Biệt động Sài Gòn Lý Cảnh Nè

Chủ Nhật, 30/04/2023 16:17

|

(CATP) Người dân Sài Gòn nói riêng và người dân cả nước nói chung chưa bao giờ nghe và biết đến tên Lý Cảnh Nè cùng đồng đội của ông - những người hùng "Biệt động Sài Gòn" cách đây 58 năm.

Thập niên 60 của thế kỷ 20, dưới nhiệm kỳ tổng thống Mỹ Jonhson, ngày 08/3/1965, với sự chỉ huy của tướng Westmoreland, những đơn vị lính thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên từ căn cứ Okinawa (Nhật Bản) chia làm hai cánh, đổ bộ bằng đường biển và không vận đến Đà Nẵng thuộc miền Nam Việt Nam. Lực lượng này hùng hậu, với trang thiết bị và vũ khí tối tân hiện đại của một siêu cường, họ chính thức tham chiến tại Việt Nam.

Quân Mỹ và đồng minh của Mỹ liên tục được đưa vào miền Nam Việt Nam. Không lâu sau, họ đã có mặt trên toàn miền Nam, từ vĩ tuyến 17 cho đến tận mũi Cà Mau và đặc biệt nhất là tập trung đông tại thủ đô Sài Gòn lúc đó. Họ sử dụng hầu hết các khách sạn lớn của trung tâm Sài Gòn để làm nơi ăn, nghỉ cho lính Mỹ, canh giữ, bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Lúc này, ngoài tiền tuyến, nhiều trận đánh lớn giữa quân giải phóng với lính Việt Nam cộng hòa và lính viễn chinh Mỹ diễn ra khắp nơi. Những vùng đồng quê đang yên bình nay bỗng chốc trở thành mục tiêu gầm rú dã man của bom đạn Mỹ cả ngày lẫn đêm. Người dân vô tội phải gánh chịu cảnh đau thương tàn khốc. Lúc này, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kêu gọi toàn dân chống Mỹ cứu nước.

Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu

Vào đầu quý III/1965, chỉ huy trưởng biệt động F100 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) giao nhiệm vụ cho Đội 5 - Biệt động Sài Gòn cùng Tổ quân báo F21 điều nghiên mục tiêu, hướng tiếp cận mục tiêu và đường rút lui của toàn bộ Phân đội biệt động để đưa ra phương án đánh khách sạn Metropole.

Qua thông tin của tình báo, khách sạn này là căn cứ đóng quân thường xuyên của từ 170 - 200 sĩ quan không quân và chuyên viên kỹ thuật lính Mỹ. Khách sạn kiên cố, cao 7 tầng, cửa chính nằm trên đại lộ Trần Hưng Đạo, trước cửa đặt nhiều vật cản, có quân cảnh Mỹ và đồng minh luôn canh gác, cửa sau nằm trên đường Nguyễn Cư Trinh, cũng có nhiều vật cản. Trên sân thượng khách sạn, lính Mỹ trang bị hỏa lực mạnh. Bên hông hướng Bắc khách sạn có khoảng trống là bãi đậu xe nhà binh.

Qua kết quả nghiên cứu, Đội 5 - Biệt động Sài Gòn lên phương án tác chiến, hình thành tổ chức chiến đấu, sử dụng hỏa lực và xung lực mạnh tập kích khách sạn Metropole bằng xe tải (xe cam-nhông) chở 400kg thuốc nổ và cảm tử quân, đánh trực tiếp vào sát bên hông hướng Bắc và cửa sau khách sạn nằm trên đường Nguyễn Cư Trinh. Biệt động Bảy Bê được giao nhiệm vụ chỉ huy trận đánh Metropole và trực tiếp phân công nhiệm vụ tác chiến.

