Lập bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM

Thứ Tư, 10/04/2024 10:00

|

(CATP) Dự kiến Bia tưởng niệm sẽ hoàn thành trước ngày 30/4/2024, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tá Trần Đức Thơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Truyền thống kháng chiến, Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định cho biết, Văn phòng UBND TPHCM vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Dương Anh Đức giao cho Sở LĐTB&XH, Bộ Tư lệnh TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất trình UBND TPHCM, về việc lập bia tưởng niệm các liệt sĩ Biệt động Sài Gòn (BĐSG) tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.

Qua khảo sát thực tế của Sở LĐTB&XH, Bộ Tư lệnh TP và Thường trực Ban chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến, Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định thống nhất thực hiện việc lập bia tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Kinh phí xây dựng ước tính khoảng 500 - 600 triệu đồng, do CLB và Bảo tàng BĐSG - Gia Định đảm trách. Dự kiến bia tưởng niệm sẽ hoàn thành trước ngày 30/4/2024, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

XÂY BIA TƯỞNG NIỆM LÀ VIỆC LÀM NHÂN VĂN

Theo Đại tá Trần Đức Thơ, việc lập bia tưởng niệm các liệt sĩ BĐSG tại Nghĩa trang liệt sĩ TP là ước muốn của toàn thể thành viên CLB và thân nhân gia đình các Anh hùng, liệt sĩ của lực lượng BĐSG.

Như đã biết, các đội BĐSG khi hoạt động, chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khi đánh vào 5 mục tiêu trọng điểm của địch tại Sài Gòn: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh hải quân ngụy, Đài phát thanh Sài Gòn, thì hầu hết các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đều đã hy sinh. Tuy nhiên, nỗi đau và trăn trở lớn nhất của CLB và gia đình các liệt sĩ BĐSG chính là ngoài những hài cốt các CBCS đã rõ tên tuổi thì vẫn còn nhiều người hy sinh nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy xác, thân nhân không có nơi để tìm đến hương khói, tưởng niệm. Do phần lớn thi thể của các liệt sĩ sau khi hy sinh đã bị địch thủ tiêu hoặc đốt xác.

Đây chính là những Anh hùng liệt sĩ vô danh, hy sinh thân mình cho Tổ quốc nhưng đến khi nằm xuống thì không ai biết tên, tuổi, quê quán, bởi do tính cách bí mật và đặc thù của lực lượng này. "Chính vì lẽ đó mà CLB kiến nghị với Bộ Tư lệnh TP, Sở LĐTB&XH hỗ trợ khu đất tại Nghĩa trang liệt sĩ TP lập bia tưởng niệm, để vào các ngày lễ tết, các cấp lãnh đạo TP, thân nhân gia đình liệt sĩ có thể đến dâng hương tưởng niệm", Đại tá Thơ chia sẻ.

Mô hình bia tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ BĐSG tại Nghĩa trang liệt sĩ TP

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự kiện có ý nghĩa chiến lược, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ, tạo bước ngoặc quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi. Tinh thần chiến đấu anh dũng, quật cường, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta, nhất là của CBCS BĐSG ngày càng phải được tuyên truyền, giáo dục sâu rộng hơn nữa để nâng cao lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ. Việc dựng bia tưởng niệm, tri ân cho 65 CBCS BĐSG trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong đợt Tổng tấn công Xuân Mậu Thân năm 1968 là việc làm mang ý nghĩa chính trị - xã hội nhân văn sâu sắc.

LỊCH SỬ, NHÂN DÂN KHÔNG BAO GIỜ QUÊN CÔNG ƠN

Biệt động thành ra đời vào thời kỳ chống Pháp, phát triển mạnh với những chiến công vang dội vào thời chống Mỹ. Đến nay tổ chức Biệt động không còn nữa, song lịch sử oai hùng, những chiến công lừng lẫy, những chiến sĩ Biệt động "xuất quỷ nhập thần", đánh hiểm, đánh trực tiếp vào đội quân hùng mạnh bậc nhất thế giới làm chúng bao phen hoảng sợ. Không những đã được ghi vào sử sách, phim ảnh mà còn thấm sâu vào trái tim, khối óc, lương tri của nhân dân ta và thế giới. Lịch sử BĐSG là bản anh hùng ca luôn rộn rã những chiến công thần kỳ, mỗi trận đánh của BĐSG là "thiên sử" không ai có thể quên lãng.

