Sau khi nghe báo cáo về tình hình dịch bệnh, Ban Chỉ đạo đã bàn các nội dung: Triển khai công tác xét nghiệm tầm soát tại những vùng nguy cơ và những trường hợp nguy cơ theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; công tác truy vết; xét nghiệm; triển khai tiêm vaccine phòng chống dịch; đưa công dân về nước; quản lý biên giới, đường mòn, lối mở, người nhập cảnh…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, trong công tác chống dịch phát hiện sớm là mấu chốt. Dẫn ví dụ thực tế tại ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất và ổ dịch ở Hải Phòng, ông Vinh nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai xét nghiệm tầm soát với chiến thuật, chiến lược cụ thể để phát hiện sớm các ca chỉ điểm và nhanh chóng dập dịch.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truy vết, ông Vinh đề nghị Bộ Y tế cần đúc kết lại các bài học, xây dựng sơ đồ truy vết, sơ đồ cách ly thông minh để hướng dẫn các địa phương áp dụng phù hợp, hiệu quả khi xuất hiện tình huống.
Đồng thời ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ Y tế cần xây dựng kế hoạch kết hợp hài hoà giữa chiến lược tiêm vaccine phòng chống COVID-19 với chiến lược phòng chống dịch, để phát huy hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dân số của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới. Chúng ta là nước đang phát triển có thu nhập trung bình đứng thứ khoảng ngoài 120 trên thế giới. Hiện tổng số ca nhiễm của Việt Nam đứng thứ 173, nhưng tính theo tỷ lệ ca nhiễm trên số dân thì đứng thứ 213/219 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt chi phí chống dịch của Việt Nam rất thấp. Số lượng xét nghiệm trên số dân đứng thứ 176 trên thế giới.
“Bằng tất cả sự khiêm tốn, có thể nói rằng Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những nước chống dịch hiệu quả nhất. Vì vậy chúng ta phải kiên trì nguyên tắc, chiến lược chống dịch từ những ngày đầu. Trong từng thời kỳ thì chiến thuật thay đổi linh hoạt, nhưng chiến lược 5 bước Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch - Điều trị thì không thay đổi, đặc biệt là phát hiện, truy vết và bây giờ thêm sàng lọc cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm”, Phó Thủ tướng nói.
Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với tỉnh Hải Dương về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, hôm nay đã bước sang ngày thứ 7, Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh; qua đó số lượng ca mắc đã giảm sâu, hoàn toàn làm chủ được tình hình tại các ‘điểm nóng’ trước đây (Cẩm Giàng, Chí Linh).
Về xét nghiệm, tỉnh Hải Dương đã nâng công suất xét nghiệm lên 80.000 mẫu/ngày và hoàn toàn có thể nâng lên 120.000 mẫu/ngày (mẫu gộp) để tiến hành xét nghiệm tầm soát diện rộng trong thời gian tới.
Về ổ dịch ở Kim Thành, tỉnh đang tập trung cao độ đối với khu vực này, cử 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo áp dụng những biện pháp mạnh mẽ nhất, phong tỏa chặt, xét nghiệm diện rộng, để khẩn trương dập dịch.
Liên quan đến việc dạy học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Minh cho biết, hiện đã có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cho học sinh đi họp bình thường. Còn lại 8 tỉnh trong đó có Hải Dương dự tính cho học sinh đi học bình thường từ 1/3 tới. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị tỉnh Hải Dương nói riêng và các địa phương nói chung phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh yên tâm đưa con tới trường…
Tại cuộc họp cũng đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Theo các chuyên gia, vaccine Astra Zeneca đang được nhập về Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định chất lượng. Theo đó, về nguyên tắc, khi về đến Việt Nam vaccine có thể tiêm ngay được.
Theo ông Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), các loại vaccine khi về Việt Nam, như trước đây là Quinvaxem hay ComBE Five, đều được thử nghiệm đánh giá an toàn. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch COVID-19 diến biến phức tạp và đây là tình huống khẩn cấp nên Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị để tiêm vaccine này cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ theo đúng kế hoạch.
“Vấn đề vaccine ngừa COVID-19 được Cục Y tế dự phòng thực hiện phối hợp với Cục Dược cấp phép, lên kế hoạch phân phối và Cục Đào tạo (Bộ Y tế) theo dõi đánh giá hiệu quả. Chúng ta sẽ không phải tiêm ồ ạt và không theo dõi. Đây là cách làm khôn ngoan để vừa chống dịch vừa kiểm soát độ an toàn để đảm bảo đưa vaccine ngừa COVID-19 an toàn nhất cho người dân”, ông Trần Đắc Phu khẳng định.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, ở những nước đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng, như Israel, hiện vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách…
“Virus SARS-CoV-2 lây theo giọt bắn, do đó, đây vẫn luôn là các biện pháp phòng dịch hữu hiệu đầu tiên. Chúng ta phải hiểu rõ vaccine khi tiêm vào sẽ không tạo miễn dịch ngay và đặc biệt chúng ta còn phòng ngừa biến chủng virus, hướng tới miễn dịch cộng đồng với 70% dân số”, ông Trần Đắc Phu nói thêm.
Các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định Chính phủ đang chỉ đạo để triển khai vaccine COVID-19 sản xuất trong nước. Theo đó, sẽ rút ngắn các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo các khâu an toàn và hiệu quả trong sản xuất, phát triển vaccine.
Là người ký kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do Giải pháp tiếp cận vaccine phòng COVID-19 toàn cầu (COVAX Facility) hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết vaccine từ nguồn của COVAX Facility là một nhánh trong kế hoạch tổng thể này, bên cạnh đó có còn nguồn vaccine do chúng ta đặt mua của nước ngoài, sau này có thể có cả vaccine sản xuất trong nước.
Đối với vaccine từ nguồn COVAX Facility, dự kiến cuối quý I đầu quý II/2021 sẽ có 4,8 triệu liều đầu tiên về Việt Nam.
Về khả năng ứng phó các tai biến tiêm chủng có thể xảy ra khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng việc đánh giá hiệu quả, độ an toàn, liều lượng tiêm chúng ta đang tuân theo các thông báo Tổ chức Y tế thế giới hoặc các cơ quan y tế quốc tế có thẩm quyền. Việt Nam đang cho phép nhập khẩu và lưu hành, triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong điều kiện khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh.
Do vậy, việc đánh giá, dự báo khả năng xảy ra tai biến tiêm chủng cũng như hiệu quả của vaccine phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Vì vậy trong kế hoạch tổng thể mà Bộ Y tế sẽ ban hành, bên cạnh những lợi ích, tác dụng của vaccine, chúng ta cũng phải tuyên truyền về những tác dụng, phản ứng không mong muốn có thể xảy ra để người dân biết và đồng hành với ngành y tế.