Nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân
Cùng 3 TP hiện có là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên là TP thứ 4 trực thuộc tỉnh Bình Dương. Là địa phương ở phía Đông Nam của Bình Dương, Tân Uyên tiếp giáp với 4 TP trực thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Đây là lợi thế để Tân Uyên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Năm 2018, sau khi đạt chuẩn đô thị loại 3, kinh tế của Tân Uyên đã phát triển mạnh mẽ với bàn đạp là lĩnh vực công nghiệp. Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tân Uyên luôn duy trì ở mức hai con số. Tân Uyên đang hội tụ đầy đủ những yếu tố tăng trưởng về kinh tế, vốn FDI, dân số, hạ tầng... để bứt phá với lộ trình lên TP trước năm 2025 và nay giấc mơ ấy thành hiện thực.
Với vị trí địa lý đặc biệt, TP.Tân Uyên là địa bàn quan trọng của tỉnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành như công nghiệp, dịch vụ, thương mại. TP.Tân Uyên có hệ thống giao thông đối ngoại, giúp cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa luân chuyển đi các tỉnh, thành phía Nam nhanh chóng và thuận lợi; có cảng sông Thạnh Phước, mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực logistics.
Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,57%/năm, trong đó ngành công nghiệp phát triển dẫn đầu. Hiện nay, TP.Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký 32.560,507 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 5.297,55 triệu đô-la Mỹ. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% - 34,6% - 1,23%. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 32.996 tỷ đồng, tăng 12,08% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngày 19-3-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ động thổ KCN Việt Nam - Singapore (VSIP III) tại Tân Uyên và chứng kiến trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp
TP.Tân Uyên hiện có 2 dự án là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore lớn nhất Bình Dương và cả nước là VSIP II có quy mô 2.045 ha và VSIP III quy mô hơn 1.000 ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng.
Ngày 03-11-2022, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã động thổ dự án xây dựng nhà máy tại đây, với số vốn đầu tư trị giá 1 tỷ USD và cũng là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Đan Mạch vào Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng đối với tập đoàn, bởi đây là nhà máy thứ 6 trên toàn cầu và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO.
Khu công nghiệp VSIP III đang được xây dựng với quy mô khoảng 1.000 ha, tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến hơn 6.400 tỷ đồng. Hiện đã có khoảng 31 doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại đây, tương đương 176 ha đất công nghiệp và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư dự kiến.
Không chỉ công nghiệp, thương mại - dịch vụ của Tân Uyên tiếp tục phát triển sôi động, giá trị ước đạt 17.795 tỷ đồng, tăng 23,15% so với cùng kỳ năm 2021. Giai đoạn 2021 - 2025, Tân Uyên xác định định hướng phát triển là khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo nền tảng để TP.Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025.
Giao thông thuận lợi, công nghiệp phát triển mạnh mẽ là những lợi thế giúp Tân Uyên trở thành cực phát triển mới của Bình Dương. Mục tiêu tổng quát của Bình Dương là phát triển TP.Tân Uyên trở thành một trung tâm lớn ở phía Nam của tỉnh về công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa - du lịch; đô thị mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, thu hút người dân TPHCM đến sinh sống và làm việc. TP.Tân Uyên hình thành là không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và đô thị Bình Dương cũng như TPHCM và TP.Biên Hòa, sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía Nam đất nước; là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và của vùng.
Đưa Bình Dương trở thành đô thị thông minh, đáng sống
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, việc Tân Uyên được nâng lên thành TP sẽ tạo điều kiện phát triển cho người dân, đóng góp chung cho tỉnh và vùng. Đây là địa bàn có cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90%; thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng/năm. Hiện trên địa bàn TP.Tân Uyên có 2 khu công nghiệp VSIP II và VSIP 3; 3 cụm công nghiệp và 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động. "Tỉnh đang xây mới, nâng cấp nhiều dự án quan trọng, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2030 đưa Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp công nghệ cao và đô thị thông minh, văn minh, đáng sống", ông Lợi cho biết.
Hạ tầng hoàn thiện tạo động lực cho bất động sản của Tân Uyên phát triển, hấp dẫn các nhà đầu tư
TP.Tân Uyên đang được hưởng lợi thế từ kế hoạch lớn về giao thông của tỉnh Bình Dương. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng như đại lộ Nam Uyên Hưng, Vành đai 4, đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một; nhiều tuyến tỉnh lộ như ĐT 741, ĐT 742, ĐT 745, ĐT 746, ĐT 747... đã được triển khai để kết nối Tân Uyên với các địa phương lân cận, tạo nên hệ thống giao thông tiện lợi và hiện đại, kéo Tân Uyên gần hơn với Thủ Dầu Một, Biên Hòa, TPHCM...
Hạ tầng đầu tư tốt, Tân Uyên sẽ càng phát huy được thế mạnh của mình, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ trong và ngoài nước. Đặc biệt với lợi thế về vị trí địa lý, công nghiệp phát triển mạnh mẽ, Tân Uyên sẽ trở thành địa phương có nhu cầu về nhà ở rất lớn, đưa thị trường bất động sản ở địa phương này trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Với nhiều lợi thế như vậy, Tân Uyên đang trên đường trở thành đô thị thông minh điển hình của Bình Dương, đưa Bình Dương trở thành cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Trong tương lai rất gần, thị xã Bến Cát là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân lao động, cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án lên TP trực thuộc tỉnh Bình Dương. Các địa phương phía Bắc khác như các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên còn dư địa khá lớn về đất đai, cho thấy tiềm năng phát triển của Bình Dương là rất lớn.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, giai đoạn 2022-2030, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung phát triển 10.000 ha công nghiệp, tạo thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng, trên địa bàn các huyện, thị phía Bắc, vừa tiếp tục phát triển công nghiệp vừa là nơi dịch chuyển các doanh nghiệp phía Nam (khoảng 2.888 doanh nghiệp cần phải di dời lên phía Bắc) hoặc tái cấu trúc lại và dư ra khoảng 2.000 ha để phát triển đô thị, dịch vụ của TP.Thuận An và TP.Dĩ An trở thành trung tâm đô thị tầm cỡ khu vực, đưa tỉnh Bình Dương trở thành một TP lớn trực thuộc trung ương.
Bình Dương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước
Ngày 13-02-2023, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thành lập TP.Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương bằng Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-4-2023. TP.Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên với diện tích gần 192 km2, dân số hơn 466.000 người, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường và 2 xã. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước năm 2021 với 7,12 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước, tăng 1,71% so với năm 2020. Mục tiêu của Bình Dương về tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 15.700 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2031-2050 khoảng 5,5 - 6%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 31.300 USD, trở thành tỉnh có mức thu nhập trung bình cao; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 50% GRDP.