Nhiệm vụ của Tổ 1: Bảy Bê chỉ huy kiêm tài xế chở các biệt động làm nhiệm vụ xung kích, gồm có Tư Châu, Ba Minh, Huỳnh Công Đức (Tư Chưởng), mỗi biệt động được trang bị vũ khí đúng tiêu chuẩn chiến đấu nội thành Sài Gòn, có nhiệm vụ yểm trợ cho xe chở chất nổ tấn công khách sạn và mở đường cho cảm tử quân rút lui.

Tổ 2 gồm 2 biệt động lái xe chở 400kg thuốc nổ với 3 ngòi nổ, thời gian nổ là sau 4 phút từ khi mở khóa an toàn ngòi nổ. Xe do cảm tử quân Lý Cảnh Nè cầm lái, cùng đi trên xe để hỗ trợ cho Lý Cảnh Nè là bí số "503" kiêm Chỉ huy phó trận đánh. Biệt động Triệu Tử Long chạy xe máy theo Lý Cảnh Nè, có nhiệm vụ bảo vệ xe chở thuốc nổ và thay tài xế Lý Cảnh Nè khi cần thiết, mở đường để Lý Cảnh Nè và bí số "503" rút lui.

Tổ 3 có 4 biệt động, do Sáu Rồi chỉ huy, có nhiệm vụ khống chế bãi xe cạnh khách sạn khi xe chở thuốc nổ của Lý Cảnh Nè đến nếu có sự cố. Bảy Long chạy xe máy chốt tại ngã ba Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh, chặn đánh quân tiếp viện đổ về khách sạn Metropole khi bom nổ.

Đúng 4 giờ ngày 04/12/1965, từ căn cứ du kích xã Phước Long (thị trấn Thủ Đức), các chiến sĩ biệt động lên đường hành quân, xe máy chạy trước dẫn đường, tiến về khạch sạn Metropole. Tiếp theo là xe do Lý Cảnh Nè điều khiển, chở 400kg thuốc nổ chứa trong thùng phuy, ngụy trang bằng rau củ, trái cây miệt vườn chở ra chợ bán. Chạy theo sau là xe chỉ huy của Bảy Bê.

Đúng 4 giờ 40 cùng ngày, xe chở khối thuốc nổ cùng đội hình chiến đấu của Đội 5 - Biệt động Sài Gòn đã đến mục tiêu. Cảm tử quân biệt động Lý Cảnh Nè đã cập sát được xe chở thuốc nổ vào khách sạn Metropol như đã định và mở khóa an toàn ngòi nổ chậm, rồi cùng bí số "503" thoát nhanh khỏi xe, rời hiện trường trong tiếng súng yểm trợ đang nổ rền vang bắn về phía khách sạn. Khi đó, đèn đường Sài Gòn vẫn còn cháy sáng.

Đúng 4 phút sau, một tiếng nổ long trời lở đất, khách sạn Metropole mịt mù trong khói lửa. Đội biệt động 5 đã hoàn thành nhiệm vụ và rút lui an toàn. Khách sạn Metropole bị phá hủy 3 tầng. Hầu hết những người Mỹ và đồng minh của họ có mặt tại khu vực khách sạn Metropole bị đánh bom bị thương vong.

Biệt động thành Sài Gòn Lý Cảnh Nè 22 tuổi đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình và cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm, xứng danh người hùng của thời đại Hồ Chí Minh. Là biệt động có hành động anh hùng của quân giải phóng thập niên 60 của thế kỷ 20, nhưng mãi đến hôm nay vẫn ít người biết đến tên tuổi ông cùng đồng đội của ông. Với trận đánh Metropole, ông và đồng đội của ông có thể sẽ không trở về, có thể mãi mãi nằm lại vĩnh viễn nơi diễn ra trận đánh. Trận đánh không chỉ vang dội trong nước mà còn để lại dư âm trên toàn thế giới cho đến tận hôm nay.

(Viết qua tư liệu lịch sử Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định giai đoạn 1945 - 1975, kèm lời kể của Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang)).

Bình luận (0)

Lên đầu trang