DOANH NGHIÊP SƯỚNG, DÂN…KÊU TRỜI (!)
Ba ông Nguyễn Văn Lành (1951), Đỗ Hoàng Miên (SN 1951) và Nguyễn Văn Bính (SN 1966, cùng ngụ TXTU) đồng viết đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo một số cán bộ huyện Tân Uyên (nay là TXTU) có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc thu hồi hơn 120.000m2 đất để thực hiện dự án (DA) Nhà máy sản xuất săm lốp ôtô - xe máy tại địa phương do Công ty CP Casumina làm chủ đầu tư.
Trưng ra bằng chứng, ba ông Lành - Miên - Bính đều cho rằng, đây là DA kinh doanh thu lợi nhưng giá bồi thường, hỗ trợ rất thấp. Theo quyết định (QĐ) số 6528/QĐ-UB ngày 6-11-2001 của UBND tỉnh Bình Dương, đối với đất tập đoàn trước đây (đất công), giá phê duyệt là 12.000 đồng/m2, trong đó các hộ dân được nhận 5.000 đồng, còn lại 7.000 đồng nộp ngân sách (NNS).
Căn cứ QĐ trên, hộ ông Lành có 25.242m2 đất bị thu hồi với số tiền chủ đầu tư phải chi trả là 302,904 triệu đồng, nhưng ông chỉ được nhận 126,21 triệu, còn 176,69 triệu NNS (thể hiện tại biên bản đền bù lập ngày 30-9-2002). Tương tự, hộ ông Miên có 10.208m2 đất (127,496 triệu đồng), chỉ được nhận 56,04 triệu, còn 71,456 triệu NNS; hộ ông Bính có 7.500m2 (90 triệu đồng) nhưng chỉ nhận 37,5 triệu, còn 52,5 triệu NNS.
Ông Miên trình bày:“Khung giá đất nông nghiệp được tỉnh Bình Dương phê duyệt tại thời điểm đó là 20.000 đồng/m2; trong khi đất của chúng tôi hạ xuống còn 12.000 đồng vì cho là đất công. Trên thực tế, đất này do ba hộ quản lý sử dụng liên tục nhiều năm, nộp thuế đầy đủ. Không chỉ giá “bèo”, chúng tôi còn bị cắt tiếp hơn một nửa NNS, nên phải chịu thiệt đơn, thiệt kép!”.
Đại diện các hộ dân trình bày bức xúc với PV- Ảnh: Văn Cương
Các hộ dân liên tục khiếu nại, kêu cứu đề nghị tỉnh và huyện xem xét nâng giá bồi thường, hỗ trợ đồng thời cho họ được nhận số tiền đã trích ra NNS. Ngày 29-7-2009, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản do Phó Chủ tịch Trần Thị Kim Vân ký, gửi ông Lành nêu rõ: UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Tân Uyên xem xét, hỗ trợ thêm cho ông Lành với mức bằng số tiền còn lại do doanh nghiệp NNS tại thời điểm năm 2002 (7.000 đồng/m2). Hai ông Miên - Bính cũng nhận được hai văn bản tương tự.
Đến ngày 15-3-2011, Chủ tịch UBND tỉnh lúc này là ông Lê Thanh Cung chủ trì cuộc họp, tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Tân Uyên: Nếu các hộ thực sự khó khăn thì xem xét giải quyết chính sách hỗ trợ hoặc bán một suất tái định cư theo giá nhà nước.
Ông Lành bức xúc:“Trong khi nguyện vọng chính đáng của các hộ dân không được xem xét, cả số tiền 7.000 đồng/m2 cũng chưa được nhận thì ngày 20-1-2014, ông Cung ký văn bản chấm dứt thụ lý, giải quyết khiếu nại. Đến ngày 26-8-2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hùng Dũng ký tiếp văn bản không giải quyết đơn khiếu nại, buộc lòng chúng tôi phải làm đơn tố cáo”. Theo ba Lành, sở dĩ tỉnh chấp dứt giải quyết là do báo cáo đề xuất từ UBND huyện Tân Uyên.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Võ Văn Tiếp (SN 1947, ngụ TXTU) cũng vừa có đơn kêu cứu. Theo ông Tiếp trình bày, gia đình ông bị thu hồi 11.319m2 để thực hiện DA cụm công nghiệp nhựa với giá hỗ trợ 15.000 đồng/m2 nhưng chỉ nhận được 5.000 đông, còn 10.000 đồng NNS. Liên tục khiếu nại, ông được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý hỗ trợ thêm số tiền còn lại (10.000 đồng/m2) thể hiện tại công văn 2151/CV-UBND ngày 29-7-2009 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nên cũng đã có đơn tố cáo.
