(CAO) Trong năm 2022, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu gần 256 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, tăng 61% so với năm 2021.
Tại lễ tổng kết hoạt động năm 2022 vừa diễn ra sáng 30/12 tại TPHCM, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC cho biết số lượng thành viên ký hợp đồng ủy quyền năm 2022 tăng thêm 341 tác giả so với năm trước. Tổng số thành viên ủy quyền tại VCPMC đến nay là 5.312 tác giả.
Tính từ ngày 1-1-2022 đến ngày 29-12-2022, VCPMC đã thu tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc gần 256 tỷ đồng, trong đó có thu trên website, ứng dụng nhạc nhiều nhất, đạt khoảng trên 188 tỷ đồng. Bên cạnh đó, là nguồn thu từ biểu diễn, sử dụng nhạc nền tại các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, quán cà phê, karaoke, thu từ phát sóng, media (nhạc chuông, nhạc chờ), thu từ lĩnh vực sao chép (bản ghi âm - ghi hình, phim ảnh, quảng cáo, sản xuất chương trình), tiền bản quyền nhận từ quốc tế.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn
Về việc cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, nguồn thu từ lĩnh vực này đã bắt đầu khôi phục kể từ sau dịch Covid. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng nhiều show diễn cố ý không trả tiền bản quyền đang trở nên phổ biến và dai dẳng, thậm chí lợi dụng truyền thông để phản đối việc trả tiền, kháng cáo bản án mà tòa án đã xét xử yêu cầu bên sử dụng phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền.
Ở các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, cà phê, khách sạn), nguồn thu quyền tác giả âm nhạc từ lĩnh vực này cũng đã có dấu hiệu khôi phục do các đơn vị kinh doanh bắt đầu hoạt động bình thường trở lại sau Covid. Trung tâm đã linh động hỗ trợ, chia sẻ với những đơn vị sử dụng nhạc còn gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch, đồng thời cố gắng đảm bảo lợi ích của tác giả.
Tuy nhiên nguồn thu từ lĩnh vực này đến nay vẫn giảm sút nhiều so với giai đoạn trước đây, một phần do tình hình kinh doanh của các đơn vị sử dụng còn khó khăn, phần nhiều có nguyên do từ việc nhiều đơn vị sử dụng đã cố ý né tránh nghĩa vụ trả tiền bản quyền theo chiêu thức đẩy trách nhiệm pháp lý cho công ty kinh doanh, phân phối bản ghi, thiếu ý thức tôn trọng bản quyền cũng như cố tình vận dụng sai quy định pháp luật.
Các tác giả dự lễ tổng kết
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, hiện nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, với phạm vi điều chỉnh ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm qua, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, nhưng trung tâm vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các đối tác quốc tế để trao đổi tình hình cấp phép, lưu trữ và thanh toán, xác nhận dữ liệu tác phẩm-tác giả, xử lý xâm phạm quyền tác giả, tham dự các cuộc họp trực tuyến với các tổ chức quốc tế, đàm phán các hợp đồng hợp tác.