100% đồng thuận
Trao đổi với PV Chuyên đề CATP, Đại tá Trần Đức Thơ phấn khởi cho biết, Garage Tự Lực ở số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám (CMTT) P.13, Q.10, TPHCM là cơ sở cách mạng "bảo đảm chiến đấu" của lực lượng BĐSG hơn nửa thế kỷ trước. Cuối tháng 7-2022, CLB đã có văn bản gửi lãnh đạo TP đề nghị hỗ trợ bảo tồn, phát huy di tích. Nơi đây sẽ trở thành một điểm quan trọng trong "Cụm di tích lịch sử - văn hóa BĐSG".
Từ các nhân chứng lịch sử, tài liệu lưu trữ, sách xuất bản, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) thuộc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TPHCM đã tổng hợp khá đầy đủ về Garage Tự Lực, được tóm tắt như sau: Căn nhà số 499/20 CMTT (trước là đường Lê Văn Duyệt, Sài Gòn) được cụ Dương Văn Đức (thường gọi Hai Diện, SN 1928, mất năm 2004, tham gia cách mạng năm 1946) xây năm 1947, chính thức mở Garage Tự Lực sửa xe ôtô, có giấy phép môn bài hành nghề vào cuối thập niên 1950.
Từ năm 1963, thông qua ông Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế, cán bộ BĐSG, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), cụ Đức đã bắt liên lạc với lực lượng BĐSG. Garage Tự Lực được giao nhiệm vụ bảo trì, sửa chữa, thay đổi thiết kế xe ôtô, để vận chuyển tài liệu, vũ khí, thuốc men..., phục vụ công tác chiến đấu của BĐSG và lực lượng cách mạng trong nội đô Sài Gòn. Garage trở thành nơi liên lạc hợp pháp, bảo vệ cán bộ khi hội họp, tạm trú...
Ông Dương Bửu Chánh (con trai cụ Đức, nguyên thẩm phán TAND tối cao), nhớ lại: "Cha tôi dùng cơ sở này để cán bộ cách mạng ra vào Sài Gòn, liên lạc với các điểm trong nội đô và các tỉnh ven đô bằng cách chạy thử xe đã sửa xong. Ngoài ra, ông còn thiết kế gian phòng bí mật trên mái garage cho cán bộ ẩn nấp, làm cửa sau để cán bộ trốn thoát ra nghĩa trang, nằm phía sau garage".
Garage tại 499/20 CMTT, P.13, Q.10 (trước đây là đường Lê Văn Duyệt) đã được phục dựng
Đặc biệt, ông Trần Văn Lai trong "vỏ bọc" tư sản, nhà thầu khoán Dinh Độc Lập, thường đưa 2 ôtô hiệu Citroen biển số NCE-345 và Hino Pickup biển số EC-6045 đến garage cho cụ Đức kiểm tra, bảo dưỡng, thiết kế thành thùng xe "2 đáy" để vận chuyển tài liệu, vũ khí, đón rước nhiều lãnh đạo Quân khu ra vào nội đô Sài Gòn. Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đội 5 BĐSG trực tiếp sử dụng 2 ôtô này chở quân và vũ khí để tấn công Dinh Độc Lập.
Đất nước thống nhất, ông Lai được cụ Đức giúp tìm lại 2 chiếc xe trên, trở thành hiện vật lịch sử quốc gia. Hiện, 2 ôtô đang được trưng bày tại Bảo tàng BĐSG - TPHCM và Bảo tàng Binh chủng Đặc Công - Hà Nội.
Cơ sở cách mạng của BĐSG đã được phục dựng nguyên trạng với tên "Garage Citroen Dương Văn Đức D,Indochine; 499/20 Lê Văn Duyệt - Sài Gòn; since 1947".
Ngày 24-10-2022, Sở VHTT TPHCM có văn bản đề nghị xếp hạng di tích nhà số 499/20 CMTT, đồng thời giao Trung tâm BTDT chủ trì, lập hồ sơ khoa học theo quy định. Ngày 17-11-2022, Trung tâm BTDT tổ chức khảo sát, đề xuất xếp hạng di tích...100% thành viên có mặt (đại diện lãnh đạo CLB, Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VHTT, Phòng Văn hóa và Thông tin Q.10, UBND P.13, Q.10...) đều thống nhất đề xuất đưa garage vào danh mục "kiểm kê di tích". Ngày 06-12-2022, Sở VHTT tiến hành khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích.
Các đại biểu dự buổi tọa đàm ngày 20-12-2022
Thống nhất tên gọi "Garage BĐSG"
Tại buổi "Tọa đàm khoa học di tích lịch sử nhà số 499/20 CMTT" do Sở VHTT phối hợp với UBND Q.10 và CLB tổ chức ngày 20-12-2022, PGS, TS Phan Xuân Biên - Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Thư ký Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định, nhấn mạnh: Garage Tự Lực là cơ sở cách mạng nằm trong hệ thống các "căn cứ bảo đảm" của BĐSG, đã góp phần quan trọng vào sự kiện lịch sử vĩ đại - cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Thiết tưởng, việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy di tích là điều hết sức đáng trân trọng. Đó vừa là sự tôn trọng sự thật lịch sử, tôn vinh truyền thống dân tộc, vừa ghi nhận, tôn vinh công lao, thành tích to lớn của người chủ di tích - ông Dương Văn Đức, một phần trong lịch sử của lực lượng Biệt động anh hùng.
