TP.Hồ Chí Minh: Quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính

Thứ Năm, 13/04/2023 16:44

|

(CATP) Thực hiện chủ đề năm 2023 của TPHCM về "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội", nhằm tiếp tục triển khai "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng tới năm 2030" theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chuyên đề Công an TPHCM đã đưa tin), TPHCM đang quyết liệt chuyển đổi số trong CCHC, trong đó nhiệm vụ và trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị vô cùng quan trọng...

Chung tay vào cuộc

Cùng với các sở, ban ngành, Công an TPHCM đã đạt nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm chất lượng, tiến độ trong công tác CCHC. Năm 2022, về lĩnh vực xuất nhập cảnh đã giải quyết 168.799 hồ sơ (HS) cấp hộ chiếu phổ thông, 43.056 HS cấp thị thực, thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hay trong việc đăng ký xe cơ giới đường bộ là 632.458 HS... Trong lĩnh vực cư trú đã giải quyết hơn 1,5 triệu HS theo quy định của Luật Cư trú; cấp, quản lý căn cước công dân cho hơn 3,5 triệu HS, cấp hơn 1 triệu tài khoản định danh điện tử...

Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM - cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Công an và UBND TPHCM, công tác CCHC năm 2023 sẽ thực hiện nhiều giải pháp đột phá, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực rất lớn cho cơ quan quản lý nhà nước và người dân, doanh nghiệp (DN).

Tiêu biểu về CCHC, Sở Xây dựng (XD) TPHCM cũng đang quyết liệt triển khai thực hiện cùng các sở, ban ngành khác. Từ đầu năm 2023, sở này đã chính thức vận hành tiếp nhận, xử lý HS công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa vật liệu XD theo hình thức dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3 trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TPHCM. Hệ thống mới được triển khai đáp ứng đầy đủ các tính năng, được kết nối, tích hợp với Cổng DVC quốc gia. Nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC còn cung cấp công cụ theo dõi về tiến trình, nhật ký HS, ghi nhận tất cả nội dung trao đổi, giao dịch điện tử giúp cá nhân, tổ chức, DN trực tiếp theo dõi, giám sát HS của mình, đồng thời qua đó tạo thành công cụ để giám sát việc thực hiện DVC của các cơ quan nhà nước.

Nỗ lực phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn

Theo đó, khi tham gia Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, cá nhân, DN, tổ chức sẽ được hưởng một số lợi ích như: đăng ký, theo dõi HS và nhận kết quả trực tuyến (tùy mức độ DVC của thủ tục); kịp thời nắm bắt các thông tin thay đổi TTHC, cũng như thông tin công khai về tiến trình xử lý TTHC; được hỗ trợ giải đáp kịp thời bằng nhiều hình thức trực tuyến khác nhau với thời gian 24/7 thông qua Tổng đài 1022 nhánh số 2 hoặc phản ánh ý kiến trực tiếp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố; được sử dụng dữ liệu (DL) HS điện tử trên cơ sở kho DL từ các HS đã đăng ký và kết quả trực tuyến, kho DL số hóa cá nhân, kho DL từ hệ thống chứng thực pháp lý văn bản điện tử. Dữ liệu này sẽ được sử dụng lại cho các lần sử dụng DVC trực tuyến tiếp theo.

Từ khi vận hành đến nay, Sở XD đã giải quyết 60 HS thí điểm trong năm 2022 và 785 HS chính thức trong năm 2023 (tính đến ngày 28-02-2023) thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TPHCM, đều bảo đảm thời hạn xử lý theo quy định. Sở XD cho biết sẽ phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông tiếp tục hoàn thiện các tính năng, công cụ của hệ thống, nhằm ngày càng tối ưu hóa, trích xuất và xử lý DL, tự động liên kết ban hành kết quả của thủ tục, ứng dụng chữ ký số... nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, tổ chức, DN trong thời đại "kỷ nguyên số" hiện nay.

