(CAO) Với chủ đề “Khát vọng tỏa sáng”, Lễ hội Mai vàng An Nhơn lần thứ I - 2023 mong muốn được giới thiệu, quảng bá “thủ phủ mai vàng” An Nhơn, Bình Định; góp phần thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương….
Thị xã An Nhơn, Bình Định được xem là "thủ phủ mai vàng” của miền Trung với hàng ngàn hộ dân trồng mai cảnh cung cấp cho cả nước vào mỗi dịp xuân về, doanh thu đạt bình quân lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Để truyền thống đẹp đẽ ấy tiếp tục được nhân rộng và tỏa sáng, UBND TX An Nhơn lên kế hoạch tổ chức Lễ hội mai vàng An Nhơn lần I - năm 2023 và đã nhận được sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Định.
Dù công tác chuẩn bị khá gấp rút nhưng Ban tổ chức chương trình đã lên kế hoạch khá chỉn chu và bài bản. Lễ hội không chỉ giới thiệu “đặc sản” đặc trưng về cây mai vàng An Nhơn, mà còn góp phần quảng bá sản phẩm làng nghề mai truyền thống, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh so với cây mai của nhiều địa phương khác.
An Nhơn được biết đến là "thủ phủ mai vàng" của miền Trung
Theo lịch trình, Lễ hội với chủ đề “Khát vọng tỏa sáng” sẽ diễn ra từ ngày 9 - 11/1/2023 (tức ngày 18 - 20 tháng Chạp năm Nhâm Dần) tại Quảng trường Trung tâm TX An Nhơn.
Trong suốt thời gian này, tại đây sẽ trưng bày 190 cây mai vàng có dáng thế khác nhau, tượng trưng 190 năm danh xưng An Nhơn. Bên cạnh đó, lễ hội còn là nơi diễn ra hội thi tay nghề kỹ thuật tạo dáng mai truyền thống; triển lãm tranh mỹ thuật Bình Định và bộ ảnh nghệ thuật An Nhơn xưa và nay; tổ chức đấu giá các sản phẩm cây cảnh, tranh ảnh, sản phẩm làng nghề truyền thống của TX An Nhơn.
Đặc biệt, trong đêm khai mạc Lễ hội vào tối 9/1/2023, còn diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp với sự góp mặt của các ca sĩ; nghệ sĩ nổi tiếng nhằm phục vụ khách tham dự. Chương trình được tổ chức long trọng và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định (BTV).
Sân khấu Lễ hội Mai vàng An Nhơn lần thứ I - 2023” với chủ đề “Khát vọng tỏa sáng”
Lễ hội cũng không thể thiếu những tiết mục đặc trưng truyền thống của đất võ như: bài tuồng, bài chòi do Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định thực hiện; kết hợp giới thiệu các hoạt động văn hóa, võ thuật đặc trưng của thị xã An Nhơn và tỉnh nhà.
Ngoài ra, trong những ngày diễn ra lễ hội còn có các hội thi đánh cờ người, hội bài chòi dân gian, biểu diễn nhạc nước; trưng bày giới thiệu sản phẩm các làng nghề truyền thống của An Nhơn, như: Mai vàng; rượu Bàu Đá Nhơn Lộc, gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, nón lá Gò Găng; bún, bánh An Thái; tôm tre của cơ sở sản xuất tôm tre An Nhơn…; Diễu hành xe đạp - mô tô chào mừng Lễ hội…
Đại diện Ban tổ chức cho hay, sự kiện quan trọng này không chỉ là hoạt động thường niên mỗi độ xuân về, nơi những người con An Nhơn nói riêng, Bình Định nói chung có dịp tìm về với cội nguồn; mà còn là nơi tôn vinh những giá trị, quảng bá nét đẹp văn hóa, quảng bá về đất và người An Nhơn; Bình Định.