PGS, TS Hà Minh Hồng - Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TPHCM nêu ý kiến: Ông Dương Văn Đức đã đem toàn bộ garage và nghề mưu sinh phục vụ cho hoạt động của BĐSG trước, trong và sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Ông đã tổ chức và duy trì hoạt động cho Garage Tự Lực trở thành một nòng cốt của cơ sở cách mạng trong phong trào đấu tranh công khai của các tầng lớp nhân dân, cụ thể là đồng bào Phật giáo cách mạng ở đô thị Sài Gòn - Gia Định thời kháng chiến, cũng như phong trào xây dựng, bảo vệ thành phố trong thời bình...
Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TPHCM Ý chia sẻ: Nhà số 499/20 CMTT, nơi từng xuất phát những chiếc xe đã góp phần làm nên kỳ tích của đội quân "xuất quỷ nhập thần" làm rúng động Sài Gòn. Tin chắc rằng, garage không bị lãng quên, ngôi nhà phục dựng này sẽ được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa, làm phong phú thêm bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng BĐSG. Thời gian gần đây, Thường trực UBND TP rất quan tâm chỉ đạo các quận, huyện xây dựng tuyến điểm du lịch trên địa bàn, nhằm thúc đẩy, phát triển du lịch trên toàn TP. Nếu các di tích này gắn kết với nhiều di tích khác trên địa bàn Q.10, các di tích sẽ có điều kiện phát huy giá trị lịch sử, văn hóa thuận lợi hơn.
Đại tá Trần Đức Thơ - Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định
Đại tá Trần Đức Thơ đánh giá: Garage Tự Lực vừa là nơi bảo trì, sửa chữa ôtô, vừa là nơi hội họp, chuyển giao thư từ, tài liệu, mật lệnh...của BĐSG, là cơ sở của đơn vị bảo đảm chiến đấu BĐSG "J9 - T700" đã được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Từ năm 1968, gia đình ông Đức còn biến garage thành nơi che chở, bảo vệ cho hàng trăm người dân khu vực Hòa Hưng khỏi bom rơi, đạn lạc; giúp đỡ, nuôi cơm họ đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Có thể nói, những thành tích của ông Đức và Garage Tự Lực là một phần trong lịch sử của lực lượng BĐSG và phong trào yêu nước, phong trào cách mạng tại miền Nam trong thời kỳ kháng chiến, rất cần được tôn tạo, giữ gìn và công nhận di tích lịch sử, văn hóa để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ tương lai và mai sau.
Đại tá Nguyễn Huy Toàn - Viện Nghiên cứu lịch sử Quân sự Việt Nam nêu, các ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm đều nhất trí di tích này có giá trị lịch sử; chỉ còn thống nhất tên di tích. UBND Q.10 đưa ra quan điểm và đề xuất, ghi nhận sự nỗ lực của gia đình cụ Đức và các tổ chức, cá nhân hữu quan đang cố gắng hết sức sưu tầm tài hiệu, hồ sơ khoa học và từng bước khôi phục, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của cơ sở "Garage xe BĐSG". Quận ủy, UBND Q.10 và cả hệ thống chính trị đều đồng tình, ủng hộ và thống nhất quan điểm về việc xem xét, công nhận, xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa nhà số 499/20 CMTT và đề xuất TP giải quyết. Hy vọng "Garage BĐSG" sớm được công nhận là di tích, bảo tồn, phát huy giá trị...
Cụ Dương Văn Đức - chủ Garage Tự Lực
Trong các đơn vị bảo đảm chiến đấu của BĐSG, di tích nhà số 499/20 CMTT đã có nhiều đóng góp to lớn, phục vụ chiến đấu nội thành thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trung tâm BTDT tiếp tục liên hệ Bảo tàng TPHCM, Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II... để sưu tầm các tài liệu có liên quan đến nhà số 499/20 CMTT. Về tên gọi di tích, trong số các tên gọi được đưa ra như: Garage Dương Văn Đức; Garage Tự Lực; Cơ sở cách mạng của BĐSG; Garage BĐSG... thì Garage BĐSG được ủng hộ nhiều nhất.
Trao đổi với PV, Đại tá Trần Đức Thơ bày tỏ: "Việc công nhận, xếp hạng di tích nhà số 499/20 CMTT gặp một số trở ngại nên CLB đã có nhiều văn bản kiến nghị. Lãnh đạo TP, nhất là đồng chí Bí thư Thành uỷ rất quan tâm, dành tình cảm đặc biệt và chỉ đạo sát sao đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TPHCM. Vừa qua, Văn phòng Thành uỷ đã có 2 văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Hồ Hải, giao Ban cán sự đảng UBND TP phối hợp Ban Thường vụ Quận ủy Q.10 rà soát các kiến nghị của CLB, khẩn trương chỉ đạo giải quyết và báo cáo kết quả cho Bí thư Thành ủy và Thường trực Thành ủy. Với lòng tin sắt đá vào lãnh đạo TP, CLB chúng tôi tin tưởng cơ sở 499/20 CMTT sớm được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa với cái tên Garage BĐSG...".