HÀNH XỬ KỲ LẠ CỦA BÀ TRƯỞNG PHÒNG
Phóng viên Báo CATP có mặt tại trụ sở UBND TXTU để nắm tình hình vụ việc. Ông Phạm Tuấn Khanh - Phó chánh Thanh tra TXTU, chia sẻ, ông mới giữ chức vụ này hơn một năm nên không nắm rõ, vụ việc trước đây do Phòng Tài chính - Kế hoạch (TC-KH) TXTU phụ trách, trong đó có ông Lương Minh Hoàng (cán bộ của Phòng) trực tiếp thực hiện. Ông Khanh liên lạc với ông Hoàng và Trưởng phòng TC-KH là bà Trần Thị Chung để tiếp PV.
Chỉ đạo ông Hoàng đưa PV vào phòng, sau khi xem thẻ nhà báo, bà Chung đề nghị ngồi chờ rồi đi ra ngoài. Phía ông Hoàng đã ôm chồng hồ sơ liên quan đến vụ việc để trên bàn nhưng phải chờ ý kiến của bà Chung.
Chờ khoảng 10 phút, bà Chung từ ngoài bước vào phòng, tỏ thái độ khác:“Anh đến đây làm việc có giấy giới thiệu không?”. PV đáp lại, theo quy định, PV có thẻ nhà báo là được phép tác nghiệp, không cần giấy giới thiệu. Bà Chung đổi giọng:“Tôi đã liên hệ với anh Đoàn Hồng Tươi - Phó Chủ tịch UBND TXTU, phụ trách Phòng TC-KH (đang bận đi học) và được chỉ đạo, PV phải liên hệ với Văn phòng UBND TXTU để được hướng dẫn”. PV đáp lại: “Chúng tôi đã đến tận nơi, hồ sơ cũng đã có sẵn, Phòng TC-KH phục trách trực tiếp vụ này, chị không trao đổi lại đẩy sang nơi khác?”. Bà Chung lý giải lòng vòng một lúc, cuối cùng vẫn từ chối.
DA của Công ty CP Casumina đi vào hoạt động, sinh lợi từ lâu, trong khi dân bị thu hồi đất vẫn kêu cứu- Ảnh: Văn Cương
Trước đó, PV đã được Phó chánh Thanh tra Phạm Tuấn Khanh cho biết, lãnh đạo Văn phòng UBND TXTU đã có cuộc họp quan trọng. Có lẽ, bà Chung biết rõ điều này nhưng lại làm khó PV? Chúng tôi đã để lại số điện thoại nhờ ông Khanh chuyển đến Văn phòng UBND TXTU với mong muốn được trao đổi để nắm thông tin một cách khách quan, tuy nhiên đã hơn một tháng trôi qua PV vẫn chưa nhận được phản hồi.
Bức xúc của các hộ nông dân là chính đáng, rất mong lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo xử lý dứt điểm, xem xét thấu tình đạt lý, cho các hộ này nhận được tiền hỗ trợ (phần trích nộp vào ngân sách 7.000 đồng/m2 đất), ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu tố dai dẳng suốt hơn 13 năm qua.
Qua đây cũng đề nghị lãnh đạo TXTU xem xét lại cách hành xử của bà Trưởng phòng TC-KH trong việc tiếp và cung cấp thông tin cho báo chí nhằm tránh xảy ra trường hợp tương tự.
Trao đổi với PV Báo CATP sáng 15-2-2016, ông Lành cho biết, ông vừa nhận được văn bản của Ban tiếp công dân tỉnh Bình Dương do Trưởng Ban Nguyễn Khôi Việt ký, cho rằng ông tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích nên tỉnh không thụ lý, giải quyết. Không đồng ý, ông đã làm đơn xin gặp lãnh đạo tỉnh để trình bày ý kiến.
|