(CAO) Với rất nhiều tác phẩm được sưu tập bởi Công viên Beasan (Iksan, Hàn Quốc), Bảo tàng Takanabe (Miyazaki, Nhật Bản), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bùi Hải Sơn là một trong vài điêu khắc gia tiêu biểu của Việt Nam ở thế hệ mới.
Sau khi tham gia gần 30 triển lãm nhóm, hơn 10 trại điêu khắc trong nước và quốc tế, đây mới là triển lãm cá nhân lần thứ 2 của Bùi Hải Sơn. Triển lãm bày 9 tác phẩm, khai mạc ngày 6/1/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.
Ở tuổi gần 70 và hơn 35 năm trong nghề, Bùi Hải Sơn ít khi nào ngưng nghỉ tìm tòi và sáng tạo. Giám tuyển của triển lãm Khải huyền, nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận định: “Thành công trong ngôn ngữ điêu khắc kim loại, những hoạt động sáng tác, quản lý và giảng dạy mỹ thuật xuyên suốt từ đầu năm 2000 đã tạo cho Bùi Hải Sơn một vị trí quan trọng trong nền điêu khắc đương đại, đặc biệt tại TP.HCM, nơi ông sống và làm việc”.
Hình tượng hạt lúa được Bùi Hải Sơn khai thác từ năm 1995, với những trăn trở và tìm kiếm ngôn ngữ thể hiện, để đạt đến sự hiện đại và tối giản, nhiều ý nghĩa như hiện nay.
Hạt lúa là một dấu ấn trong triển lãm Nguồn (2010). Lúc ấy, Bùi Hải Sơn từng chia sẻ: “Hình ảnh hạt lúa đặc trưng cho vùng không gian sống quê hương tôi - An Giang. Hạt giống mang thông điệp về quá khứ-hiện tại-tương lai. Chủ đề Nguồn tái hiện cái đẹp của lao động từ quá trình gieo mầm, mầm lớn thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng, thành bông lúa trĩu hạt mang sự sống từ bên trong… Hình ảnh đó bắt đầu như hành trình của đời người, của nhân loại hướng đến chân-thiện-mỹ”.