệu của Bảo tàng sẽ được số hóa để lưu giữ tốt hơn dữ liệu về một lực lượng đặc biệt, bên cạnh đó cũng mở ra cơ hội, cho phép sử dụng các công cụ hiện đại như hình ảnh 3D, VR (thực tế ảo) và AR (tăng cường thực tế) để tái hiện lại các sự kiện quan trọng và không gian liên quan đến Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Việc số hóa sẽ lan tỏa và giúp các thế hệ trẻ kết nối, hiểu nhiều hơn về di sản lịch sử Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở VHTT TPHCM - chia sẻ: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là bảo tàng ngoài công lập thứ sáu ở TPHCM. Sự ra đời của bảo tàng không chỉ là niềm vui của gia đình AHLLVTND Trần Văn Lai mà còn là niềm vui chung của ngành văn hóa tại TPHCM và cả nước. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện là điểm đến văn hóa lịch sử được yêu thích của người dân TPHCM, nhất là các bạn trẻ và du khách nước ngoài; nằm trong chuỗi các di tích vệ tinh của Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang TPHCM. Kết nối với địa đạo Củ Chi, căn cứ Rừng Sác (Cần Giờ), Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh..., Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định và hệ thống di tích lịch sử của Biệt động Sài Gòn sẽ là những điểm đến không thể thiếu trong các di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của TPHCM, góp phần tích cực vào việc giáo dục lịch sử một cách trực quan, sinh động, giúp thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về truyền thống yêu nước của dân tộc, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, vun đắp tình yêu với cội nguồn quê hương, đất nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang