Truyền thống Anh hùng của Ban An ninh T4
trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đã có hàng triệu người con ưu tú của dân tộc hiến dâng cả cuộc đời mình để giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Trong đó, lực lượng CAND có hơn 14.000 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) anh dũng hy sinh; hơn 5.000 thương binh. Nếu tính riêng từ năm 1975 đến năm 2022 đã có 1.061 CBCS CAND anh dũng hy sinh, 2.021 đồng chí bị thương.
Trong thành tích chung của lực lượng CAND, CATP có những đóng góp to lớn từ những năm tháng chống Mỹ cứu nước cho đến sau 1975.
Với Sài Gòn - TPHCM, tháng 3/1962, Bộ Công an thành lập 5 trung tâm tình báo ở miền Nam, trung tâm tại Sài Gòn là tổ A1. Tháng 7/1962, Bộ Công an chi viện đợt đầu gồm 160 cán bộ cho an ninh miền Nam, trong đó có 5 đồng chí được phân công về Ban bảo vệ an ninh Khu Sài Gòn - Gia Định (gọi chung là Ban An ninh T4 - ANT4). Đầu năm 1965, Tổ điệp báo A1 nhập vào Ban ANT4.
Từ tháng 5/1965 đến 30/4/1975, giữa điệp trùng họng súng Mỹ - ngụy, các chiến sĩ ANT4 đã kiên trì bám trụ, chủ động tấn công địch, phá những vụ nội gián nổi tiếng như tiêu diệt tên Bộ trưởng chiến tranh tâm lý ngụy Nguyễn Xuân Chữ, bảo vệ an toàn cho Wiefred Burchett - một nhà báo người Úc sang thăm vùng giải phóng miền Nam... ANT4 đã chiến đấu không tiếc xương máu trong điều kiện hết sức khó khăn ngay trong lòng địch.
Tháng 01/1966, Phân đội An ninh vũ trang, ANT4 bảo vệ Khu ủy đã cùng bộ đội Củ Chi chiến đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Văn Vân (được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1978).
Những chiến công của ANT4 rất hiển hách, nhiều đơn vị, cá nhân được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Lê Văn Lên, Phạm Minh Trung, Lê Văn Tăng, Nguyễn Minh Hoàng... và tất nhiên hàng trăm CBCS ANT4 hy sinh anh dũng là điều có thể hiểu được. Máu của họ càng tô thắm lá cờ truyền thống của lực lượng CAND.
Bộ trưởng Tô Lâm duyệt đội danh dự khi đến dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai Nghị quyết, Chương trình công tác năm 2024 của Công an TPHCM. Ảnh: Đức Nam
Lao vào cuộc chiến chống Covid-19
chính truyền thống đó đã hun đúc tinh thần người chiến sĩ CAND, để trong đại dịch Covid-19 vừa qua, lực lượng CATP đã trở thành "Lá chắn phòng, chống dịch Covid-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT), an toàn xã hội".
Ngày 11/12/2021, tại TPHCM, Bộ Công an sơ kết phong trào thi đua đặc biệt "Lực lượng CAND - Lá chắn phòng chống dịch Covid-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm ANTT, an toàn xã hội". Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lực lượng Công an đã dũng cảm hy sinh, sẵn sàng lao vào tâm dịch. Nhiều CBCS tham gia chống dịch Covid-19 suốt nhiều tháng không về nhà, sẵn sàng xung phong tham gia chi viện cho các tỉnh, thành. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, toàn lực lượng đã có hơn 10.000 CBCS nghi mắc và mắc Covid-19. Trong đó, 17 CBCS đã hy sinh trong phòng chống dịch Covid-19.
Hình ảnh CBCS CAND vững vàng trên tuyến đầu là điểm tựa tinh thần, chỗ dựa vững chắc cho nhân dân, thể hiện truyền thống anh hùng của lực lượng CAND vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, vì an ninh Tổ quốc. "Mỗi CBCS CAND đã chu toàn bổn phận của mình theo chức năng nhiệm vụ được giao, trở thành chiến sĩ phòng, chống dịch, không ai do dự khi xung kích lao vào tâm dịch không quản ngại khó khăn, nguy hiểm. Trong đợt dịch vừa qua, đã có hàng ngàn CBCS nhiễm Covid-19, trong đó có 17 CBCS đã hy sinh" - Bí thư Nguyễn Văn Nên xúc động phát biểu tại hội nghị.