Trong gần 50 năm kể từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước, quân đội ta từ cấp Trung ương đến TP đã làm rất nhiều việc để tôn vinh, tri ân BĐSG như: tổ chức hội thảo khoa học, biên soạn lịch sử; thu thập tài liệu, hiện vật để xây dựng di tích, bảo tàng... Đó là biểu tượng ngời sáng của nghĩa tình đồng đội, là truyền thống "uống nước nhớ nguồn", văn hóa nghĩa tình của dân tộc, của TP mang tên Bác Hồ vĩ đại.

Nhiều người dân ở Q10, TPHCM, có thói quen đến di tích Garage BĐSG - nơi thờ cúng các Anh hùng, liệt sĩ BĐSG để dâng hương

Tuy vậy, BĐSG tồn tại suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ gồm nhiều cánh quân, nhiều đơn vị, nhiều loại hình tổ chức chiến đấu ở nhiều nơi, nhiều lúc. Những gì mà lực lượng này đã làm được vô cùng quý báu, đáng tự hào và trân trọng. Song, chúng ta vẫn còn nợ lực lượng này nhiều lắm, bởi "hậu sự" của BĐSG cho đến nay còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được, đó là những người còn sống sau chiến cuộc đã ra quân tỏa về khắp muôn nơi. Trong đó có nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn, đời sống bấp bênh với bao lận đận, đến nay ai còn ai mất, ai ở đâu cũng chưa biết hết. Số đông Biệt động hy sinh trong Tết Mậu Thân năm 1968 ngay giữa lòng TP cho đến nay cũng chưa biết hết tên họ thật là gì, quê quán ở đâu? Lúc cha mẹ sinh ra đều có tên, vậy mà lúc hy sinh vì Tổ quốc lại được gọi là vô danh, thử hỏi ai không động lòng?

Người viết bài này còn nhớ rõ, tại ngày giỗ chung của các BĐSG hy sinh (mùng 6 Tết năm 2024) ở di tích Garage BĐSG, ông Phan Xuân Biên - Nguyên thư ký Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định thời chống Mỹ nói, ông mong muốn tất cả những người tham dự buổi họp mặt tiếp tục làm tốt công tác truyền thống và ái hữu. Tích cực tìm mọi ngã đường vượt qua những trở ngại, phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng bức xúc liên quan đến Biệt động thành. Trước hết là đối với những người đã hy sinh, nhất là số đông trong Tết Mậu Thân năm 1968, kiểm tra, hệ thống lại toàn bộ di tích liên quan đến lịch sử BĐSG, nhất là những nơi diễn ra những trận đánh vang dội trong thế kỷ 20.

Quang cảnh tại buổi làm việc của đại diện CLB Truyền thống kháng chiến, Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định với Bộ Tư lệnh TPHCM vào ngày 03/4/2024 về việc thống nhất phương án xây bia tưởng niệm

Các hầm chứa vũ khí, các nơi trú ém quân, để có kế hoạch xây dựng, phục hồi các di tích. Cố gắng thực hiện tối đa những chính sách có thể đối với BĐSG như khen thưởng, hỗ trợ ái hữu thành phần gia đình và anh chị em Biệt động còn lại. BĐSG là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, là sản phẩm trực tiếp của chủ trương đúng đắn đầy sáng tạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Chiến công của BĐSG là thành tích chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của bao thế hệ suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ 20. BĐSG không phải của riêng ai, nên ai ai cũng có quyền tự hào về Biệt động, đều có trách nhiệm tôn tạo, tôn vinh những gì liên quan đến lịch sử oai hùng của BĐSG.

Bình luận (0)

Lên đầu trang