Cụm thi đua Phụ nữ I Công an TPHCM với hành trình “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”

Thứ Sáu, 14/04/2023 16:40

|

(CAO) Đây là dịp để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tự hào dân tộc; nâng cao nhận thức, ý nghĩa lịch sử của các di tích, thấu hiểu về lịch sử dân tộc, về sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ vì nền độc lập đối với cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an TPHCM.

Chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2023); kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nội địa (18/4/1946- 18/4/2023); ngày 14/4, Cụm thi đua phụ nữ I Công an TPHCM do Trung tá Đặng Kim Hoàng làm trưởng đoàn đã có chuyến hành trình “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”.

Theo đó, Đoàn đã lần lượt tham quan Hầm chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn tại 287/70-72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3; thắp hương tại Bia tưởng niệm các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong trận tấn công vào Dinh Độc Lập năm 1968; và thăm Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn 113A Đặng Dung, quận 1.

Đoàn dâng hương tại Bia tưởng niệm các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong trận tấn công vào Dinh Độc Lập năm 1968

Điểm dừng chân cuối cùng của Đoàn là ở Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định (145 Trần Quang Khải, quận 1). Tại đây, sau khi tham quan và được hướng dẫn viên giới thiệu về các hiện vật quý giá được lưu trữ tại bảo tàng; các cán bộ chiến sỹ đã có dịp giao lưu cùng 2 nhân chứng lịch sử Biệt động Sài Gòn.

Cụm thi đua Phụ nữ I Công an TPHCM chụp ảnh lưu niệm trước di tích lịch sử trong chuyến về nguồn ngày 14/4

Đó là bà Đặng Thị Thiệp - người từng cùng chồng là Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai đào hầm bí mật, vận chuyển và cất giấu hơn 2 tấn vũ khí phục vụ cho biệt động Sài Gòn tấn công vào mục tiêu Dinh Độc Lập và chi viện cho mục tiêu khác trong chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968; và bà Trần Thị Lệ Thu (bí danh Thu Bà Điểm) - giao liên, sát cánh cùng ông Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu)- Chỉ huy Trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn trong thời gian chuẩn bị và diễn ra cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.

Một góc trưng bày hình ảnh và hiện vật tại Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định (145 Trần Quang Khải, quận 1)

Buổi giao lưu diễn ra trong không khí ấm cúng và trang trọng. Hai nhân chứng lịch sử đã kể lại hồi ức của mình về những ngày chiến đấu hào hùng, đồng thời nói lên tinh thần mưu trí, gan dạ, dũng cảm, táo bạo trong quá trình chiến đấu và bảo đảm chiến đấu của các cán bộ, chiến sỹ Biệt động thành năm xưa.

Bà Đặng Thị Thiệp, hiện đã 80 tuổi, kể: trong thời gian bà vào Sài Gòn hoạt động và được tổ chức giới thiệu cho gặp ông Trần Văn Lai- người đã lọt vào Dinh Độc Lập làm thầu khoán, lấy tin tức tình báo, và trở thành một cơ sở đắc lực trong nội thành, phục vụ các kế hoạch chiến lược, đưa đón cán bộ lãnh đạo Quân khu Sài Gòn - Gia Định từ căn cứ vào thành công tác; và làm kinh tế để tiếp tế, chi viện cho Quân khu…

Bà Thiệp (áo hoa) đang kể chuyện về thời gian cùng chồng hoạt động cách mạng

Năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ thị đơn vị bảo đảm chiến đấu của Biệt động Sài Gòn xây dựng 12 hầm vũ khí chiến lược trong nội thành để chuẩn bị cho kế hoạch lớn khi có thời cơ. Ông Trần Văn Lai cùng các cán bộ khác nhận lệnh đào hầm, vận chuyển vũ khí từ căn cứ về và cất giấu trong hầm, chủ yếu là tại chính căn nhà của các gia đình Biệt động sinh sống.

Bà Thiệp đã sát cánh cùng chồng mua nhiều căn nhà ở gần các mục tiêu chiến lược, các cơ quan đầu não của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa; trong đó có ba căn nhà liền kề ở 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu, Q3 hiện nay để phục vụ cho kế hoạch đánh mục tiêu Dinh Độc Lập. Tại căn nhà này, ông Lai đã đào hầm, vận chuyển và cất giấu thành công hơn 2 tấn vũ khí, với sự chung tay của người vợ, người đồng chí Đặng Thị Thiệp trong vòng bố ráp gắt gao của địch.

Trong buổi gặp mặt này, bà Trần Thị Lệ Thu, 73 tuổi, cựu giao liên của Chỉ huy Trưởng Biệt động Sài Gòn, cũng đã chia sẻ về những hiểm nguy, gian khổ mà bà đã trải qua trong những tháng ngày sát cánh cùng chỉ huy, miệt mài như con thoi đưa thư từ, mệnh lệnh cho các cán bộ khác để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Bà Trần Thị Lệ Thu đang kể về những thời khắc của lực lượng Biệt động Sại Gòn

Chia sẻ với các cán bộ chiến sỹ Công an TP.HCM, bà Thu nhấn mạnh cuộc tổng tấn công của lực lượng Biệt động Sài Gòn vào các mục tiêu đầu não của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa Xuân Mậu Thân 1968, đặc biệt là cuộc tấn công vào mục tiêu Đại sứ quán Mỹ có thể xem là trận đánh quan trọng nhất, làm lung lay ý chí chiến đấu của lính Mỹ, tạo nên bước ngoặt của cuộc chiến tranh.

Cuộc tấn công của Biệt động Sài Gòn đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ và buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam, là tiền đề để đi đến thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.

CBCS được nghe về những câu chuyện từ những đồ vật được lưu giữ tại  Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

“Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” là hành trình đầy ý nghĩa của Cụm thi đua Phụ nữ I Công an TPHCM; vừa thể hiện lòng kính trọng và biết ơn sự đóng góp của các nhân chứng lịch sử trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, thống nhất của Tổ quốc; vừa là dịp để các cán bộ chiến sỹ Công an học hỏi và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để góp phần giữ vững nền an ninh, trật tự của TPHCM và xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng hai  nhân chứng lịch sử

Trung tá Đặng Kim Hoàng cho biết: "Chuyến về nguồn trên đã tạo ra rất nhiều cảm xúc cho các thành viên trong Đoàn, đặc biệt vào đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nội địa. Có thể nói, trải qua ngần ấy năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành, lực lượng này đã luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sát cánh cùng các lực lượng khác trong CAND lập nhiều chiến công, góp phần bảo vệ đất nước qua các giai đoạn lịch sử. Do vậy, đây cũng là dịp giúp các CBCS trong Cụm hun đúc thêm tinh thần yêu nước để tiếp tục đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang