Nỗ lực thoát nghèo
chúng tôi tìm về huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử. Cái nóng rát của vùng "sa mạc" Việt Nam đang như phà lửa vào người. Mặc dù dịp này chưa phải là đỉnh điểm nắng nóng trong năm, nhưng trên vùng đất hoang hóa, khô cằn nhất nước, mỗi ngọn gió ngang qua đủ mang đến cảm nhận đặc trưng của vùng đất này.
Bác Ái là căn cứ cách cách mạng miền núi trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nơi đây địa hình trắc trở và khí hậu khô hạn, khắc nghiệt bậc nhất cả nước. Huyện có hơn 90% dân là đồng bào thiểu số, chủ yếu người Raglai; là một trong 85 huyện nghèo toàn quốc, với 9/9 xã thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn). Trong quá trình xây dựng và phát triển, đồng bào các dân tộc trong huyện đã kề vai sát cánh cùng với Đảng bộ và chính quyền thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước. Từ nền tảng khó khăn, lạc hậu, đa số đồng bào còn giữ lối sống du canh, du cư..., đến nay bộ mặt nông thôn miền núi Bác Ái đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước nâng lên.
Ghé thăm mô hình sản xuất của nông dân Chamaléa Hơ ở xã Phước Tiến, chúng tôi được anh bộc bạch: "Đồng bào rất mừng khi Nhà nước đầu tư làm đường giao thông, cho điện, nhà ở... Mọi người đều rất cố gắng, nhưng muốn phát triển sản xuất thì còn rất nhiều điều phải bàn. Thực tế không phải chỉ cố gắng là đủ”. Hơ cho biết, số bà con được như anh ít lắm, phần lớn còn nghèo hoặc mới chỉ thoát nghèo. "Mình may mắn được tiếp cận với nhiều người về làm tự thiện, nhờ họ tư vấn, giúp đỡ... Được học nhiều hơn nên mình vận động bà con làm theo, nhưng có mùa thu hoạch cao thì tiêu thụ kém, rớt giá, bà con không biết bán ở đâu?".
Một góc trung tâm huyện Bác Ái
Bí thư Huyện ủy Mẫu Thái Phương khẳng định không phải chính quyền chưa nghĩ đến việc kêu gọi, phát huy đầu tư để hỗ trợ bà con, mà ngược lại còn rốt ráo là đằng khác! Nhưng cái khó khăn trực tiếp của địa phương đã dẫn đến thiếu sự thu hút đầu tư. Đã có nhiều doanh nghiệp, người đầu tư tâm huyết đến rồi đi, hoặc triển khai chậm chạp vì nhiều lẽ...
Theo thống kê của địa phương, từ năm 2001 đến nay, Bác Ái nhận sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, doanh nghiệp, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được đưa về đầu tư, xây dựng. Trong đó, phải kể đến việc phát triển hệ thống giao thông để giải quyết việc đi lại, kết nối giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các địa phương và đầu tư xây dựng hồ đập, kênh mương thủy lợi góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tăng diện tích gieo trồng, đáp ứng ổn định về lương thực. Hệ thống điện lưới quốc gia đã phủ khắp các thôn, 90% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Sản xuất từ chỗ tự túc, tự cấp, đến nay theo hướng hàng hóa, thâm canh, tăng vụ. Chú trọng phát triển nhiều mô hình kinh tế mới, đặc biệt triển khai các chương trình quốc gia đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, người dân từ chỗ thiếu đói đến đủ ăn.
Ông Phương tâm sự: "Nhiều năm trước đây, chính quyền chủ yếu đánh vật với "cuộc cách mạng tư duy", đó là làm sao để đồng bào Bác Ái bỏ được tập quán du canh du cư, sinh sống nhờ... trời? Bây giờ phải khác! Vùng đất hoang hóa đã được cải tạo, sản xuất canh tác mở rộng, nhà cửa ruộng vườn ổn định, nên cái cần là các mô hình canh tác có quy mô, áp dụng khoa học công nghệ để người dân làm việc ổn định. Từ đó học tập được phương thức sản xuất, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn cho bà con. Muốn như vậy thì phải tìm cách kêu gọi các nhà đầu tư có tâm có tầm về địa phương mới tạo ra qui mô kinh tế tổng hợp, sản xuất đặc thù... để tạo bước đột phá , mở ra hướng đi mới cho địa phương. Song song với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội cũng phải được chú trọng đầu tư...".
