Nơi lưu dấu một thời hoa lửa
Đến thời điểm này có ít nhất 7 cơ sở Biệt động Sài Gòn đã và đang được phục dựng. Đây là chuỗi di tích lịch sử được anh Trần Vũ Bình, con trai cố sĩ quan Biệt động Trần Văn Lai (bí danh Mai Hồng Quế) âm thầm đầu tư, trùng tu, phục dựng trong gần 20 năm qua. Từng hộp thư nổi, hệ thống hầm ngầm, các phương tiện phục vụ công tác, dụng cụ sinh hoạt đời thường của các chiến sĩ Biệt động... bằng nhiều cách đã được sưu tầm, phục hồi tương đối đầy đủ. Đang trở thành tâm điểm thu hút nhiều giới, nhiều lứa tuổi tìm đến để biết thêm về cuộc đời của họ sống, chiến đấu ngay trong lòng địch.
Chiếc xe đạp một thời được Biệt động Sài Gòn sử dụng trong công tác bí mật ở Sài Gòn (ảnh chụp tại Bảo tàng Biệt động)
"Kiến trúc sư” chuỗi cơ sở Biệt động thành ngày trước không ai khác chính là cố sĩ quan Biệt động Trần Văn Lai, nguyên mẫu trong tác phẩm điện ảnh kinh điển Biệt động Sài Gòn. Mới đây trong một lần tham quan kiến trúc căn nhà của ông (287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM), mới thấy cái tâm, cái tầm của người được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Căn nhà rộng chừng 40m2, trên cánh cửa vẫn còn nhiều vết đạn trong chiến dịch Mậu Thân. Bên dưới nền nhà có hầm sâu 2,5m, rộng 30m2. Miệng hầm được ngụy trang ngay giữa lối đi bằng 6 viên gạch, vừa vặn một người chui xuống.
Trong chiến dịch Mậu Thân, nơi đây từng chứa gần 3 tấn vũ khí đánh vào Dinh Độc Lập. Để giữ bí mật, trước đó mấy năm ông cùng các đồng chí của mình, đêm đến đào hầm, khối lượng lớn đất cát sau đó được chuyển ra ngoại thành "phi tang". Nhưng phải mất hơn 6 tháng căn hầm mới hoàn chỉnh. Anh Bình cho biết, theo lời cha kể: Cũng may, vào thời điểm đó ông là một thầu khoán nổi tiếng và giàu có ở Sài Gòn. Một người quảng giao trong giới chính khách "chóp bu" nên được "Phủ đầu rồng" tín nhiệm chọn làm nhà cung cấp đồ trang trí nội thất. Ông dùng chiếc Hino biển số EC-6054, dán logo "Phủ đầu rồng" làm vỏ bọc chuyển đất đào hầm ra ngoại thành, sau đó vận chuyển vũ khí từ Củ Chi về Sài Gòn mà không gặp trở ngại nào. Cơ sở này bí mật cho đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Ông Trần Vũ Bình (ngồi giữa) - người khai mở các điểm đến Biệt động Sài Gòn đang kể cho du khách nghe về công tác sưu tầm hiện vật
Ngày trước, khu Tân Định là khu nhà giàu, tướng tá Sài Gòn nhiều nhung nhúc, không ai nghĩ có cán bộ nằm vùng. Vậy mà ông Năm Lai (cách gọi của người Nam bộ) làm bí thư đến ba chi bộ: xóm chùa, xóm ruộng và xóm lách, thuộc quận 1 và quận 3. Tại đây cùng lúc ông xây dựng 2 cơ sở 145 Trần Quang Khải và 113 A Đặng Dung. Nhà 145 khi đó là trụ sở nghiệp đoàn trang trí địa ốc, đó là cái "vỏ”, thực chất bên trong là nghiệp đoàn tình báo. Nhà 145 giờ đây đã trở thành di tích và được gọi là bảo tàng tình báo. Nơi đây trưng bày khá đầy đủ các hiện vật liên quan đến công tác hoạt động ngày trước. Thông thường, các bảo tàng phải đứng xem, còn ở đây người xem được ngồi, vì rằng bảo tàng được chủ nhân đầu tư, chăm chút khá kỹ lưỡng. Đến đây còn được xem những bộ phim ngắn về "con đường tình báo" với màn hình tương tác và được nghe kể, giao lưu với nhân chứng lịch sử một thời vào sinh ra tử.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: Vì sao ông Năm Lai thoát được nhiều cuộc truy lùng của kẻ thù sau chiến dịch Mậu Thân? Theo nhiều đồng đội cũng như con trai của ông kể: Đơn giản vì ông sống tốt. Luôn lấy việc xây dựng cơ sở đồng ngành, đồng hương (hiểu sâu, hiểu nhau) làm nền tảng. Mỗi khi làm việc gì kể cả đi, đứng, nằm, ngồi đều phải tính toán kỹ càng, bài bản. Và để tồn tại lâu trong lòng địch, ông tâm niệm phải làm được ba điều: nghề nghiệp hóa, quần chúng hóa và hợp thức hóa. Song, để tạo cho ông vỏ bọc chắc chắn, tổ chức sắp đặt ông lấy bà Phạm Thị Chinh (hy sinh 1964), trở thành cháu rể của ông chủ tiệm vàng Phú Xuân và ít lâu sau thành nhà thầu khoán Mai Hồng Quế.