Sự hy sinh của các chiến sĩ Công an trong thời gian đại dịch hoành hành ở TPHCM và các tỉnh lân cận là rất to lớn. Các chiến sĩ Công an đều cấm trại 100%, tất cả vì công tác phòng, chống đại dịch. Chính nhờ sự tận tụy và hy sinh cao cả đó, đại dịch đã được đẩy lùi, để TPHCM trở lại trạng thái bình thường. Sự hy sinh cao cả của các thế hệ CAND tô thắm thêm truyền thống anh hùng, xây đắp nên tượng đài "Vì an ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân".
Công an TP.Hồ Chí Minh ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân
Giữ vững ổn định trong mọi tình huống
tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai công tác năm 2024 được tổ chức vào ngày 03/01/2024, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá, điểm sáng nổi bật của CATP trong năm 2023 là đã thể hiện trách nhiệm, quyết liệt trong tham mưu, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, của Thành ủy, UBND TPHCM về công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Với thành tích nổi bật đó CATP xứng đáng và vinh dự được Chính phủ tặng: "Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua vì An ninh Tổ quốc năm 2023". Đây là cơ sở, tiền đề và động lực hết sức quan trọng để CATP vững tin, tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Mục tiêu lớn nhất, mục tiêu bao trùm đó là: "Giữ vững ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống, tạo chuyển biến tích cực về ANTT, thực hiện chủ trương xây dựng TPHCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình".
Đồng chí Tô Lâm chỉ đạo: CATP cần tập trung làm tốt công tác bảo đảm an ninh trên địa bàn, thực hiện nhất quán đường lối bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, "an ninh chủ động", "an ninh toàn diện, phát triển"; "tuyệt đối không được để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống"; tổ chức quán triệt, thực hiện, vận dụng linh hoạt có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8, khóa 13 về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".
Đặc biệt, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu CATP phải đưa ra những giải pháp cụ thể, trong xây dựng "xã không có ma túy - xã không có tội phạm" phải có những số liệu, con số hết sức cụ thể để tiến tới xây dựng quận, huyện không có ma túy, không có tội phạm... Thực hiện nghiêm các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm ít nhất 5% tội phạm về trật tự xã hội so với năm 2023 một cách bền vững. Bộ trưởng đặt ra yêu cầu cao, lực lượng CATP phải là địa phương đi đầu về chuyển đổi số, cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử góp phần xây dựng "TP thông minh"; tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong tổ chức thực hiện Đề án 06.
Công an TPHCM kéo giảm tội phạm
Quý I/2024, trên địa bàn TPHCM xảy ra 1.263 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 17 vụ so với cùng kỳ, đã điều tra khám phá 866 vụ, bắt 1.548 đối tượng. Đối với tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, trong quý I/2024 xảy ra 97 vụ, giảm 20 vụ so với cùng kỳ. Tội xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản) trong quý I/2024 cũng đã xảy ra 811 vụ, giảm 99 vụ so với cùng kỳ. Về tội phạm ma túy, qua thực tiễn đấu tranh, CATP ghi nhận các băng nhóm, đối tượng phạm tội về ma túy có sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn hoạt động. Quý I/2024, đã khám phá 813 vụ, tăng 352 vụ (76,36%); 2.019 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, tăng 1.058 đối tượng (110,09%) so với cùng kỳ. Đặc biệt, tội phạm liên quan "tín dụng đen" tiếp tục diễn biến phức tạp. Năm 2023, đã phát hiện, xử lý 263 vụ, 404 đối tượng; quý I/2024, phát hiện, xử lý 63 vụ, 115 đối tượng.
Năm 2023, khởi tố mới 200 vụ với 364 bị can các tội phạm về kinh tế; 53 vụ án với 327 bị can phạm tội về tham nhũng, chức vụ; trị giá hàng hóa thu giữ hơn 205 tỷ đồng. Kiểm tra, phát hiện 1.010 vụ, 1.026 đối tượng vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý 841 vụ, 340 cá nhân, 501 tổ chức, phạt tiền hơn 60 tỷ đồng. Quý I/2024, khởi tố 125 vụ với 185 bị can trong lĩnh vực trật tự quản lý kinh tế.
CATP đã chủ động triển khai, cụ thể hóa các chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM, Bộ Công an về đấu tranh phòng, chống tội phạm, qua đó, hạn chế hoạt động và triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, nâng cao tỷ lệ khám phá các vụ án từ rất nghiêm trọng trở lên đạt trên 90%; khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm, góp phần bảo đảm ổn định tình hình ANTT trên địa bàn.