- Ảnh:
Những vườn dược liệu đang dần phủ xanh đồi trọc
Tiềm năng phát triển
len lỏi qua các sườn đồi, ấp xã, chúng tôi chứng kiến nhiều mô hình kinh tế đang hình thành. Đến xã Phước Tân, tìm vào vườn dược liệu đang được triển khai tại đây. Cán bộ địa phương cho hay, huyện đánh giá cao về dự án trồng, nghiên cứu, sản xuất dược liệu này, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng mang tính cạnh tranh lâu dài và bền vững. Để nâng tầm qui mô, huyện cũng đã tính tới vận động bà con cùng góp đất chuyển đổi trồng nguyên liệu dược để mở rộng vùng sản xuất có thể. Hiện vườn dược liệu đang thu hút hàng chục lao động Raglai, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 20 hộ gia đình đồng bào tại chỗ.
Dẫn chúng tôi thăm vườn, anh Pinang Phong cho biết cả vợ và cháu anh cũng đang làm việc tại đây, thu nhập trung bình 7 - 8 triệu đồng/tháng. "Công việc ươm trồng cây được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, nay đã thuần thục công việc. Không phải đi xa như trước, gia đình mình chọn nơi đây làm việc vì ngay nhà lại ổn định" - anh Phong nói. Chủ vườn dược liệu cho biết, bao tâm sức và vốn liếng anh dành trọn cho nơi này với khát vọng tạo đột phá mới về kinh tế - đời sống địa phương và hình thành nên mô hình sản xuất, chế biến dược liệu điển hình của cả nước. Tuy nhiên, tiến triển còn chậm do "vừa làm vừa ngóng" bởi chính sách đầu tư chưa sát sườn, nhiều bất cập về pháp lý và hỗ trợ doanh nghiệp.
Trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Phan Ninh Thuận, ông biết rất rõ những khó khăn mà nhiều nhà đầu tư gặp phải khi đến đây và địa phương đang gấp rút từng bước khuyến khích, tháo gỡ. "Nếu chỉ trông chờ vào Nhà nước thì đích cuối vẫn dừng ở sự ổn định kinh tế - xã hội. Như thế thì tầm quan trọng của nhà đầu tư đối với phát triển địa phương lúc này là rất lớn!". Ông Thuận nhận định nhiều chương trình, dự án đầu tư tại Bác Ái đang đi đúng tầm nhìn kinh tế mũi nhọn, tiềm năng mà UBND tỉnh đề ra.
Đường vào thôn ở Bác Ái
Nhìn đời sống của bà con đồng bào có phần khấm khá, ổn định, nhưng ông Thuận không thấy vui. Ông trăn trở: "Tại sao hàng chục năm trôi qua Bác Ái cứ loay hoay với bài toán xóa đói giảm nghèo trong khi vẫn có tiềm năng để phát triển? Rõ ràng là cái khó khăn về địa lý chưa đủ để biện minh cho sự chậm phát của địa phương...".
Trăn trở này cũng là câu hỏi lớn cho nhiều vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Mới đây, tại cuộc họp đánh giá về Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh vai trò cán bộ lãnh đạo tại địa phương. Theo Thủ tướng, ở những vùng xa xôi, khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lãnh đạo phải là người có tầm và có tâm mới mong thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Với những đổi thay đang diễn ra trên quê hương cách mạng Bác Ái, chúng tôi hiểu, chẳng bao lâu vùng đất này sẽ vươn mình, tạo bước chuyển biến về phát triển kinh tế - xã hội trên con đường đổi mới.
Nỗ lực phủ xanh vùng hoang hóa của đồng bào Raglai
Bác Ái là huyện Anh hùng với 8/9 xã, 10 tập thể và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn huyện có 345 liệt sĩ, 51 thương binh, 827 bệnh binh, 1.814 đối tượng hoạt động kháng chiến. Có 5/9 xã được công nhận "Xã An toàn khu". Ngày 19/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg, công nhận huyện Bác Ái là vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.