Căn nhà lầu 3 tầng nằm trên đường Hai Bà Trưng, P.Tân Định, quận 1, ngày trước là hiệu vàng lá Phú Xuân vốn là cơ sở hoạt động của bà Chinh, một trong những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Hiện nay, điểm di tích này đang trong quá trình phục dựng, tái hiện một thời kỳ lịch sử của Sài Gòn. Đến đây người xem sẽ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử và sự phát triển của ngành vàng bạc tại Việt Nam, được xem quá trình chế tác các sản phẩm vàng bạc, vàng lá của Sài Gòn xưa... Ngoài ra còn có hai di tích khác là xưởng sản xuất đồ trang trí nội thất ngày trước ở Phú Nhuận và garage sửa chiếc Hino chở vũ khí tập kích Dinh Độc Lập nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, đang gấp rút sửa sang, cải tạo, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay.
Khách tham quan tại chuỗi di tích Biệt động Sài Gòn
Ăn cơm tấm Đại Hàn, uống cà phê Biệt Động
Quán cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, từng là "căn cứ" của Biệt động Sài Gòn, tọa lạc tại số 113 A Đặng Dung, quận 1. Cách quán cơm vài căn nhà là biệt thự của Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn I, Vùng I chiến thuật. Không ai ngờ nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất. Nơi đây được thành lập vào những năm 1944 - 1946, lưu giữ hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn trong suốt hai cuộc kháng chiến mà không bị phát hiện. Lúc mới gầy dựng cơ sở, sĩ quan Biệt động Trần Văn Lai giao quán cơm cho ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự quản lý. Cả hai vợ chồng đều là những người thợ, chiến sĩ làm trong xưởng trang trí nội thất của mình. Thế nên khởi đầu quán có tên "Cơm tấm bà Sự". Khách chủ yếu là cánh tài xế và dân lao động nghèo. Về sau quán đổi tên thành Đại Hàn, vì phía trước quán có cư xá của lực lượng quân đội Nam Triều Tiên tham chiến tại Việt Nam. Con trai bà Sự về sau có lần kể bên dưới lính Đại Hàn ngồi ăn cơm tấm, trên gác các chiến sĩ cứ thảng nhiên ngồi đánh máy truyền đơn. Không phải một lần mà việc này diễn ra khá thường xuyên.
Ngày nay, "căn cứ" Biệt động được đổi tên thành Bảo tàng Biệt động. Với hơn 1.000 kỷ vật của những chiến sĩ Biệt động năm xưa được chủ nhân dày công sưu tầm, phục chế bày kín cả hai gian nhà. Riêng món cơm tấm Đại Hàn ăn cùng với kim chi Hàn Quốc vẫn giữ nguyên vị đặc trưng của ngày trước. Còn ly cà phê Đỗ Phủ vẫn mang hương vị hoài niệm Sài Gòn xưa. Đó là loại cà phê có gốc từ Buôn Ma Thuộc, sau khi chế biến đem pha với bơ Bretel của Pháp. Loại bơ này có vị mặn của muối. Cách uống cà phê Đỗ Phủ trước giờ có hơi khác lạ. Cà phê bơ chế ra nắp phin, dùng bánh quẩy chấm, ăn xong mới thưởng thức hương vị cà phê còn lại trong ly. Một món thức uống độc đáo, thể hiện sự đa văn hóa của Sài Gòn xưa. Uống một ly cà phê có tới ba nền văn hóa quyện lấy nhau: Việt Nam, Tàu, Tây, có lẽ chỉ có ở Sài Gòn!
Ngày nay các di tích lịch sử Biệt động Sài Gòn không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa lịch sử chính trị, văn hóa giàu tính nhân văn, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.