Công an TPHCM nỗ lực, tận tụy trong đột phá về cải cách hành chính

Nâng cao hiệu quả công vụ, trách nhiệm người đứng đầu

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá chỉ số CCHC của các sở, ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức đã được cải thiện, đây là kết quả khả quan, phản ánh sự chuyển biến của các đơn vị, địa phương; có những đơn vị, địa phương rất nỗ lực đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, ông Võ Văn Hoan cũng nhìn nhận bên cạnh sự cố gắng vẫn còn nhiều điểm yếu, điểm tồn tại, đó là tuy có nhiều giải pháp, được chỉ đạo quyết liệt nhưng việc giải ngân đầu tư công của thành phố vẫn còn chậm, tiến độ giải quyết TTHC còn chậm so với quy định; người dân và DN gặp nhiều khó khăn trong giải quyết TTHC ở giai đoạn triển khai, ngoài ra là các thách thức trong sắp xếp cơ quan sự nghiệp công lập.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các sở, ngành bám sát kế hoạch CCHC của TPHCM, đặt CCHC là vấn đề trọng tâm, xem hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức là trọng yếu; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, trách nhiệm thực thi và trách nhiệm tham mưu của cán bộ, công chức. Trong đó, ông Võ Văn Hoan nêu rõ: Người đứng đầu phải có trách nhiệm nêu gương, phải quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo; nêu gương ở tinh thần, thái độ lăn xả vào công việc, cái gì đúng thì quyết liệt làm tới cùng, cái gì chưa đúng thì làm cho đúng, cái gì chưa có thì kiến nghị, đề xuất. Người đứng đầu cũng phải có trách nhiệm trong giao việc, giao việc phải đúng, không bị chồng chéo, nhiều người cùng làm một việc.

Ngoài ra, người đứng đầu phải kiểm tra và xử lý, có công cụ, bộ máy để thực hiện việc kiểm tra. Đối với công chức, những người trực tiếp làm việc với người dân và DN, phải có trách nhiệm nắm rõ công việc, việc gì đúng phải làm ngay, việc gì mập mờ chưa rõ thì phải báo cáo đề xuất. Về hỗ trợ DN, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng đề nghị các cơ quan, sở ngành theo chức năng, nhiệm vụ xem xét lại từng khâu, từ quy hoạch đến đầu tư XD, đất đai, thuế, nghĩa vụ tài chính... Mục tiêu của năm 2023 là giải quyết hết các tồn đọng và không để phát sinh tồn đọng.

Cải cách hành chính để TPHCM phát triển vượt bậc

UBND TPHCM đề nghị các sở, ngành, quận, huyện thực hiện kế hoạch công tác CCHC năm 2023 của TPHCM; trong đó, người đứng đầu phải quyết liệt, quyết tâm, sáng tạo, bởi hiện nay có hiện tượng người đứng đầu cũng "chùn tay". Bên cạnh đó phải có trách nhiệm giao việc, rà soát, kiểm tra xử lý; trong đó rà soát quy trình nội bộ cũng như liên thông xem có phù hợp không, cần tháo gỡ những gì và phải ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát, quản lý. Các trường hợp người dân và DN còn vướng, cần khắc phục ngay; nếu chậm trễ mà ảnh hưởng thuộc chủ quan của mình và ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm, giá trị vật chất của người dân, DN thì đề nghị phải đi xin lỗi chứ không phải gửi thư xin lỗi.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhấn mạnh, đề nghị thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch quận, huyện, TP.Thủ Đức phải tập trung giải quyết bằng được các trường hợp dân gặp vướng do lỗi của chúng ta, gây thiệt hại, nên tổ chức gặp và xin lỗi, chứ không phải gửi thư xin lỗi hành chính bình thường.

Năm 2023, TPHCM đề ra các chỉ tiêu phấn đấu, như chỉ số CCHC cao hơn năm 2022 và thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước, tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn từ 98% trở lên trong từng lĩnh vực, giảm tỷ lệ giải quyết HS trễ hạn trong lĩnh vực đăng ký đất đai...

Trước đó, vào năm 2021, TPHCM có chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan đạt 86%, nằm trong nhóm các tỉnh, thành có mức hài lòng thuộc loại trung bình. Tuy nhiên, so với các năm, TPHCM có sự tiến bộ vượt bậc trong việc nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi từng nhấn mạnh: "Đề nghị các sở, ngành nhìn thẳng vào thực tế, phải tự soi vào hoạt động của cơ quan mình, thấy điểm hợp lý thì cầu thị, tiếp thu với tinh thần sửa để tốt hơn... Muốn bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn, muốn thành phố phát triển thì phải CCHC".

Bình luận (0)

Lên đầu trang