Văn Cao giữa nhạc và thơ

Thứ Sáu, 18/08/2023 16:43

|

(CATP) Nhân dịp 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 1995), chương trình ca nhạc đặc biệt "Đàn chim Việt" được tổ chức vào đêm 20/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Dịp này, công chúng càng nhận diện rõ ràng một chân dung Văn Cao đa tài.

Cũng có nhiều nhân vật theo đuổi cả ba lĩnh vực âm nhạc, văn học và hội họa, nhưng không ai có thành tựu so sánh được với Văn Cao. Không chỉ là tác giả Quốc ca Việt Nam, Văn Cao có hơn chục ca khúc được xếp vào hàng tác phẩm bất hủ của nền tân nhạc nước ta như: Trương Chi, Thiên thai, Suối mơ, Ngày mùa, Làng tôi, Bến xuân, Buồn tàn thu, Mùa xuân đầu tiên...

Xét về ca từ, mỗi ca khúc của Văn Cao đã là một bài thơ. Thế nhưng, bên cạnh nhạc sĩ Văn Cao vẫn sừng sững một nhà thơ Văn Cao có giọng điệu và phong cách riêng biệt. Từ những bài thơ đầu tiên viết năm 1939 đến bài thơ cuối cùng Tôi ở viết tháng 8/1994, Văn Cao có di sản khoảng 60 bài thơ, nhưng vẫn hiển lộ đầy đủ một chân dung nhà thơ khắc khoải với khát vọng lớn lao "tới bao giờ tôi gặp được biển?".

Trong sự mến mộ của công chúng phổ thông, chân dung nhạc sĩ Văn Cao luôn khỏa lấp chân dung nhà thơ Văn Cao, bởi lẽ cảm giác xao xuyến thường lấn lướt nhận thức sâu xa. Ngoài những phút giây phiêu lãng với giai điệu, Văn Cao cũng lắm lúc rạo rực với sắc màu qua vài bức tranh giàu cá tính thẩm mỹ. Tuy nhiên lúc chăm chú quay lại với thi ca, Văn Cao có tiểu luận "Mấy ý nghĩ về thơ” nghiêm trang và khơi gợi: "Cuộc đời và nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn, càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng". Con đường thơ của Văn Cao đã chuyển dịch đúng như vậy.

Khởi nguồn thơ Văn Cao qua đôi bài Ly khách hay Linh cầm tiến mang dấu vết của Đường thi tùy hứng hoặc Đường thi ứng họa, như những câu "Thiên bôi đối ẩm nhìn quan ải/ Quằn quại cờ bay trong gió sương" hoặc "Tâm sự chừ như trường giang vũ khúc/ Lãng đãng sương buông cổ độ mờ". Sự nghiệp sáng tạo của Văn Cao chỉ nên tính từ khi thơ và nhạc cùng đồng hành để tạo nên phong cách Văn Cao. Thưởng thức một cách tỉ mỉ, không mấy khó khăn để thấy được, tâm hồn nghệ sĩ của Văn Cao biến động qua 3 giai đoạn với 3 nét đẹp riêng biệt: giai đoạn mềm mại đắm đuối, giai đoạn lạc quan hào sảng và giai đoạn can trường sắc sảo. Và qua 3 giai đoạn có trình tự trước sau, có thể khám phá được thế giới nội tâm của Văn Cao!

Giai đoạn mềm mại đắm đuối, âm nhạc Văn Cao có Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu... thì thơ Văn Cao chỉ có dăm vần điệu trễ nải, lúc thảng thốt, lúc bùi ngùi. Có lẽ đã dồn mọi tinh lực để thăng hoa ca khúc, thơ Văn Cao lác đác chớp sáng vài câu thơ lộng lẫy. Thơ Văn Cao dường như bị say nắng Thơ Mới, có cái rạo rực nhang nhác Xuân Diệu, có cái sầu não cứ từa tựa Lưu Trọng Lư.

Giai đoạn lạc quan hào sảng, âm nhạc Văn Cao bùng nổ với Tiến quân ca, Làng tôi, Chiến sĩ Việt Nam, Ngày mùa, Sông Lô, Bắc Sơn, Tiến về Hà Nội... thì thơ Văn Cao nhen nhóm chia tay Thơ Mới.

Giai đoạn can trường sắc sảo, âm nhạc Văn Cao chìm vào im lặng, chỉ vụt lên một Mùa xuân đầu tiên nôn nao cùng non sông thống nhất năm 1975. Tất cả tâm tư Văn Cao dồn hết vào thơ "tung ra hàng loạt hàng loạt/ những con người thật của chúng ta". Khi cảm xúc dâng đầy, thay vì viết nhạc thì Văn Cao làm thơ. Bao nhiêu năm âm thầm trong căn phòng khiêm nhường ở 108 Yết Kiêu - Hà Nội, thơ Văn Cao chắt lại như "tiếng kêu của một khúc thép đỏ/ trong chậu nước" để đối diện với nghịch cảnh "có lúc nước mắt không thể chảy ra ngoài được". Ông có hai bài thơ viết cho mùa thu ở hai cột mốc thời gian khác nhau vẫn không mấy khác nhau về xao xác, mùa thu 1968 "những bóng người loang trên Hồ Tây" và mùa thu 1992 "có tà áo trắng loang qua khung cửa", chứng tỏ ảo giác đơn lẻ, hụt hẫng kéo dài qua vùng thơ ưu phiền. Ngược lại, bài thơ Thức dậy vỏn vẹn hai câu ít nhiều thể hiện được cứu cánh thi ca đối với Văn Cao: "Khi đêm tối tất cả người tôi thức dậy/ Những đam mê quên ngủ suốt ngày".

Những câu thơ nặng trĩu tâm tư lắm lúc có thể ở lại vì bạn đọc, nhưng bao giờ cũng vụt đến vì tác giả. Thơ hóa giải tủi hờn và bất trắc. Những câu thơ hoang mang và chấp chới tuyệt vọng của Văn Cao như "có lúc ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt", không chỉ kháng cự khổ hạnh cho tác giả, mà còn giúp độc giả cách hiểu một giọt nước mắt, cách nghe một tiếng thở dài. Bởi lẽ, nỗi buồn không phải quan trọng do được nhà thơ đắp lên những mỹ từ khoa trương, mà vì nhà thơ gõ vào trái tim mình để chứng minh nỗi buồn có ích cho việc nuôi dưỡng bản tính lương thiện của con người trước Thời gian khắc nghiệt: "Thời gian qua kẽ tay/ làm khô những chiếc lá/ kỷ niệm trong tôi/ rơi/ như tiếng sỏi/ trong lòng giếng cạn/ riêng những câu thơ còn xanh/ riêng những bài hát còn xanh/ và đôi mắt em/ như hai giếng nước".

Bình luận (0)

Lên đầu trang